Cận cảnh cây duối cổ của ông thợ mộc mua giá 2 triệu, khách trả 3 tỷ nhất quyết không bán
Ông thợ mộc ở Phú Thọ mua cây duối cổ 400 năm tuổi giá 2 triệu đồng, sau nhiều năm chăm sóc, tạo dáng, có không ít người đến hỏi mua cây, thậm chí có người ngả giá 3 tỷ đồng nhưng chủ nhân nhất quyết không bán và coi như 'báu vật' trong nhà.
Ở Việt Nam có rất nhiều cây duối cổ được chuyển nhượng với giá “khủng”. Tuy nhiên một cây duối cổ gần 400 tuổi ở Phú Thọ thuộc sở hữu của ông Nguyễn Ngọc Đường (trú tại khu 3, phường Minh Nông, TP.Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) đến nay đã nhiều người hỏi mua nhưng ông Đường nhất quyết không bán.
Theo thông tin trên báo Dân Việt, khoảng 10 năm trước, ông nghe mọi người mách có một cụ già ở xã Cấp Dẫn, huyện Cẩm Khê sở hữu cây duối cổ có tuổi đời gần 400 tuổi nên ngay lập tức tìm đến.
"Khi ấy, cây vẫn chưa có bông, có tán, mọc tự nhiên, sum sê cành lá, nhưng thân thì toát lên vẻ đẹp thu hút tôi đến kỳ lạ. Sau nhiều ngày năn nỉ hỏi mua, cuối cùng cụ già đó bán cây cho tôi giá 2 triệu đồng chỉ với lý do thấy tôi thực sự quý trọng và yêu mến cây này. Còn nếu không thì dù bao nhiêu cụ bà cũng không bán, cây Duối cổ này đã gắn bó với gia đình cụ rất nhiều thế hệ", ông Đường chia sẻ.
Sau khi mua được cây, ông Đường thuê người đánh bầu, ủ rễ suốt 2 năm, chờ cây cứng cáp để chuyển về TP.Việt Trì. Sau khi mua được cây duối "độc - lạ" với giá rẻ, hầu như tuần nào ông cũng đến đây để ngắm cây, xem cây thế nào.
Kể từ lúc sở hữu được “báu vật” này tính đến nay cũng đã hơn 10 năm ông chăm chút, tạo dáng, tỉa cành tạo ra thế có “1 0 2”. Nhiều người trong giới chơi cây cảnh nhận định cây duối cổ của ông Đường có dáng "Lão mai", đã đạt được cả ba yếu tố "cổ, kỳ, mỹ".
Đã có rất nhiều người đến nhà ông Đường chiêm ngưỡng cây và ngả giá 3 tỷ đồng để mua cây nhưng ông thợ mộc vẫn quyết không bán cây duối cổ này. Theo ông Đường, lý do ông không muốn bán không phải bởi ông có quá nhiều tiền, mà bởi ông đã mất gần 10 năm chăm sóc, tạo dáng và tình yêu đặc biệt dành cho cây duối cổ gần 400 tuổi này.
"Không biết người khác chơi cây thế nào, còn tôi, muốn để hay cắt đi một nhánh, một cành nhỏ có khi mất cả mấy ngày. Sở dĩ có chuyện này là bởi, tôi thấy cây quá hoàn hảo, chỉ sợ để lại thì thấy rườm rà, nhưng cắt đi thì sợ "tổn thương" đến cây," ông Đường chia sẻ về cách chăm sóc, tạo dáng cây Duối cổ.
Theo ông Đường, muốn cây duối "lên" được dáng đẹp, phải căn cứ vào dáng gốc của cây như dáng làng, dáng long, dáng chữ tâm... và phải mất công chăm sóc khá cầu kỳ, lâu năm.
Hiện nay, cây duối cổ đã đạt tới cảnh giới thượng thừa trong làng cây bởi hội tụ các yếu tố như cổ, kỳ, mỹ, văn. Cây duối cổ hiện là "bảo vật" độc nhất vô nhị mà bất cứ người sành cây nào cũng muốn săn lùng.
Trúc Chi (tổng hợp)