Nghệ sĩ Ưu tú Hạnh Ngân: Giọng chèo đượm hồn quê

Sớm thành danh trên sân khấu với các vai diễn khó và được coi là kinh điển của nghệ thuật chèo truyền thống như Xúy Vân (trong vở 'Xúy Vân giả dại'), Thị Mầu (trong vở 'Thị Mầu lên chùa')...

Giờ đây Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Hạnh Ngân (Ban Âm nhạc, Đài Tiếng nói Việt Nam) lại khẳng định được giọng hát chèo ngọt ngào, đằm thắm trên làn sóng phát thanh. Soạn giả Mai Văn Lạng, Trưởng phòng Dân ca và nhạc cổ truyền, Đài Tiếng nói Việt Nam, nhận xét: “Dường như Hạnh Ngân sinh ra là để hát chèo, bởi từ vóc dáng, khuôn mặt và đặc biệt là giọng hát vẫn giữ được nét duyên, hồn quê của vùng đất xứ Đoài - Phủ Quốc”.

1. Từ nhiều năm nay, căn nhà nhỏ của NSƯT Hạnh Ngân - nghệ sĩ Trịnh Nam Cường (Nhà hát Chèo Hà Nội) tại Hà Đông là nơi thường lui tới của nhiều em nhỏ với mong muốn học được những câu chèo truyền thống. Hôm tôi đến, chị đang say sưa dạy hát còn anh thì miệt mài dạy diễn dù đã quá trưa.

Công việc chính của anh chị vẫn là biểu diễn, thu thanh nhưng khi có người nhờ dạy hát chèo, anh chị lại hồ hởi “nhận việc”. Chị bảo, ban đầu chị nhận dạy chèo cho con em của bạn bè, đồng nghiệp. Sau này, “tiếng lành đồn xa”, phụ huynh từ nhiều quận, huyện của Hà Nội cũng gửi con đến học. Với chị, đó là niềm hạnh phúc vô bờ vì ở xã hội hiện đại vẫn có những học sinh yêu chèo. “Mục đích cuối cùng của việc chúng tôi đi diễn, thu thanh là để lan tỏa nghệ thuật chèo, để người dân thêm hiểu, thêm yêu câu chèo. Bởi thế, việc có những em nhỏ đến nhà học chèo mang lại cho tôi niềm hứng khởi, khiến tôi càng tin tưởng vào con đường mà mình đang theo đuổi” - nghệ sĩ Hạnh Ngân bộc bạch.

Hạnh Ngân nói: "Có được thành công hôm nay, người đầu tiên tôi phải cảm ơn chính là cha của mình". Cha chị vốn là thợ mộc nhưng lại rất say mê những làn điệu chèo. Bởi thế, khi tham gia thi công trụ sở mới của Đoàn chèo Hà Tây (cũ), ông đã đến gặp Trưởng đoàn - NSƯT Phương Toàn, và xin cho con gái được đến học nghề. Khi có kiến thức căn bản về chèo, năm 1999, chị mạnh dạn thi vào khoa Kịch hát dân tộc, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội và bắt đầu hành trình đến với chèo chuyên nghiệp từ đó.

Đến với chèo muộn nhưng Hạnh Ngân bộc lộ cái duyên với chèo rất nhanh. Sau khi ra trường 4 năm chị đã giành Huy chương Bạc Cuộc thi tài năng trẻ nghệ thuật toàn quốc (năm 2007) với vai Xúy Vân trong trích đoạn “Xúy Vân giả dại”. Đây là vai diễn khó, nhiều màu sắc, nhân vật lúc vui, lúc buồn, lúc giận dữ và có lúc lại rất “điên”, buộc chị phải thể hiện nhiều tâm trạng khác nhau với các tuyến nội tâm thay đổi liên tục. Chị hát, múa, diễn, dùng cơ mặt, ánh mắt, động tác khác nhau để ra “chất” của nhân vật. NSND Văn Chương, người công tác cùng Đoàn chèo Hà Tây với chị khi đó (hiện nay là Trưởng ban Âm nhạc, Đài Tiếng nói Việt Nam), rất ấn tượng với vai Xúy Vân mà Hạnh Ngân thể hiện. NSND Văn Chương khẳng định: “Khi vào vai Xúy Vân, Hạnh Ngân mới 26 tuổi nhưng đã có kỹ thuật biểu diễn rất tốt. Một trong những lợi thế của Hạnh Ngân chính là giọng hát chèo đằm thắm và khuôn mặt phù hợp với diễn chèo truyền thống”.

2. Hai mươi năm đến với nghệ thuật chèo, sự nghiệp của nghệ sĩ Hạnh Ngân chia làm 2 giai đoạn. Thời kỳ làm việc tại Đoàn chèo Hà Tây và Nhà hát Chèo Hà Nội, chị vào các vai diễn chèo trên sân khấu; khi về công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam, công việc chính của chị là thu thanh những bài chèo cổ và những bài hát dân ca lời mới. Theo chị, khi diễn trên sân khấu, nghệ sĩ được bộc lộ tài năng, đối diện với khán giả nên lợi thế là nghệ sĩ có thể truyền trực tiếp cảm xúc cho khán giả. Còn khi thu thanh tại Đài thì không được tiếp xúc trực tiếp với khán giả nên chị phải tập luyện kỹ từng câu hát, lời nói để truyền tải một cách truyền cảm, hay nhất, tốt nhất.

Từng công tác tại hai đơn vị chuyên về nghệ thuật chèo nên khi về làm việc ở Đài Tiếng nói Việt Nam - một cơ quan báo chí, truyền thông, chị đã gặp rất nhiều bỡ ngỡ.

“Đài không chuyên về chèo nên một nghệ sĩ phải đảm nhiệm “nhiều vai”, hát được nhiều thể loại dân ca. 13 năm công tác tại Đài, tôi đã hát được nhiều thể loại, từ hát văn đến hát xẩm, cải lương, điệu lý... Một lợi thế khi làm việc tại Đài là tiếng hát của tôi đã đến được với đồng bào ở mọi miền Tổ quốc. Có những chiến sĩ ở hải đảo, biên cương rồi bà con ở các vùng sâu, vùng xa vẫn gửi thư về Đài với mong muốn được nghe những câu chèo hay các làn điệu dân ca. Có người chia sẻ rằng họ không bỏ bất kỳ chương trình dân ca và nhạc cổ truyền nào, điều đó khiến chúng tôi vô cùng xúc động” - nghệ sĩ Hạnh Ngân giãi bày.

Nghệ sĩ Hạnh Ngân từng mang những câu chèo đến các làng quê Bắc Bộ, Nam Bộ rồi với hành trang ấy chị đã mang lời ca tiếng hát đến với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân quần đảo Trường Sa. Đi đến đâu chị cũng nhận được tình cảm, sự yêu mến của khán, thính giả, thấy được sức sống mạnh mẽ của chèo trong nhân dân.

3. Trong mắt bạn bè, đồng nghiệp, NSƯT Hạnh Ngân là người may mắn, hạnh phúc bởi có chồng là nghệ sĩ chèo, các con đều yêu và theo nghệ thuật. Nghệ sĩ Trịnh Nam Cường đã giành được 2 Huy chương Vàng với vở “Cung thương một khúc” và vai Chí Phèo tại Liên hoan các trích đoạn chèo hay nghệ thuật sân khấu toàn quốc năm 2023. Con trai của chị là Trịnh Nhật Minh, hiện là sinh viên chuyên ngành đàn bầu, khoa Nhạc cụ dân tộc, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Nhật Minh bén duyên với ca hát từ khá sớm, khi mới 6 tuổi đã giành vị trí quán quân chương trình “Đồ rê mí” và 9 tuổi đã giành giải quán quân “Giọng hát Việt nhí”. Ngoài ra, Nhật Minh còn giành giải Nhất Cuộc thi Độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2020. Còn con gái chị mới học lớp 6 nhưng vừa qua cũng đã giành giải Nhất với vai Thị Mầu tại Cuộc thi Đàn và hát dân ca thành phố Hà Nội.

Hằng ngày, khi nghệ sĩ Trịnh Nam Cường rời ánh đèn sân khấu, nghệ sĩ Hạnh Ngân rời phòng thu, họ lại cùng nhau quây quần trong ngôi nhà ngập tràn hạnh phúc. Vợ chồng cùng nghề chính là lợi thế để Hạnh Ngân có thể phát huy được tài năng của mình. Những lúc chị đang say sưa với vai diễn trên sân khấu hay trong phòng thu, anh lại lặng lẽ chăm sóc con cái để chị yên tâm cống hiến. Ngoài kia, cuộc sống còn nhiều bộn bề nhưng trong căn nhà ấy luôn hiện hữu sự bình yêu bởi nó tạo thành từ hai trái tim chung nhịp đập, chung tình yêu và niềm đam mê với nghệ thuật chèo.

NSƯT Hạnh Ngân sinh năm 1981 (tên thật là Bùi Thị Hồng Hạnh) tại xã Thạch Thán, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Chị được phong danh hiệu NSƯT năm 2023. Trong sự nghiệp, chị đã giành Giải A với trích đoạn “Thị Mầu lên chùa” tại Cuộc thi các trường nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc năm 2002, Huy chương Bạc Hội diễn sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc năm 2009 với vai Mai trong vở “Ngọc Hân công chúa”... Hiện nay, chị tham gia hoạt động nghệ thuật khá đa dạng khi vừa biểu diễn, dựng các tiết mục vừa dạy học.

Minh Hà

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/nghe-si-uu-tu-hanh-ngan-giong-cheo-duom-hon-que-682938.html