Cần bảo vệ di sản văn hóa áo dài Việt Nam
Áo dài của người Việt là trang phục độc đáo, có bề dày lịch sử và mang nhiều giá trị lịch sử. Tuy nhiên, thời gian gần đây đã có nhiều chuyện không hay liên quan đến trang phục này. Chính vì thế, nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc chúng ta hãy vinh danh hoặc trao cho áo dài một 'danh phận' để bảo vệ và phát huy một nét văn hóa Việt độc đáo.
Đối với người Việt Nam, áo dài từ lâu đã trở thành trang phục mang nhiều dấu ấn lịch sử và văn hóa. Không thể xác định niên đại chính xác của áo dài, hình ảnh chiếc áo dài Việt Nam với hai tà áo thướt tha trong gió đã được tìm thấy qua các hình khắc trên mặt trống đồng và hiện vật Đông Sơn cách đây hàng nghìn năm. Bên cạnh đó, trên những tranh khắc của trống đồng Ngọc Lũ cách đây nhiều thế kỷ đã thấy thấp thoáng bóng dáng của tà áo dài với hình tranh khắc phụ nữ mặc trang phục với hai tà áo xẻ. Chiếc áo dài Việt sau đó đã được công nhận là quốc phục dưới thời chúa Nguyễn Phúc Khoát (1739-1765). Ông lấy mẫu áo dài của người Chăm kết hợp xẻ tà và mặc cùng với quần. Cách phục trang này đã được quy định trong hiển dụ của ông. Tới thời vua Gia Long (1802-1819), chiếc áo dài tứ thân được biến cải thành áo ngũ thân, rất phổ thông trong giới quyền quý và dân thành thị nhằm thể hiện sự giàu sang cũng như địa vị xã hội của mình.
Đầu thế kỷ XX, áo dài Lemur của họa sĩ Cát Tường, đã thực hiện một cuộc cải cách quan trọng trên chiếc áo tứ thân để biến nó chỉ còn lại hai vạt trước và sau. Tới năm 1934, họa sĩ Lê Phổ đã bỏ bớt những nét tân kỳ và thêm vào đó những nét lấy từ áo tứ thân, ngũ thân truyền thống tạo ra một kiểu áo vạt dài cổ kính, ôm sát thân người, nối vai và tay không phồng lên, cổ kín, cài nút bên phải. Tà áo dài thời kỳ này đã thực sự tôn lên vóc dáng và vẻ yêu kiều thướt tha của người phụ nữ Việt: gợi cảm nhưng kín đáo, nhẹ nhàng nhưng có sức lôi cuốn mạnh mẽ. Từ đó đến nay, tà áo dài Việt Nam với muôn màu, muôn vẻ đã ra mắt bạn bè năm châu trong các cuộc thi sắc đẹp, các sự kiện chính trị, văn hóa nghệ thuật, và đã trở thành quốc phục với bao niềm kiêu hãnh, tự hào, quảng bá hình ảnh Việt Nam ra toàn thế giới.
Theo TS. Lê Hồng Phước (Trường đại học Khoa học - Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh), theo dòng lịch sử, áo dài Việt Nam đã thành bản sắc văn hóa Việt Nam. Chiếc áo dài là đặc trưng dễ nhận thấy nhất để phân biệt đâu là phụ nữ Việt Nam - giống như giấy chứng nhận quốc tịch mà cả thế giới dễ dàng nhận ra, dù ai có muốn tranh giành cũng không được.
Trở lại với việc áo dài gần đây bị nước ngoài nhận vơ là trang phục do họ tạo ra, điều này cho thấy áo dài Việt đang đứng trước nguy cơ và đang bị đe dọa sẽ bị người khác “ăn cắp” nếu chúng ta không có hành động bảo vệ, khẳng định áo dài là di sản của Việt Nam. Tuy nhiên, đây không phải việc đơn giản bởi ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VH-TT&DL), cho biết, năm 1990, đề án Quốc phục muốn tìm ra bộ trang phục mặc phổ biến trong công chức, nhà nước; năm 2013, 2014, đề án Quốc phục chuyển thành đề án Lễ phục nhà nước, nghĩa là xây dựng bộ trang phục sử dụng trong các nghi lễ nhà nước và ngoại giao. Tuy nhiên, chỉ có ý kiến lấy áo dài nữ làm lễ phục cho nữ là tập trung.
“Cái khó nhất là hiện tại theo quy định thẩm quyền ký công nhận các biểu tượng văn hóa như quốc hoa, quốc phục, lễ phục thì ai là người có thẩm quyền ký” - ông Vi Kiến Thành nói lý do vướng mắc vì sao đến nay áo dài vẫn chưa có “danh phận”.
Dù vậy, nhiều chuyên gia vẫn cho rằng, Việt Nam cần có động thái khẳng định áo dài là của Việt Nam. NSND Trần Minh Ngọc dẫn chứng, nếu hanbook là trang phục truyền thống của dân tộc Triều Tiên, kimono là quốc phục của Nhật Bản thì Việt Nam công nhận áo dài là quốc phục là lẽ đương nhiên, bởi nó mang hơi thở văn hóa, đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam.
Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đình Sơn cũng cho rằng, nhà nước cần có quy định để chọn áo dài là mẫu quốc phục Việt. Đồng thời, cần hệ thống lại những bằng chứng từ xa xưa để thế giới thấy được đây là một trang phục có truyền thống lâu đời với sức sống mãnh liệt đối với người dân Việt. Trong khi đó, nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ, các cơ quan chức năng cần tính đến việc tổng hợp hồ sơ trình các tổ chức quốc tế xem xét, công nhận trang phục áo dài của Việt Nam là di sản văn hóa.
Liên quan đến câu chuyện này, Đại sứ Palestine tại Việt Nam, ngài Saadi Salama cũng chia sẻ quan điểm, từ lâu, nhiều người nước ngoài khi nghĩ đến Việt Nam là nghĩ tới biểu tượng áo dài và nón lá. “Cho nên người Việt Nam rất cần bảo vệ di sản văn hóa áo dài và nón lá của mình” - ngài Saadi Salama nêu ý kiến.
Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/can-bao-ve-di-san-van-hoa-ao-dai-viet-nam-95511.html