Cái khó của người chuyển giới ở Việt Nam

Mỗi người chuyển giới đều có quyền quyết định chung sống với cơ thể sinh học, dùng hormone hay phẫu thuật mà không phải chịu tác động của định kiến hay kỳ thị.

Trước đây, Nguyễn Thủy Tiên, huấn luyện viên zumba, luôn nghĩ “người chuyển giới là phải chuyển hết”. Cô cho rằng bản thân phải thay đổi mọi thứ trên cơ thể để được như “phụ nữ bình thường”.

“Mình uống hormone rồi, phải làm ngực, phẫu thuật cơ quan sinh dục để hoàn thiện, tự tin và dễ dàng hơn trong cuộc sống”, cô gái 23 tuổi tự nhủ.

Tuy nhiên, mọi chuyện thay đổi sau cuộc trò chuyện cách đây 2-3 tháng.

Khi gặp bạn là người chuyển giới từ Mỹ về, Tiên lập tức hỏi: “Chị làm gói bao nhiêu? Có đau không? 10 năm rồi liệu có còn cảm giác?”. Bởi trong suy nghĩ của cô, người bạn luôn xuất hiện tự tin và lộng lẫy như vậy là nhờ “đã làm hết rồi”.

Tiên bất ngờ khi nhận về câu trả lời trái ngược với điều mình nghĩ.

 Thủy Tiên chia sẻ tại buổi trò chuyện “Cơ thể của người chuyển giới, lựa chọn của người chuyển giới” tại Hà Nội. Ảnh: Hopebox.

Thủy Tiên chia sẻ tại buổi trò chuyện “Cơ thể của người chuyển giới, lựa chọn của người chuyển giới” tại Hà Nội. Ảnh: Hopebox.

Bản thân Tiên dự kiến tháng 3-4 năm sau sẽ phẫu thuật cơ quan sinh dục. Cô chia sẻ mong muốn xuất phát từ việc luôn phải dùng các biện pháp che giấu khi mặc đồ để tự tin nhất lúc ra ngoài hay diện bikini. Mặt khác, cô hy vọng khi “giống như phụ nữ” sẽ dễ dàng hơn trong chuyện tình cảm.

Lắng nghe chia sẻ từ Tiên, người bạn khuyên cô dành thêm thời gian suy nghĩ. Bởi lẽ, việc can thiệp y tế để thay đổi bộ phận trên cơ thể phải xuất phát từ mong muốn của bản thân, thay vì tác động từ bên ngoài dễ dẫn đến hối hận sau này.

Câu chuyện của Tiên không phải là cá biệt.

Những định kiến, khuôn mẫu lên cơ thể người chuyển giới hiện diện hàng ngày trong cuộc sống của họ. Chúng có thể khiến người chuyển giới chán ghét, chối bỏ bản thân và khao khát cơ thể khác để giải phóng mình khỏi áp lực.

Thực tế, luật của nhiều quốc gia phát triển trên thế giới công nhận một cá nhân là người chuyển giới khi họ nhận thức mình là phụ nữ/đàn ông mà không cần can thiệp bất cứ phẫu thuật y khoa nào. Ở Việt Nam, tại khoản 1 Điều 4 Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính của Bộ Y tế cũng nêu điều này.

“Cơ thể của chúng ta, quyền lựa chọn của chúng ta”

Trong công việc, Ngô Hoàng Ngọc Hiệp, cán bộ nguồn lực và kết nối cộng đồng của IT’S T TIME (tổ chức cộng đồng do người chuyển giới, đa dạng giới thành lập, lãnh đạo nhằm kiến tạo các không gian an toàn cho cộng đồng mình) có cơ hội tiếp xúc với PGS.TS Phạm Quỳnh Phương - nhà nghiên cứu nhân học văn hóa xã hội.

Bà là người viết cuốn sách có thể coi là sự xuất hiện đầu tiên trong giới học thuật về cụm từ “người chuyển giới”. Việc đi tới quyết định sử dụng từ “người chuyển giới” thay vì “người xuyên giới” là rất lớn.

PGS.TS Phạm Quỳnh Phương giải thích cụm từ “người chuyển giới” có thể dẫn đến việc mọi người nghĩ người chuyển giới là chuyển hoàn toàn từ A sang B.

Điều này được đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp xác nhận. Theo bà, đối với người hợp giới, khi tiếp nhận thông tin trên truyền thông hay xã hội, họ đều hiểu rằng là đã là người chuyển giới thì chắc chắn phải can thiệp y khoa dù ít hay nhiều.

Thực tế, người chuyển giới không nhất thiết phải có sự can thiệp về mặt y khoa làm thay đổi nhận diện về mặt cơ thể. Họ cũng không bắt buộc phải đi đến hay có mong muốn rằng sẽ chuyển đổi toàn bộ cơ thể.

“Cơ thể là của chúng ta, quyền lựa chọn là của chúng ta. Đó là điều tất cả cộng đồng cần nhận ra, không chỉ riêng người chuyển giới”, bà nói.

 Theo Ngọc Hiệp, tất cả người chuyển giới đều cảm thấy bức bối giới, nhưng thể hiện đối với mỗi cá nhân là khác nhau. Ảnh: Hopebox.

Theo Ngọc Hiệp, tất cả người chuyển giới đều cảm thấy bức bối giới, nhưng thể hiện đối với mỗi cá nhân là khác nhau. Ảnh: Hopebox.

Theo Ngọc Hiệp, cứ 10 năm một lần, Hiệp hội Chuyên khoa Thế giới về Sức khỏe Chuyển giới (WPATH) lại đưa ra tiêu chuẩn chăm sóc sức khỏe cho người chuyển giới. Điều đầu tiên luôn là định nghĩa thế nào là người chuyển giới. Một trong những từ khóa quan trọng là “bức bối giới”.

Tất cả đều cảm thấy bức bối giới, nhưng thể hiện đối với mỗi cá nhân là khác nhau.

Hiệp giải thích trong cách hiểu thông thường về giới của xã hội, từ giới gắn với giới tính, cách hiểu về giới mang tính dị nguyên. Nhưng thực tế, 2 từ giới (gender) và giới tính (sex) tách biệt với nhau.

“Giới có thể nói là viết tắt của bản dạng giới, có nghĩa là một người nghĩ mình thuộc giới nào, còn giới tính là đặc điểm giới tính. Hai từ tách biệt dẫn đến việc một người chuyển giới có thể cảm thấy bức bối giới theo những cách khác nhau”, cô nói.

Cụ thể, những người bức bối giới về mặt giới tính, sinh học thường mong muốn thay đổi cơ thể vì nhìn thấy bộ phận trên người lại cảm thấy chán ghét. Tuy nhiên, có những người chuyển giới không cảm thấy bức bối giới về mặt sinh học, nhưng vẫn cảm thấy bức bối về mặt giới xã hội. Họ mong muốn được người xung quanh và xã hội công nhận như giới tính mong muốn của mình.

Ví dụ, một người chuyển giới nữ mong muốn được xã hội nhìn nhận như một người nữ. Khi không đạt được điều này, họ sẽ giải quyết vấn đề bức bối giới xã hội bằng cách thay đổi ngoại hình, cách ăn mặc. Tuy nhiên, nếu họ không cảm thấy bức bối về mặt giới tính, họ sẽ không can thiệp y tế bằng cách phẫu thuật.

Hiệp cho rằng việc gắn giới với giới tính thể hiện ngay trong từ chuyển giới. Mọi người thường sử dụng từ chuyển giới như động từ “Tôi đã chuyển giới”, “Tôi đi chuyển giới”.

Tuy nhiên, chuyển giới không phải viết tắt của chuyển đổi giới tính (chỉ quá trình thay đổi về mặt ngoại hình, can thiệp y tế để có thay đổi giới tính sinh học).

“Tất cả từ ngữ mà mọi người sử dụng, hình ảnh xuất hiện từ trước đến nay tạo dựng diễn ngôn trong đầu của mọi người rằng người chuyển giới là chuyển đổi giới tính và cần can thiệp y tế. Do đó, cần phải thay đổi từ chính từ ngữ, cách hiểu cơ bản nhất để chỉ nhóm người”, Hiệp khẳng định.

Cô nhấn mạnh người chuyển giới không cần thiết phẫu thuật thì mới được công nhận. Quan trọng là cách xã hội đối xử với họ có công bằng như các cá nhân khác trong xã hội hay không.

Chặng đường dài

Hiện nay, theo Ngọc Hiệp, trong chính cộng đồng người chuyển giới, thông tin về chuyện dùng hormone hay phẫu thuật chuyển đổi giới tính không hề có bất kỳ nguồn thông tin chính thống nào. Tất cả đều là người đi trước truyền lại cho người sau.

Thậm chí, nhiều bác sĩ ở cơ sở chính quy tại Việt Nam cũng hoàn toàn không có kiến thức về vấn đề này. Bởi vậy, một trong số công việc quan trọng của các tổ chức như IT’S T TIME là mời các chuyên gia y học từ WPATH đào tạo cho bác sĩ của Việt Nam về kiến thức, kỹ thuật chăm sóc sức khỏe người chuyển giới mà từ đó, họ có thể đưa đến cho cộng đồng.

Tuy nhiên, quá trình này gặp nhiều khó khăn khi tất cả diễn ngôn trong cộng đồng vẫn liên tục nhắc đi nhắc lại rằng can thiệp y tế làm giảm tuổi thọ, không còn cảm giác, nhiều tác dụng phụ,... hay dùng thuốc không hề có liều lượng rõ ràng.

Bản thân Hiệp sử dụng hormone nhưng không phẫu thuật chuyển đổi giới tính. Đó là lựa chọn cá nhân của cô, không bị tác động bởi văn hóa Việt Nam nói chung hay định kiến về người chuyển giới nói riêng.

Về phần Thủy Tiên, cô cho rằng hiện tại bản thân chưa có nhu cầu tiếp tục can thiệp y tế, nhưng trong tương lai có thể thay đổi.

Lời khuyên từ người xung quanh chỉ là kênh tham khảo để Tiên cảm thấy cần chín chắn và suy nghĩ kỹ hơn trước khi đưa ra quyết định. Bởi lẽ, đó là quyết định lớn thay đổi cả cuộc đời.

“Mình phẫu thuật để tự soi gương thấy đẹp và hạnh phúc khi đi ra ngoài đường, làm công việc thấy có ý nghĩa hơn. Sau mỗi lần bước xuống từ bàn mổ, mình luôn thấy không có sự đau đớn nào bằng sự đau đớn không được sống đúng với điều mà mình mong muốn”, cô nói.

 Nỗ lực bình thường hóa cái nhìn về người chuyển giới còn gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Drew Angerer.

Nỗ lực bình thường hóa cái nhìn về người chuyển giới còn gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Drew Angerer.

Theo Ngọc Hiệp, hiện nay, nhiều người chuyển giới vẫn đang bị phân biệt đối xử hàng ngày. Họ không muốn nhận được sự cảm thương đến từ câu chuyện đau khổ, bi đát mà mong được nhìn nhận như người bình thường, vẫn đi học, đi làm, mệt mỏi vì chạy deadline, bị bố mẹ mắng vì không gọi điện.

“Đừng để việc một cá nhân là người chuyển giới ảnh hưởng đến cách xã hội đối xử với họ”.

Thủy Tiên cho rằng để thay đổi định kiến, kỳ thị về người chuyển giới, xã hội nên quan tâm và chú trọng hơn về vấn đề giáo dục, ví như giáo dục về giới tính cho trẻ em hay đưa vào chương trình học từ sớm. Đó là cách hiệu quả để bình thường hóa suy nghĩ về người chuyển giới, dù sự thật là giáo dục là phạm trù xã hội khó tạo ra sự thay đổi trong thời gian ngắn.

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp nói thêm rằng giáo dục về người chuyển giới cho cộng đồng không chỉ trong nhà trường, mà còn cả xã hội rộng lớn.

“Quyền lựa chọn thuộc về người làm chủ cơ thể. Nếu như không làm gì giúp ích được cho họ, xin đừng trở thành một trong những nhân tố quá mạnh mẽ của diễn ngôn truyền thống để tác động lên mong muốn làm họ xao động, nhiễu các sóng đang tồn tại xung quanh họ”.

Thiên Nhi

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cai-kho-cua-nguoi-chuyen-gioi-o-viet-nam-post1368320.html