Cách sơ cứu khi gặp người bị tai nạn giao thông
Nếu được sơ cứu đúng cách và kịp thời, người gặp tai nạn giao thông có thể thoát khỏi nguy cơ tử vong.
Theo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, tỷ lệ nạn nhân sau tai nạn giao thông được sơ cấp cứu tại chỗ chưa đến 10%. Nguy hiểm hơn, gần một nửa trường hợp này được sơ cứu không đúng kỹ thuật. Việc làm này có thể làm tình trạng bệnh nhân nặng hơn, thậm chí ảnh hưởng sức khỏe và tính mạng của người tham gia sơ cứu.
Thạc sĩ, bác sĩ Vũ Đình Hùng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, chỉ ra những điều cơ bản để người dân xử lý khi tai nạn giao thông xảy ra.
Nguyên tắc khi sơ cứu
An toàn hiện trường
Theo bác sĩ Hùng, trước khi sơ cứu, chúng ta cần quan sát, loại bỏ hoặc tránh tất cả yếu tố nguy hiểm như cháy, nổ, điện, nước, chất độc, hóa chất... Các yếu tố này có thể ảnh hưởng tới tính mạng bệnh nhân cũng như chính người sơ cứu.
An toàn cho người sơ cứu
Người sơ cứu phải chú ý loại bỏ các mối nguy hiểm từ hiện trường, kể cả nạn nhân, như chất tiết, máu từ vết thương... Nguyên nhân là chúng có thể trở thành tác nhân gây nhiễm bệnh (HIV, viêm gan...).
Bác sĩ Hùng khuyến cáo người sơ cứu tốt nhất nên sử dụng găng tay. Trong tình huống điều kiện không đảm bảo, chúng ta nên tránh máu hoặc chất dịch lây nhiễm qua vết thương hở của nạn nhân.
Yêu cầu trợ giúp
Người dân nên gọi to và yêu cầu sự trợ giúp từ những người xung quanh trước khi sơ cứu. Việc làm này đảm bảo sự hỗ trợ cần thiết trong quá trình sơ cứu, đồng thời mang đến người làm chứng trong các vụ tai nạn giao thông có tính chất nhạy cảm.
Bên cạnh đó, chúng ta nên yêu cầu một người gọi ngay cho đơn vị cấp cứu ngoại viện 115. Nếu chỉ có một mình, người sơ cứu nên gọi 115 trước khi thực hiện.
Tránh di chuyển nạn nhân khi chưa đánh giá tổn thương
Nguyên tắc này không áp dụng khi có nguy cơ từ hiện trường. Trong trường hợp bắt buộc, người dân cần tránh các động tác làm xoắn, vặn, gập cổ, người nạn nhân. Nếu có nhiều người, chúng ta nên giữ nạn nhân thẳng lưng, cổ khi di chuyển.
Khi tai nạn dẫn đến biến dạng, gãy xương chi, chúng ta cần cố gắng giữ nguyên tư thế biến dạng khi di chuyển nạn nhân.
Cố định cột sống cổ
Theo bác sĩ Hùng, chúng ta cần nghi ngờ chấn thương cột sống cổ ở tất cả trường hợp nạn nhân chấn thương sọ não hoặc hôn mê.
Lúc này, người sơ cứu cần để nạn nhân nằm ngửa, cố định cổ bằng nẹp hoặc vật cứng chèn 2 bên vai nhằm giữ cổ luôn thẳng.
"Trong tình huống tai nạn giao thông không có nhân viên y tế hay dụng cụ chăm sóc chuyên dụng, chúng ta có thể tận dụng những vật phù hợp xung quanh như miếng vải, khăn sạch hay quần áo để băng, cầm máu; thanh gỗ, kim loại dài, cứng để nẹp; gối, túi nặng, bao cát để cố định cột sống cổ", bác sĩ Hùng chia sẻ.
Các bước sơ cứu
Bác sĩ Vũ Đình Hùng cho hay sau khi đảm bảo các nguyên tắc trên, người dân cần sơ cứu theo đúng trình tự A, B, C, D, E.
Đường thở (A - Airway)
Bước đầu tiên trong quá trình sơ cứu là chúng ta cần nhận biết nạn nhân có tỉnh không. Nạn nhân tỉnh, có thể nói được nghĩa là đường thở vẫn ổn định. Tuy nhiên, nếu họ nôn, chúng ta cần nghiêng nhẹ đầu nạn nhân sau một bên để chất nôn chảy ra ngoài, tránh sặc vào phổi.
Khi bệnh nhân không tỉnh, người sơ cứu cần dùng khăn hoặc vải sạch lau đờm dãi, mở miệng kiểm tra dị vật, qua đó khai thông đường thở. Đồng thời, chúng ta cần giữ nạn nhân ở tư thế cổ ưỡn, nâng hàm.
Hô hấp (B - Breathing)
Nếu nạn nhân hôn mê, chúng ta cần kiểm tra họ còn thở hay không. Tình trạng hôn mê kết hợp không thở hoặc thở ngáp là dấu hiệu của ngừng tuần hoàn.
Lúc này, chúng ta phải ngay lập tức hồi sinh tim phổi cho nạn nhân bằng cách đặt cườm 2 tay vào 1/3 dưới xương ức của nạn nhân, sau đó ép tim nhanh và mạnh (tần số khoảng 100 - 120 lần/phút, độ sâu 5 cm). Việc ép tim cần thực hiện liên tục đến khi nhân viên cấp cứu tới hiện trường.
Nếu nạn nhân khó thở, chúng ta cần nới rộng quần áo và kê cao đầu cho họ. Trong trường hợp có vết thương phì phò máu khí ở vùng ngực, người sơ cứu nên băng kín vết thương và tuyệt đối không tự ý rút dị vật nếu có, chỉ dùng băng sạch quấn xung quanh.
Tuần hoàn (C - Circulation)
Bác sĩ Hùng cho biết chảy máu là nguyên nhân chính gây nên tình trạng sốc. Đây cũng là dạng vết thương thường gặp nhất trong tai nạn giao thông.
Theo vị chuyên gia này, với vết thương chảy máu không có dị vật, chúng ta cần dùng miếng vải sạch ép vào vị trí đó và băng chặt.
Với vết thương có dị vật, người sơ cứu tuyệt đối không rút dị vật ra vì có thể làm cho máu chảy nhiều hơn. Lúc này, chúng ta có thể lần lượt dùng tay ép chặt mép vết thương, chèn vải hoặc gạc quanh (không trùm lên) dị vật rồi băng chặt cố định.
Thần kinh (D - Disability)
Một cách đơn giản để kiểm tra thần kinh là gọi to xem nạn nhân có tỉnh không. Nếu nạn nhân bất tỉnh, chúng ta cần chú ý cố định cột sống cổ cho nạn nhân bằng cách đặt vật cứng chèn 2 bên vai.
Ngoài ra, chúng ta nên kiểm tra vùng đầu của nạn nhân. Khi phát hiện vết thương, người sơ cứu có thể băng quanh đầu nạn nhân để cầm máu, vẫn phải chú ý bất động cột sống cổ.
Bộc lộ (E - Expose)
Người sơ cứu cần nới rộng quần áo cho nạn nhân để kiểm tra toàn toàn, chú ý các vị trí thấm máu. Ngoài ra, chúng ta cần kiểm tra xem có điểm gãy xương hay không, từ đó dùng nẹp cứng để cố định, giữ nguyên tư thế của chi gãy và không tự ý kéo nắn.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cach-so-cuu-khi-gap-nguoi-bi-tai-nan-giao-thong-post1206322.html