Cái tổ con tò vò
Bạn tôi trở nên trầm lặng, ít nói, buồn bã, mỗi lần họp lớp, bạn ngồi như hóa đá một góc phòng, không muốn trò chuyện với ai.
Một người cùng quê báo tin bạn tôi bị ốm, tôi liền bắt tắc xi chạy thẳng vào bệnh viện. Nằm trên giường bệnh, bạn mở mắt nhìn tôi, lắc đầu, rồi lại nhắm mắt rên "Ối trời ơi, ai mà biết cái tổ con tò vò nó ở đâu, sao cái số tôi khổ thế này ...".
Bạn tôi phải nằm viện hai tuần, sau khi ra viện sức khỏe bạn tôi giảm sút, gầy rộc đi.
Chúng tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo, nhưng hiếu học. Tuy bằng tuổi nhau nhưng bạn đối xử với tôi như một người chị. Càng lớn, bạn càng phổng phao xinh đẹp. Học hết phổ thông, bạn thi vào trường Đại học Sư phạm rồi trở thành cô giáo dạy văn ở trường chuyên của tỉnh, còn tôi tốt nghiệp Đại học Tổng hợp khoa ngữ văn. Chúng tôi đều yêu thích văn chương. Rồi bạn tôi lấy chồng, theo chồng ra định cư ở Hà Nội. Học xong đại học, tôi vào bộ đội, năm 1975 sau khi nước nhà thống nhất, tôi được chuyển ra làm ở một tờ báo trung ương.
Khi tôi cưới vợ thì bạn tôi đã có một cô con gái sáu tuổi. Sau đó cứ ba năm một bạn tôi sinh hai cô công chúa nữa. Mỗi lần gặp nhau, tôi bảo sao không sinh thêm một nàng công chúa nữa, để, như các cụ ngày xưa nói "Tam nam bất phú, tứ nữ bất bần". Buổi đầu bạn cười cười không nói gì, nhưng về sau tôi thấy bạn thật sự khó chịu. Tôi biết ý, nên chỉ nói chuyện văn chương.
Ba cô con gái của bạn tôi đều khỏe mạnh, xinh xắn, lại học hành chăm chỉ, giỏi giang. Tôi mừng cho bạn. Nhưng, sao bạn tôi không vui. Thời buổi bây giờ ít ai còn phân biệt con gái, con trai làm gì. Hình như vấn đề là ở nhà chồng. Nghe nói chồng bạn tôi là con một, lại sinh ra trong một gia đình còn nhiều nền nếp cổ. Rồi tôi hay tin chồng bạn tôi muốn có con ngoài luồng. Tất nhiên là con trai. Con trai để nối dõi tông đường !
Bạn tôi trở nên trầm lặng, ít nói, buồn bã, mỗi lần họp lớp, bạn ngồi như hóa đá một góc phòng, không muốn trò chuyện với ai.
Tôi thường động viên bạn rằng, chớ nghe người đời đồn nhảm, chồng bạn tôi làm khoa học, không mơ mộng, lãng mạn như dân học văn chúng tôi đâu. Lại học ở nước ngoài nhiều năm, một người tân tiến như vậy, đâu có chuyện nệ cổ mà phân biệt con trai con gái. Với lại, làm Viện trưởng một viện nghiên cứu bận tối mặt, còn thì giờ đâu mà nghĩ đến những chuyện ngoài luồng... Mỗi lần như vậy, bạn tôi lại nói "Ai mà biết được cái tổ con tò vò nó ở đâu" ...
Bạn tôi ốm vì không biết cái "tổ con tò vò nó ở đâu", còn tôi cũng phát ốm vì những cái tổ tò vò luôn hiện hữu trước mắt mình.
Thưở bé, mỗi lần đưa võng ru cháu ngủ, bà tôi thường hát ru. Nhiều câu hát ru của bà ngấm vào tôi tự lúc nào, tôi lớn lên với những câu hát ru thấm đẫm tình người.
Tò vò mà nuôi con nhện
Đến khi nó lớn, nó quyện nhau đi
Tò vò ngồi khóc tỷ ti
Nhện ơi, nhện hỡi, nhện đi đằng nào
Rất nhiều năm sau, không hiểu sao, tôi thấy thương con tò vò quá mà không hiểu ý nghĩa sâu xa từ bài hát ru này ...
Khi tôi lấy vợ, sinh con trai đầu lòng, tôi cũng hát ru, ru con trên chiếc võng bạt tôi mang về từ chiến trường.
Một lần nghe tôi hát ru những câu hát trên, vợ tôi đang phơi quần áo cho con sau cái lồng sắt của ban công khu nhà tập thể bốn tầng liền bảo "Anh bế con ra đây mà xem này, có phải tò vò nuôi con nhện đâu mà thương nó...". Tôi liền bế thằng bé còn ngủ say ra ban công. Nhìn cái tổ tò vò làm bằng đất bị vợ tôi đập nát, tôi nhận ra một sự thật, con tò vò bắt con nhện rồi dùng nọc độc của mình tiêm vào con nhện làm nó bị tê liệt toàn thân, sau đó để vào cái tổ xây sẵn, đẻ trứng vào đó, khi tò vò con nở ra, con nhện sẽ là thức ăn cho tò vò con... Cái sự thực này hình như ai cũng biết sao tôi không biết nhỉ! Từ đó tôi thấy ghét con tò vò và mới hiểu ý nghĩa sâu xa từ câu hát ru...
Khi gia đình tôi mua được một mảnh đất ở ngoại thành Hà Nội, làm ngôi nhà nghỉ cuối tuần, thứ bảy, chủ nhật cả nhà thường lên đây nghỉ ngơi và chăm sóc vườn cây, tôi lại phải đối mặt với những con tò vò thường vào làm tổ trong nhà.
Ban đầu, chúng làm tổ ngoài cửa sổ, nên tôi ít để ý tới. Khi mùa mưa đến, chúng tha đất, vào làm tổ phía trong cửa sổ. Chúng bay vào bay ra suốt ngày có khi còn nhào xuống cái bàn viết của tôi. Mỗi lần kéo rèm cửa sổ, lại thấy những cái tổ tò vò to bự, dính chặt vào tấm vải làm rèm che. Bực quá, tôi phải đi gỡ những cái tổ tò vò, ném xuống sân cho nó vỡ tan. Gỡ xong mấy cái tổ tò vò hôm trước, hôm sau lại thấy xuất hiện những cái tổ mới nhơm nhớp đất. Mấy cái vợt muỗi bây giờ dùng làm vợt bắt tò vò.
Trừ mùa đông giá lạnh, tôi ít thấy tò vò làm tổ, còn lại là những ngày tôi phải đối mặt với lũ tò vò quái đản, chúng làm tổ ở khắp mọi nơi. Từ ngoài cửa sổ, trong cửa sổ, rèm cửa, bàn ghế, chạn bếp... Gỡ được tổ tò vò chỗ này, chúng lại tha đất về làm chỗ khác. Có hôm, đang ngủ trưa, tôi giật mình vì tiếng tò vò kêu ở ngay dưới gối. Tôi bật dậy, lật gối, một cái tổ tò vò mới làm còn nhơm nhớp đất ngay dưới gối của mình. Tôi phải thay vỏ gối khác, mang đi giặt. Rồi vải trải giường nằm của tôi tự nhiên rơi ở đâu ra nhiều bụi đất. Thì ra, một cái tổ tò vò nát vụn trong vỏ chăn.
Đến nước này, tôi thật không chịu nổi. Hễ nghe thấy tiếng tò vò bay vào phòng, tôi liền vớ lấy cái vợt muỗi đuổi bắt. Nhưng, lũ tò vò tinh ranh bay vút lên trần nhà, làm tôi tức điên người. Mà có giết được vài con tò vò, những con khác từ đâu không biết lại bay vào nhà, vào phòng ngủ, có hôm còn nhào xuống như muốn tấn công tôi. Thấy tôi luôn bực dọc vì những con tò vò, vợ tôi bảo "Nó làm tổ, đẻ con, để duy trì nói giống, anh làm sao cản được, kệ nó đi"! Cũng phải, kệ nó, để cho nó yên, để cho nó yên, mình cũng yên chăng?!
Nhưng, đến khi tôi phát hiện ra cái tổ tò vò ngay trong cổ áo sơ mi của mình vừa mới giặt treo ở góc nhà thì tôi không còn kiên nhẫn được nữa. Tôi ném cái áo xuống đất, giẫm nát cái tổ tò vò, rồi mang vứt vào sọt rác.
Tôi thuê hai người phun thuốc diệt côn trung từ nội thành lên, phun từ trong phòng ngủ, ra ngoài hành lang, đến mọi ngóc ngách của căn nhà quyết diệt bằng được những con tò vò quỷ quái ...
Yên được mấy ngày, lại thấy lũ tò vò xuất hiện. Thôi, hết cách. Tôi thực sự ngao ngán.
Rồi có người nói với tôi tò vò sợ khói, giống như ong rừng. Ừ phải, tôi buộc một cái bùi nhùi, tẩm dầu và đốt. Không ngờ, một lũ ong đất không biết làm tổ từ đâu bay túa ra nhào vào tôi, sợ quá, tôi vứt cái bùi nhùi, chạy vội vào nhà đóng chặt cửa. Hú vía!
Có nhiều đêm tôi trằn trọc nghĩ về mảnh đất này. Đây là nơi sinh trưởng, là nơi chôn rau cắt rốn của tổ tiên loài tò vò quỷ quyệt, xảo trá, lì lợm chăng? Hay số tôi không hợp với mảnh đất này. Tôi vốn ghét chuyện bói toán nên quyết không đi xem bói. Hay tôi đi tìm mảnh đất khác làm nhà để ở! Sao được. Bây giờ đất đai ngoại thành lên giá, người khôn, của khó. Tôi đâu đủ tiền. Với lại ở mọi nơi trên đất nước này đâu chẳng có tò vò ...
Lũ tò vò làm tôi ăn, ngủ không yên, người gầy rạc đi. Thấy thế, vợ tôi lắc đầu bảo: "Anh cứ nhắm mắt làm ngơ, không nghĩ đến nó nữa là nó không... tồn tại. Nó làm tổ ở đâu, kệ, có bẩn một tý cũng chẳng sao, buổi sáng anh ngồi thiền cho quên đi mọi sự phiền phức trên đời, thời buổi bây giờ đủ thứ mệt mỏi rồi... mà sách vở của anh đâu, cứ trốn vào trong sách là tốt nhất, lũ tò vò chắc cũng không làm tổ được ở đó đâu nhé".
Tôi cáu tiết ném ngay cuốn sách có cái tổ tò vò to bự ở ngoài bìa trước mặt vợ. Vợ tôi nhặt lên, gỡ cái tổ tò vò đi, lau lau vào vạt áo và bảo: "Cuốn này em chưa đọc, nhưng nghe nói hay lắm đấy". Đó là cuốn ''Siêu hình tình yêu, siêu hình sự chết" của một nhà triết học người Đức. Sách này xuất bản trước năm 1975, tôi nhặt được trong một nhà dân đã bỏ đi nước ngoài lúc tôi vào tiếp quản Sài Gòn.
Cuốn sách làm tôi vỡ ra nhiều điều. Tuy chưa hiểu hết những nguyên lý sâu xa trong đó, nhưng có một điều làm tôi thấy rất thú vị ấy là khi nhà triết học giải thích hiện tượng ngoại tình. Ông cho rằng, sở dĩ đàn ông ngoại tình nhiều hơn đàn bà và dễ được thông cảm và tha thứ là vì đàn ông phải làm cái việc duy trì nòi giống... Nhà triết học lấy ví dụ nếu một người phụ nữ có một trăm người chồng (hay sinh hoạt tình dục với một trăm người đàn ông) thì cũng sinh được nhiều nhất là vài chục đứa con. Nhưng, nếu một người đàn ông có một ngàn người vợ (như nhiều bậc vua chúa ngày xưa), hay sinh hoạt tình dục với chừng ấy người phụ nữ thì họ sẽ có hàng ngàn người con, thậm chí còn hơn thế ...
Trong bữa cơm trưa ngày chủ nhật, tôi thuật lại điều này cho vợ nghe, vợ tôi thản nhiên cười. Khi tôi đưa cuốn sách và chỉ những trang in cho vợ xem, vợ tôi đỏ mặt nói: "Đúng là đồ tư bản thối nát...". Rồi vợ tôi giành lấy cuốn sách, đọc ngấu nghiến suốt đêm...
Tôi bảo vợ: "Đọc xong thì cho vào cái két sắt khóa chặt, đừng để tò vò vào làm tổ nhé" .
Ở đời, chuyện gì đến rồi cũng đến. Bạn tôi mua vé máy bay vào Nha Trang thăm cô con gái đầu vừa lấy chồng, theo chồng vào định cư ở đây. Khi đến sân bay Nội Bài, đột nhiên trời đất nổi cơn giông bão, mưa như trút nước, sấm chớp ầm ầm, gió rít lên từng hồi như muốn thổi bay tất cả. Đang ở sảnh chờ thì nghe thông báo hoãn chuyến bay vào sáng mai, máy bay không thể cất cánh.
Bạn tôi bắt tắc xi quay về, giữa những cơn gió rít như điên và mưa như trút nước. Bước vào nhà, mở cửa phòng ngủ định lấy quần áo để thay, bạn tôi liền đứng sững lại khi nhìn thấy ngay trên giường nằm của mình một cảnh tượng không thể tin nổi, chồng bạn tôi với một người đàn bà đang trần truồng quấn lấy nhau. Bạn tôi hét to một tiếng rồi ngã xuống ngất đi ...
Khi tôi đến bệnh viện, bạn tôi đã tắt thở. Nhiều người vây quanh nhưng tôi không nhìn thấy chồng bạn tôi đâu, chỉ có cô con gái út đang vật vã khóc... Bàn tay trái của bạn đã buông xuôi, riêng bàn tay phải vẫn còn nắm chặt, gỡ mãi không ra, bác sỹ phải tiêm thuốc giãn cơ. Khi mọi người gỡ được bàn tay ra, thật kinh hãi, một cái tổ tò vò đã bị bóp nát trong lòng bàn tay đã lạnh giá của bạn tôi và một con tò vò từ đó bay vụt lên ...
Nhà vườn Sóc Sơn 2019
Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/truyen/cai-to-con-to-vo-589973/