Cần bổ sung quy định cụ thể nguyên tắc công khai, minh bạch Quỹ Bảo hiểm xã hội

Sáng 23/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp.

Phát biểu đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật, Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Kiều (đoàn Đắk Nông) cho biết, cơ bản thống nhất với nhiều nội dung của dự thảo Luật; đồng thời, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, bổ sung các quy định nhằm đảm bảo an sinh xã hội; có quy định cụ thể nhằm ngăn chặn tình trạng chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội.

Về mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Kiều cho rằng, việc mở rộng đối tượng hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố cho thấy dự thảo Luật đã quán triệt và thể chế hóa quan điểm Nghị quyết số 28 của Trung ương. Đó là mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sang các nhóm đối tượng khác, trong đó có đối tượng là người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố.

“Tuy nhiên, hiện nay, phụ cấp hàng tháng cấp cho các đối tượng này rất thấp mà phải trích nộp bảo hiểm xã hội thì phần thực nhận của họ còn thấp hơn, trong khi số lượng đối tượng này trên cả nước rất lớn nên phần ngân sách Nhà nước chịu trách nhiệm đóng cũng không nhỏ”, Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Kiều nêu rõ.

 Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Kiều (đoàn Đắk Nông) tham gia thảo luận trước Quốc hội, sáng 23/11.

Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Kiều (đoàn Đắk Nông) tham gia thảo luận trước Quốc hội, sáng 23/11.

Vì vậy, nữ Đại biểu Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo cần có đánh giá, phân tích kỹ lưỡng về khả năng đảm bảo ngân sách cho các đối tượng này.

Đối với các đối tượng quy định tại điểm l, m, khoản 1 Điều 3 của dự thảo Luật, Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ hơn vấn đề này, do các đối tượng này không phải là người hưởng tiền lương và chưa chắc chắn là “có việc làm, thu nhập ổn định, thường xuyên” mà bắt buộc phải tham gia bảo hiểm. Nên quy định hình thức khuyến khích tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với các đối tượng này để bảo đám tính tương thích, thống nhất với quy định tại khoản 4, Điều 4 dự thảo Luật: “Bảo hiểm xã hội tự nguyện là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người lao động có quyền tự nguyện tham gia, lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình”.

Tại khoản 4, Điều 6 quy định nguyên tắc “Quỹ Bảo hiểm xã hội được quản lý tập trung, thống nhất, công khai, minh bạch; được sử dụng đúng mục đích và được hạch toán độc lập theo các quỹ thành phần, các nhóm đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định và chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định”.

 Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp.

Tuy nhiên, qua nghiên cứu các nội dung cụ thể của dự thảo Luật, Đại biểu nhận thấy chưa quy định cụ thể để Quỹ được công khai, minh bạch, như trách nhiệm của cơ quan Bảo hiểm xã hội trong hoạt động bảo toàn quỹ. Nguồn hình thành Quỹ Bảo hiểm xã hội chủ yếu từ nguồn đóng góp của người sử dụng lao động và người lao động, nhưng hai đối tượng này lại được nắm bắt rất ít thông tin về tình hình hoạt động của Quỹ. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định cụ thể nguyên tắc công khai, minh bạch Quỹ Bảo hiểm xã hội thực sự đi vào cuộc sống.

Về điều kiện hưởng lương hưu (Điều 64), Đại biểu nhất trí với nội dung dự thảo nêu. Tuy nhiên, do cách tính mức lương hưu dựa trên thời gian đóng góp và mức tiền lương, thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội nên việc giảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội sẽ làm xuất hiện thêm nhiều trường hợp người lao động nghỉ hưu với mức lương rất thấp (lao động nam chỉ hưởng mức 33,75%), tương đương hơn 2 triệu đồng.

 Các đại biểu tại phiên họp Quốc hội sáng 23/11.

Các đại biểu tại phiên họp Quốc hội sáng 23/11.

Đồng thời, dự thảo Luật đã bỏ quy định về mức lương hưu tối thiểu. Đây là điều mà nhiều người lao động đang băn khoăn, vì có thể dẫn đến xu hướng “nghèo hóa” của một bộ phận người dân trong tương lai. Đại biểu đề nghị cần xem xét thiết kế cách tính lương hưu có tính chia sẻ để hỗ trợ cho những người có tiền lương hưu quá thấp.

Ngoài ra, tại khoản 2, Điều 66 quy định “… cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 2%”. Theo Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Kiều, quy định trong dự thảo Luật như vậy là quá cao. Do đó, đề nghị cần nghiên cứu quy định cho phù hợp, đảm bảo sự hài hòa giữa đóng và hưởng, vì độ tuổi bắt đầu tham gia đóng bảo hiểm của mỗi người khác nhau, cho nên cần quy định thời gian đóng bảo hiểm bao nhiêu để được hưởng tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75% là phù hợp.

Về Bảo hiểm xã hội 1 lần (Điều 70), Đại biểu Phạm Thị Kiều nêu quan điểm cần có giải pháp để hạn chế người lao động rút bảo hiểm xã hội 1 lần nhưng vẫn đảm bảo để người lao động có thể ổn định đời sống sau khi ngừng làm việc. Vì vậy, đề nghị nên có phương án sử dụng nguồn Quỹ bảo hiểm xã hội để thành lập Quỹ cho vay đối với người lao động phải ngừng việc nhưng chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu.

Nguyễn Hường

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/can-bo-sung-quy-dinh-cu-the-nguyen-tac-cong-khai-minh-bach-quy-bao-hiem-xa-hoi-post273586.html