Cải cách hành chính: 'Trái ngọt' từ quyết tâm cao

Thời gian qua, dịch bệnh COVID-19 tác động, ảnh hưởng tới mọi mặt của đời sống xã hội song vượt lên khó khăn, các chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2021 của tỉnh tiếp tục có sự cải thiện tích cực. Trong đó, chỉ số PAR INDEX (Chỉ số CCHC) của tỉnh đạt 88,59 điểm, xếp thứ 9/63 tỉnh, thành trong cả nước; Chỉ số SIPAS (chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính) đạt 89,3%, xếp thứ 13/63 tỉnh, thành trong cả nước; Chỉ số PAPI (chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công) đạt 45,34 điểm, xếp thứ 6/63 tỉnh, thành trong cả nước. Kết quả trên cho thấy nỗ lực, quyết tâm cao của toàn tỉnh trong đẩy mạnh CCHC, trọng tâm là thủ tục hành chính, tiếp tục được người dân, cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá cao.

Cán bộ Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả xã Địch quả, huyện Thanh Sơn trả kết quả chongười dân nhanh chóng, thuận tiện.

Lấy sự hài lòng của nhân dân làm thước đo phục vụ

Trung bình mỗi ngày, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND thành phố Việt Trì tiếp đón 250- 300 lượt người đến làm thủ tục hành chính (TTHC) ở các lĩnh vực, trong đó riêng lĩnh vực đất đai tiếp nhận giải quyết 150-170 hồ sơ/ngày. Khối lượng công việc lớn, áp lực về thời gian giải quyết và trả kết quả không hề nhỏ song các cán bộ, công chức ở Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND thành phố vẫn luôn tận tình hướng dẫn người dân với phong thái niềm nở, nhiệt tình, trách nhiệm.

Anh Trần Ngọc Tuân ở thị trấn Thanh Ba, huyện Thanh Ba cho biết: “Đến nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tôi được cán bộ Bộ phận một cửa hướng dẫn làm TTHC trực tuyến mức độ 3, thao tác ngay trên điện thoại thông minh, nộp thuế trực tuyến không phải ra ngân hàng, mọi giấy tờ thủ tục liên quan được giải quyết nhanh gọn, thông tin minh bạch, thuận lợi, không có hiện tượng phiền hà, sách nhiễu”.

Để xây dựng nền hành chính trong sạch, liêm chính, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thành phố Việt Trì đã thay đổi tư duy từ “nền hành chính quản lý” sang “nền hành chính phục vụ”; sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước đảm bảo tinh gọn, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ bản lĩnh, phẩm chất, năng lực. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ thúc đẩy hoàn thành xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, góp phần nâng cao năng suất hoạt động và chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân, tổ chức. Hiện thành phố giải quyết 283 thủ tục TTHC theo cơ chế một cửa, trong đó có 106 thủ tục TTHC được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3; 52 thủ tục TTHC ở mức độ 4. Năm 2021, thành phố đã tiếp nhận giải quyết 37.048 hồ sơ TTHC, tỉ lệ hồ sơ trả trước hạn và đúng hạn đạt 99,6%.

Không riêng thành phố Việt Trì, tất cả các huyện, thành, thị, các sở, ngành trong toàn tỉnh tập trung đẩy mạnh cải cách TTHC, không ngừng đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu lực quản lý, điều hành, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo, góp phần xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số hoạt động hiệu quả, đồng bộ, liên thông, thống nhất, góp phần thực hiện tốt khâu đột phá cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư và kinh doanh mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra.

Nhiều giải pháp nâng cao các chỉ số

Để nâng cao mức độ xếp hạng các Chỉ số: PAR INDEX, SIPAS, PAPI, góp phần đẩy mạnh thu hút đầu tư vào địa bàn, thời gian qua, công tác CCHC được thực hiện đồng bộ trên toàn tỉnh với nhiều giải pháp cụ thể, từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo tới triển khai thực hiện tất cả các nội dung của chương trình tổng thể CCHC nhà nước. Trong đó, bộ máy hành chính ngày càng được tinh gọn; trình độ chuyên môn, đạo đức công vụ, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức không ngừng được nâng cao, đồng thời phát huy vai trò gương mẫu của người đứng đầu cơ quan, đơn vị.

Người dân bấm số tự động khi đến làm TTHC tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND thành phố Việt Trì.

Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, 100% TTHC được niêm yết công khai tại Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của cấp huyện, cấp xã, được đăng tải trên Cổng dịch vụ công, Cổng giao tiếp điện tử tỉnh, trên Trang thông tin điện tử các sở, ban, ngành và UBND huyện, thành, thị. Hệ thống một cửa điện tử được triển khai đồng bộ, thống nhất, liên thông đến 100% các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến huyện, xã. Cổng dịch vụ công của tỉnh kết nối liên thông Cổng dịch vụ công Quốc gia cung cấp 1.954 TTHC, trong đó mức độ 3 là: 778 TTHC (đạt 39,82%), mức độ 4 là: 701 TTHC (đạt 35,88%). TTHC ở nhiều lĩnh vực đã được UBND tỉnh cắt giảm, đơn giản hóa.

Một số địa phương áp dụng mô hình “Chính quyền thân thiện” tại các xã, phường, nhờ đó các TTHC được giải quyết thuận tiện, nhanh chóng, giảm chi phí, thời gian; các hoạt động kiểm tra, giám sát thực hiện công khai, giúp ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, quan liêu. Tỉ lệ hồ sơ TTHC do UBND cấp huyện, cấp xã, các sở, ngành tiếp nhận, giải quyết trước hạn và đúng hạn đạt 99,5%- 99,98%.

Bên cạnh đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh được ban hành đồng bộ, thống nhất, tác động tích cực đến nâng cao các chỉ số: PCI (năng lực cạnh tranh cấp tỉnh), PAR INDEX, SIPAS, PAPI. Phát huy vai trò của cơ quan chuyên môn, Sở Nội vụ đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản về tăng cường CCHC và công tác tổ chức triển khai thực hiện trong từng năm, từng giai đoạn theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ để nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội địa phương.

Một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao các chỉ số là hằng năm, sau khi kết quả PAR INDEX, SIPAS, PAPI được công bố, Sở Nội vụ đều báo cáo giải trình, phân tích làm rõ những nội dung bị trừ điểm hoặc chưa đạt điểm, công khai những cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm. Đồng thời tham mưu cho UBND tỉnh có biện pháp chấn chỉnh để nâng cao chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PAPI của tỉnh trong năm tiếp theo. Hằng năm, UBND tỉnh cũng thực hiện việc đánh giá, xếp loại chất lượng hoạt động của các sở, ban, ngành; các huyện, thành, thị; các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc... Việc đánh giá chất lượng hoạt động được tiến hành bài bản, dựa trên Bộ chỉ số bao gồm các chỉ tiêu, tiêu chí thành phần và định lượng kết quả đạt được ở từng cơ quan, đơn vị.

Song song với đó, công tác xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số được các cơ quan, đơn vị tích cực triển khai thực hiện, đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước, giảm thời gian và chi phí giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp, tác động mạnh mẽ tới mọi mặt của đời sống xã hội và môi trường đầu tư kinh doanh tại tỉnh.

Nhờ thực hiện đồng bộ, tổng thể CCHC nhà nước với quyết tâm cao nên tất các chỉ số: PAR INDEX, SIPAS, PAPI cấp tỉnh của Phú Thọ trong năm 2021 tiếp tục thăng hạng, tăng bậc với số điểm cao, tạo nền tảng vững chắc để tỉnh thực hiện tốt mục tiêu xây dựng cơ quan nhà nước liêm chính, chuyên nghiệp, hiện đại, phục vụ nhân dân, tạo động lực mới thúc đẩy kinh tế- xã hội của tỉnh phát triển nhanh, bền vững.

Mai Phương

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//xa-hoi/cai-cach-hanh-chinh-trai-ngot-tu-quyet-tam-cao/184722.htm