Cần bổ sung quy định về các loại hình nhà ở mới

Chiều 9.3, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội - 35 Ngô Quyền, Hà Nội, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương; Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển; Trưởng Khoa Luật hiến pháp và luật hành chính, Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội Đặng Minh Tuấn đồng chủ trì Hội thảo.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển phát biểu

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển phát biểu

Dự Hội thảo có: Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh; đại diện các bộ, ngành, cơ quan liên quan và các chuyên gia, nhà khoa học.

Tại hội thảo, các chuyên gia tập trung cho ý kiến về một số nội dung trọng tâm như: thời hạn sở hữu nhà chung cư; chính sách phát triển nhà ở xã hội; xây dựng và cải tạo nhà chung cư… Ngoài ra, các chuyên gia cũng đưa ra những phân tích, nhận định liên quan đến tính thống nhất trong các quy định của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) với các luật có liên quan; phát triển nhà ở thương mại trong việc lựa chọn chủ đầu tư và xác định các loại đất làm dự án nhà ở thương mại.

Các ý kiến cơ bản tán thành với việc sớm sửa đổi Luật Nhà ở năm 2014. Đi sâu vào các nội dung cụ thể, có ý kiến cho rằng, về hồ sơ nhà ở quy định như Điều 117 dự thảo Luật là rất mập mờ, dễ dẫn đến tranh cãi khi thực hiện. Trong khi đó, việc quy định các giấy tờ của hồ sơ nhà ở rất quan trọng, liên quan đến việc quản lý, áp dụng trong thực tiễn khi chủ sở hữu nhà ở sử dụng hoặc giao dịch như chuyển nhượng, chuyển đổi, thừa kế… Chẳng hạn, việc quy định như điểm b liệt kê các loại giấy tờ và cuối điểm này có cụm từ “nếu có”. Như vậy, không rõ giấy tờ loại nào được coi là “nếu có”. Vì vậy, đề nghị xem xét lại các loại giấy tờ của hồ sơ nhà ở, quy định cụ thể và có tính khẳng định, rõ ràng hơn về những giấy tờ có thực trong mỗi giai đoạn để tránh gây phiền hà về sau cho người dân.

Toàn cảnh hội thảo

Toàn cảnh hội thảo

Cũng theo các đại biểu, trình tự triển khai các dự án cải tạo khu chung cư khá dài và phức tạp, bắt đầu từ giai đoạn kiểm định, đánh giá chất lượng để báo cáo lên kế hoạch cải tạo, tiến hành xây dựng phương án đền bù tái định cư, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án, tổ chức đền bù tái định cư, triển khai phá dỡ và xây dựng. Để có thể rút ngắn được thời gian, dự thảo Luật cần quy định thêm các yêu cầu thời gian để không bị động về tiến độ triển khai.

Ngoài ra, dự thảo Luật chưa quy định về sở hữu các loại hình bất động sản mới xuất hiện trong thời gian gần đây bao gồm: bất động sản nghỉ dưỡng, loại hình văn phòng kết hợp với nhà ở, nhà phố thương mại (shophouse)… Ở một số địa phương, phân khúc bất động sản du lịch phát triển rất mạnh mẽ, có không ít người mua biệt thự trong các khu nghỉ dưỡng cao cấp hoặc sở hữu nhà phố kinh doanh. Dẫu vậy, trong dự thảo Luật vẫn “thiếu vắng” những quy định về sở hữu các loại bất động sản nhà ở mới này. Do đó, các đại biểu kiến nghị, để bảo đảm tính bao quát, toàn diện của dự thảo Luật, cần xem xét điều chỉnh quan hệ sở hữu của các loại nhà ở, bổ sung các quy định về sở hữu những loại hình nhà ở mới này.

Thụy Vũ

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/can-bo-sung-quy-dinh-ve-cac-loai-hinh-nha-o-moi-i318365/