Cảm xúc tích cực
Sau biết bao thông tin thời sự nặng nề buồn bã, thì chùm ảnh ngày khai giảng của cô và trò vùng núi non Tăk Pỏ - Nam Trà My (Quảng Nam) chợt như làn hơi ấm áp giữa mưa lụt bời bời.
Cô giáo và những đứa trẻ cùng cái lớp học trống hoác trên rẻo cao, áo manh chân đất trong ngày đầu năm học mới, đơn sơ đến nhói lòng.
Tôi chợt nhận ra một nghịch lý, rằng bây giờ cảnh nghèo khó lại thường tạo ra cảm xúc tích cực, thậm chí đem lại niềm tin hơn nhiều thứ trang trọng khác. Một trạng thái tâm lý khá oái oăm!
Như những năm lại đây, cảm xúc yêu thương của số đông dường như dồn hết vào hình ảnh khai giảng bên bờ suối, khai giảng đu dây, khai giảng chui vào túi nilon băng qua suối lũ đến trường... Vào mỗi câu chuyện tình đời bao bọc nhau giữa đói nghèo lam lũ được chia sẻ trên mạng.
Nhưng chúng ta lại luôn hoài nghi với những học sinh mà học bạ suốt 4-5 năm học toàn điểm 10. Thờ ơ ít quan tâm luận bàn về những chiếc huy chương quốc tế mà học sinh chúng ta năm nào cũng đều đặn mang về. Thiếu “thiện cảm” với các loại trường mang danh quốc tế. Hoài nghi không ít cán bộ trẻ có tốc độ thăng tiến nhanh chóng, để luôn đào xới xem đó là “con của đồng chí nào”?...
Con người ta tin vào điều gì? Tất nhiên là tin vào sự thật - trong sáng và tốt lành. Điều đáng tin, điều trong sáng, tốt lành không lẽ giờ đây chỉ tìm thấy trong cảnh khó nghèo? Mà không phải từ những giai tầng khác cao hơn, so với quan niệm thông thường của con người ở những xã hội văn minh? Khi giờ đa phần người ta mặc định kẻ sang, người giàu đều “có vấn đề". Bằng cấp, học vấn, thành tích đều là do “mua bán”? Phía sau quan chức là phải tham nhũng, là những phi vụ triệu đô?!...
Nhưng sẽ thế nào, nếu chúng ta không đặt niềm tin vào trí thức bằng cấp, vào giới “tinh hoa”, vào những doanh nhân, doanh nghiệp thành đạt? Những thứ nhiều khi phải trải qua bao cam go, lao tâm khổ tứ, cộng với tài năng thực sự họ mới đạt đến được.
Sẽ thế nào khi nền tảng tâm lý xã hội biểu hiện qua số đông ngày càng bị dẫn dắt, chi phối bởi những hiện tượng vốn dựa trên những suy đoán mù mờ, quy kết võ đoán, thất thiệt? Lỗi do ứng xử đạo đức/văn hóa xuống cấp, hay được quyết định bởi quy luật kinh tế, trong hình thái chưa phù hợp, tạo ra lỗi hệ thống?
Chúng ta xây dựng niềm tin trên nền tảng cơ chế dễ bị băng hoại bởi kim tiền. Chúng ta chưa tạo ra bộ ứng xử cần thiết, cần kíp, trung thực và hữu hiệu trước những hiện tượng được cả xã hội quan tâm và mong chờ lời giải đáp.
Sự hoài nghi tiêu tốn của chúng ta biết bao năng lượng tốt đẹp, đáng lẽ sẽ trở thành nguồn động lực thúc đẩy phát triển quốc gia. Tiêu cực xã hội nếu không có cách điều chỉnh, quản trị hữu hiệu, tất yếu sẽ ngày càng tạo ra nhiều cảm xúc tiêu cực, thiên lệch cả về đạo đức, thẩm mỹ lẫn trí tuệ. Dù bản thân mỗi người đủ nhận thức để không mong muốn điều ấy.
Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/toi-nghi/cam-xuc-tich-cuc-1461551.tpo