Camera học đường - khi niềm tin cần soi chiếu

Mới đây, câu chuyện về một phụ huynh ở Thành phố Hồ Chí Minh đặt camera và ghi lại cảnh con mình bị giáo viên trong lớp bạo hành đã gây xôn xao dư luận.

Chuyện những ông bố, bà mẹ bí mật thực hiện giám sát con mình khi đến trường có lẽ đã không còn quá mới. Bởi nhiều người từng sử dụng cách này hay cách khác để theo dõi con khi ra khỏi nhà. Thậm chí, việc trang bị cho con mình những chiếc đồng hồ hay vòng đeo thông minh có thể ghi âm, ghi hình, theo dõi từ xa đang trở thành một trào lưu được nhiều phụ huynh lựa chọn.

Sẽ có những quan điểm khác nhau về việc lắp camera hay phụ huynh tự ý ghi lại, tán phát hình ảnh trong lớp học. Về phía đội ngũ nhà giáo, khi được hỏi, đa số đều bày tỏ không đồng tình. Nhiều giáo viên cho rằng, mình cảm thấy phiền toái, mất tự tin khi thực hiện một hoạt động giáo dục trước những ống kính camera “giấu kín”. Có quá nửa (52%) giáo viên được xin ý kiến phản đối việc lắp camera trong lớp vì cho rằng điều đó xâm phạm đến quyền riêng tư của giáo viên, học sinh và hoạt động giáo dục. Nhưng gần như trái ngược, có đến 90% phụ huynh ủng hộ việc giám sát hoạt động học tập tại nhà trường của con em mình qua thiết bị ghi hình.

Vấn đề không phải chỉ là câu chuyện mang tính kỹ thuật. Những chiếc camera ấy do ai quản lý, dữ liệu được ghi nhận thẩm quyền cung cấp thuộc về ai, ai được trích xuất, xem hình ảnh và liệu những gì được ghi lại có bị lợi dụng cho những mục đích xấu hay không? Ở đây là chuyện về niềm tin của xã hội dành cho cho giáo dục cũng như niềm tin của chính các nhà quản lý giáo dục dành cho đồng nghiệp của mình. Thực tế cho thấy, có rất ít thầy, cô sẵn sàng cho việc thực hiện công việc thường nhật của mình trước sự giám sát đến từng giây, từng phút của cơ quan quản lý hay của mỗi phụ huynh có con em trong lớp học. Sự giám sát nghiêm ngặt có thể sẽ “giết chết” sự tự tin, sự sáng tạo của mỗi thầy, cô giáo. Và khi đặt trước ống kính camera, ẩn sâu trong ý thức của mỗi người đứng trên bục giảng sẽ xuất hiện tâm lý mình và các học trò đang là "diễn viên" bất đắc dĩ trên "sân khấu" là... lớp học.

Thế nhưng, nghĩ một cách điềm tĩnh lại, sau những ồn ào đã xảy ra đối với môi trường học đường như cô giáo bạo hành học sinh, thậm chí có em đã mãi mãi nằm lại với tuổi thơ của mình vì sự tắc trách của thầy, cô giáo ngay khi đến trường thì mỗi phụ huynh đều có quyền đòi hỏi phía nhà trường một niềm tin chắc chắn về sự an toàn của con em họ khi đến lớp. Và hơn hết, khi nhà giáo tận tâm, làm hết trách nhiệm của mình, sẽ không phải e ngại trước sự công khai giám sát của xã hội đối với hoạt động giáo dục. Tất nhiên, đổi lại những đòi hỏi về giám sát của phụ huynh cũng không thể trái với đạo lý “tôn sư trọng đạo” lâu đời của người Việt ta.

Cuối cùng, nói gì thì nói, có hay không có, tồn tại hay không tồn tại những chiếc camera chưa phải là vấn đề quá lớn. Việc lắp đặt và sử dụng nó một cách phù hợp là cần thiết. Nhưng, điều quan trọng hơn cả đó là niềm tin mà xã hội dành cho giáo dục, cho nhà giáo thực sự lớn, mọi gia đình yên tâm gửi gắm con em mình cho những “người mẹ hiền” thì lúc đó sẽ chẳng còn ai quan tâm đến việc có hay không chiếc camera trong lớp học nữa.

TUỆ ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/camera-hoc-duong-khi-niem-tin-can-soi-chieu-593424