Cần bảo đảm quyền lợi của người dân tại dự án làm đường Phong Dụ Hạ (Yên Bái)

Thời gian qua, nhiều hộ đồng bào dân tộc Dao, Tày ở thôn Khe Hao, xã Phong Dụ Hạ, huyện Văn Yên (Yên Bái) kiến nghị các cấp chính quyền giải quyết tài sản trên đất khi một dự án giao thông đi vào đất lâm nghiệp, mồ mả, nhà ở của đồng bào, làm thiệt hại tài sản, cây cối, hoa màu. Tuy nhiên, công tác đền bù cho người dân chưa được thực hiện đầy đủ thì đơn vị thi công đã triển khai dự án gây thiệt hại cho người dân.

Máy xúc thi công, mở tuyến đường qua đồi quế tại thôn Khe Hao.

Máy xúc thi công, mở tuyến đường qua đồi quế tại thôn Khe Hao.

Chiếc xe máy dồn số một, phụt khói khét lẹt vượt dốc đưa chúng tôi về Khe Hao, một bản xa lắc thuộc xã Phong Dụ Hạ giáp với xã Nậm Tha thuộc huyện Văn Bàn (Lào Cai). Trưởng thôn Hà Văn Xứng cho biết: thôn Khe Hao có 203 hộ dân thì người dân tộc Tày chiếm hơn một nửa, còn lại là người Dao. Ðời sống đồng bào chủ yếu dựa vào cây quế, cây lâm nghiệp, vì diện tích trồng lúa nước ít. Bữa trước, cán bộ xã đưa ba đoàn vào kiểm đếm cây lâm nghiệp khi thực hiện dự án mở đường từ Phong Dụ Hạ đi xã Nậm Tha, huyện Văn Bàn, dân phấn khởi vì khi có đường mới thì việc mua bán ở tỉnh Lào Cai dễ hơn bởi từ đây mà về trung tâm huyện Văn Yên (Yên Bái) gần 50 km, vất vả lắm. Ðược vận động, một số hộ đã tự nguyện cho máy xúc vào làm đường, nhưng khi thấy số hoa màu và cây quế thiệt hại do ủi và san lấp quá lớn, nên xảy ra khiếu nại vì không được hỗ trợ đền bù.

Chị Ðặng Thị Dẫn, dân tộc Dao chỉ lên đồi quế đã 10 tuổi thẫn thờ: Quế nhà mình được 10 tuổi phải chặt bỏ để cho máy ủi vào làm đường, hôm trước có lên nương bóc nhưng quế không đúng vụ, nên không bóc vỏ được, kệ cho mất thôi, tiếc lắm bởi cả nhà năm nay trông vào cây quế đấy. Qua tìm hiểu, cây quế chỉ bóc được vào tháng ba và tháng bảy, lúc ấy quế nhiều tinh dầu, nhiều nước nên dễ bóc, còn các tháng khác quế xuống nước không khai thác được. Theo thống kê ban đầu, các hộ gồm: Triệu Tòn Xếch mất 6.500 cây quế, Phùng Tòn On mất 5.210 cây quế, Triệu Văn Ðức mất 3.650 cây quế… khi mở đường đi qua. Nhưng, các hộ này chưa nhận được bất cứ một đồng nào của chủ dự án đường giao thông nêu trên. Thống kê ban đầu của UBND xã Phong Dụ Hạ cho thấy, đã có 43 hộ dân bị ảnh hưởng với 31.767 cây quế phải chặt bỏ, bảy ngôi mộ phải di dời, bước đầu chủ dự án mới vận động di chuyển bảy ngôi mộ, với mức hỗ trợ là hai triệu đồng/mộ. Trong khi, giá đền bù theo Quyết định 26/2017/QÐ-UBND ngày 21-12-2017 của Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái về việc bồi thường thiệt hại nhà, công trình xây dựng khác gắn liền với đất phục vụ công tác bồi thường thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Yên Bái, thì giá di chuyển từ 5,824 triệu đồng đến 13,056 triệu đồng một mộ chí; các trường hợp đặc biệt khác thì hội đồng bồi thường lập phương án trình thẩm định phê duyệt theo quy định.

Ông Dương Văn Mạnh, đội trưởng thi công thuộc Công ty CPXD Nam Phong, đang chỉ huy máy gạt đất đồi tại Khe Hao cho hay: Ðây là hợp đồng thi công trong 360 ngày, khởi công từ tháng 9-2019, hiện chúng tôi chỉ thi công các đoạn không vướng mắc, còn trách nhiệm của chủ đầu tư là phải bàn giao mặt bằng sạch cho thi công. Tuy nhiên, hiện nay có một số hộ kiến nghị lên UBND huyện cho dừng thi công đến khi dân được nhận đền bù thỏa đáng.

Qua tìm hiểu, dự án công trình đường Phong Dụ Hạ, huyện Văn Yên (Yên Bái) đi Nậm Tha, huyện Văn Bàn (Lào Cai) do UBND huyện Văn Yên làm chủ đầu tư, chiều dài tuyến là 6.274 m, bề rộng mặt đường 5 m, rãnh rộng 1 m, sâu 0,4 m, đường đất (không có bê-tông hoặc thảm nhựa); tổng mức đầu tư sau khi điều chỉnh là 14 tỷ 850 triệu đồng; thời gian thực hiện là một năm (2019 - 2020). Cũng tại Quyết định 477/QÐ-UBND ngày 18-6-2019 do Chủ tịch UBND huyện Văn Yên Vũ Quang Hải ký, thì không có phần chi phí giải phóng mặt bằng. Như vậy, dự án này đã sai ngay từ khi ký quyết định, gây thiệt hại lớn cho người dân vùng đặc biệt khó khăn, bởi tạm tính bình quân một cây quế giá 10 nghìn đồng thì số tiền phải chi trả là hơn 300 triệu đồng, chưa kể tiền di dời bảy mộ chí cùng một số công trình xây dựng và hoa màu trên đất khác.

Theo đồng chí Vũ Quang Hải: Huyện đã sai, các cấp dưới sai, vì báo cáo, tham mưu chậm và khiếu nại của dân là có cơ sở. Theo đó, UBND huyện giao cho UBND xã Phong Dụ Hạ chủ trì, phối hợp Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện khẩn trương kiểm tra, xác minh, xem xét giải quyết vụ việc theo thẩm quyền; đề xuất hướng xử lý theo quy định với Chủ tịch UBND huyện trước ngày 21-11.

Ông Ðỗ Văn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn đầu tư xây dựng giao thông Yên Bái cho biết: Ðây là dự án góp phần kết nối hoàn thiện mạng lưới giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo bền vững vùng đặc biệt khó khăn, ban đầu thiết kế nền đất, sau này có vốn sẽ cứng hóa bê-tông. Công trình thoát nước qua khe suối chỉ xếp đá tạm (chưa thiết kế cầu), nếu có mưa lớn thì không biết có bị lũ cuốn trôi không. Như vậy, từ nguồn vốn cân đối ngân sách cấp huyện, việc kết nối giao thông vùng khó khăn là chủ trương đúng, nhưng khâu triển khai không minh bạch, công tác tuyên truyền vận động dân hiến đất, hiến hoa màu chưa hiệu quả, nhà thầu chưa có mặt bằng sạch đã dùng máy xúc triển khai mở đường là không đúng Luật Xây dựng. Ðề nghị tỉnh Yên Bái sớm kiểm tra, làm rõ những sai phạm trong dự án này.

"Ðể công trình, dự án sớm được triển khai thực hiện, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của nhân dân trong và ngoài khu vực, trên cơ sở sự thống nhất của các hộ dân và đề nghị của UBND xã đề xuất hỗ trợ bình quân 5.000 đồng/1 cây quế (31.767 cây x 5.000 đồng = 158.835.000 đồng), hỗ trợ 2,0 triệu đồng/ngôi mộ (7 ngôi mộ x 2,0 triệu đồng = 14,0 triệu đồng). Tổng tiền hỗ trợ 172.835.000 đồng".

HOÀNG VIỄN

Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái

Bài và ảnh: THANH SƠN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/bandoc/dieu-tra-qua-thu-ban-doc/item/42500002-can-bao-dam-quyen-loi-cua-nguoi-dan-tai-du-an-lam-duong-phong-du-ha-yen-bai.html