Cải cách sẽ thành công khi mục tiêu là sự hài lòng của người dân

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng, song Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Từ những thực tế kết quả cải cách trong ngành Thuế và Hải quan, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng kinh nghiệm thành công chính là lấy sự hài lòng của người dân làm mục tiêu cải cách.

Ngành Tài chính hiện có nhiều hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin có số lượng người sử dụng truy cập hàng ngày rất lớn. Ảnh tư liệu

Ngành Tài chính hiện có nhiều hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin có số lượng người sử dụng truy cập hàng ngày rất lớn. Ảnh tư liệu

PV:Dưới góc nhìn của cộng đồng doanh nghiệp, ông đánh giá kết quả cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam thời gian qua như thế nào?

Ông Đậu Anh Tuấn: Thời gian qua, môi trường kinh doanh của Việt Nam đã được cải thiện rất ấn tượng, thể hiện ở nhiều khía cạnh. Trước hết là dòng vốn đầu tư vào Việt Nam vẫn tăng tích cực cho dù trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn. Điều đó cho thấy, môi trường kinh doanh tại Việt Nam vẫn rất tốt, trong con mắt của các nhà đầu tư nước ngoài.

Thứ hai là rất nhiều chính sách được Quốc hội, Chính phủ ban hành, sửa đổi thời gian qua đều theo hướng thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Mặc dù doanh nghiệp vẫn còn mong muốn nhiều hơn, nhưng xu hướng chung việc thay đổi chính sách của Việt Nam như vậy là rất tích cực cho sự phát triển của doanh nghiệp.

Ông Đậu Anh Tuấn

Ông Đậu Anh Tuấn

Điểm thứ ba mà chúng ta thấy là theo nhiều đánh giá của các tổ chức cũng như các nhà đầu tư, vị thế, năng lực cạnh tranh của Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực đã được cải thiện hơn nhiều.

PV: Như ông chia sẻ, doanh nghiệp vẫn mong muốn có nhiều cải cách hơn nữa. Theo ông, cần làm gì để tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao hơn năng lực cạnh tranh của Việt Nam?

Ông Đậu Anh Tuấn: Đúng là để nâng cao hơn năng lực cạnh tranh của Việt Nam thì còn rất nhiều việc cần phải làm. Việc Chính phủ ngay từ đầu năm đã ban hành trở lại Nghị quyết 02 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh đã thể hiện thông điệp này.

Hiện nay, Chính phủ đã thành lập, kiện toàn tổ công tác về cải cách thủ tục hành chính, kiện toàn hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ. Chính phủ cũng đã tiếp tục đốc thúc các tổ công tác rà soát những chồng chéo, vướng mắc và đã tháo gỡ được nhiều khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.

Tiếp tục rà soát, sửa đổi tạo điều kiện hơn nữa cho doanh nghiệp

Theo phản ánh của doanh nghiệp vẫn còn tình trạng nhiều điều kiện kinh doanh đang chồng chéo về thẩm quyền, nhiều thủ tục hành chính chưa thuận lợi về mặt thời gian, trình tự.

Vẫn có tình trạng dù thực hiện thủ tục điện tử nhưng vẫn thực hiện song song thủ tục giấy. Hay còn tình trạng khó khăn, phiền hà, né tránh đùn đẩy trách nhiệm ở một số nơi… Do vậy, tinh thần năng động, tạo động lực cho bộ máy thực thi rất quan trọng.

Những nỗ lực như vậy thể hiện trọng tâm ưu tiên của Chính phủ trong cải thiện môi trường kinh doanh, điều mà người đứng đầu Chính phủ đã nhiều lần nhấn mạnh. Đây là định hướng rất đúng và rất quan trọng của Chính phủ trong thời gian sắp tới.

PV: Một trong những ngành, lĩnh vực mà được quan tâm nhiều trong đánh giá về môi trường kinh doanh là thuế và hải quan. Ông đánh giá thế nào về những cải cách trong lĩnh vực này?

Ông Đậu Anh Tuấn: Tôi cho rằng, ngành Thuế và Hải quan là hai cơ quan đi đầu trong quá trình thực hiện Nghị quyết 02. Có thể nói họ đã thực hiện cải cách một cách đồng đều, có kết quả thực chất và cải cách tương đối bền vững so với nhiều ngành khác.

Những cải cách trong ngành Thuế và Hải quan tương đối gốc rễ và có hệ thống. Tiêu biểu như ứng dụng công nghệ thông tin, nhiều ngành vừa qua cũng ứng dụng công nghệ thông tin nhưng ở ngành Thuế và Hải quan có những ứng dụng rất sâu, đem lại sự chuyển đổi rất rõ, điều mà ít ngành có được.

Một thay đổi tiêu biểu là cách đây vài năm, mỗi khi đến kỳ quyết toán thuế là số người đến các cơ quan thuế rất đông nhưng nay tình trạng này hầu như không có, hầu hết các thủ tục hành chính đều tiến hành qua mạng và tiến hành một cách thực chất. Ngành Thuế cũng đã triển khai hóa đơn điện tử rộng khắp, một bước đi tương đối nhanh so với các nhiều quốc gia khác; triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng các thủ tục hành chính điện tử đã trở thành việc làm bình thường hàng ngày ở các cấp.

Với hải quan, thủ tục hành chính trong lĩnh vực này cũng được chuyển đổi rất mạnh mẽ theo hướng một cửa, giảm chi phí và thực hiện hoàn toàn trên môi trường mạng. Thủ tục thông quan theo đó đã cải thiện lớn trong 10 năm qua. Có thể nói, Việt Nam đã đi được bước dài và những thành tích phát triển của Việt Nam như là tăng trưởng xuất khẩu chắc chắn có sự đóng góp rất lớn của ngành Hải quan.

PV: Theo ông, kinh nghiệm thành công ở hai lĩnh vực này là gì ?

Ông Đậu Anh Tuấn: Từ thành công trong quá trình thực hiện chương trình cải cách của ngành Thuế và ngành Hải quan, tôi cho rằng là kinh nghiệm chính là lấy sự hài lòng của người dân làm mục tiêu cải cách. Chẳng hạn những chiến lược của ngành Thuế thì luôn lấy sự hài lòng của người nộp thuế là mục tiêu hướng tới. Với tinh thần phục vụ như vậy thì mức độ thuận lợi, hiệu quả, thân thiện của thủ tục hành chính luôn được nhấn mạnh.

Mặc dù so với kỳ vọng của nhiều doanh nghiệp thì họ vẫn mong muốn có sự cải thiện hơn nữa, song tôi cũng cho rằng cải cách là một quá trình diễn ra liên tục chứ không thể thay đổi trong một vài ngày.

Để có được những cải cách như ngày hôm nay, tôi hình dung rằng ngành thuế, hải quan đã phải tiến hành những bước đầu tiên cách đây rất nhiều năm, trước cả khi có Nghị quyết 19, Nghị quyết 02. Chẳng hạn muốn ứng dụng công nghệ thông tin thì phải đầu tư công nghệ, nhân lực, hạ tầng… những việc này ngành Thuế, Hải quan đã phải làm trong nhiều năm mới có kết quả.

Những kết quả trong lĩnh vực thuế và hải quan đã chứng minh được rằng nếu có định hướng rõ ràng, cách làm bài bản, với mục tiêu sự thuận lợi của người thực hiện làm đầu, việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh chắc chắn sẽ có những bước tiến tích cực trong thời gian tới.

PV: Xin cảm ơn ông!

Tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan

Tại cuộc hội thảo mới đây về triển khi Nghị quyết 02, ông Quách Hào Hiệp - Phó Chánh Văn phòng Tổng cục Thuế cho biết Tổng cục Thuế đã xây dựng kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết số 02 của Chính phủ.

Theo đó, ngành Thuế sẽ tập trung vào nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công; tiếp tục thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh. Đồng thời, ngành Thuế tăng cường các biện pháp kịp thời tháo gỡ các vướng mắc về hoàn thuế GTGT, giải quyết hoàn thuế...; rà soát, báo cáo về chính sách thuế đối với hoạt động chế biến thủy sản nhằm hoàn thiện quy định pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.

Trước đó, ngày 24/1/2024, Tổng cục Hải quan đã ban hành Chỉ thị 371/CT-TCHQ về việc đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tạo thuận lợi thương mại, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, chống thất thu trong triển khai nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2024.

Theo đó, năm 2024, ngành Hải quan tiếp tục đặt mục tiêu đẩy mạnh cải cách hành chính, đảm bảo triển khai có hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030, triển khai đồng bộ và toàn diện từ công tác cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính đến xây dựng và phát triển hải quan điện tử, hải quan số…

Hoàng Yến

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/cai-cach-se-thanh-cong-khi-muc-tieu-la-su-hai-long-cua-nguoi-dan-146151-146151.html