Người Chăm An Giang nỗ lực phát triển đặc sản địa phương

Đến tham quan các làng Chăm ở An Giang, ẩm thực là một trong những khía cạnh mà khách du lịch không thể bỏ qua. Người Chăm có văn hóa ẩm thực phong phú và độc đáo, vừa khác biệt so với những món ăn quen thuộc hằng ngày, vừa mang đậm sắc thái đặc trưng của cộng đồng cư dân nơi đây. Trong đó, tung lò mò và lò mò pđăm là hai đặc sản mà du khách có thể mua về làm quà tặng cho người thân sau chuyến đi.

Phụ nữ Chăm sản xuất tung lò mò. Ảnh: Yên Lương

Phụ nữ Chăm sản xuất tung lò mò. Ảnh: Yên Lương

Người địa phương cho biết, thời xưa, không có điện hay tủ lạnh để bảo quản thịt như ngày nay, nên người Chăm dồn thịt vào ruột bò rồi treo lên, hoặc muối thịt phơi khô để ăn dần. Từ cách bảo quản truyền thống đó, món tung lò mò và lò mò pđăm ra đời, đến nay trở thành đặc sản nổi tiếng của cộng đồng Chăm An Giang.

Tung lò mò tức lạp xưởng bò. Trong tiếng Chăm, “tung” là ruột, “lò mò” là thịt (thịt bò). Để chế biến món ăn này, người Chăm ướp thịt bò với gia vị, rồi dồn vào ruột bò đã rửa sạch, thắt thành xâu, rồi treo lên giàn để phơi nắng. Khi ăn, món này có thể nướng hoặc chiên, ăn kèm với rau củ, chấm tương ớt. Lạp xưởng bò khi chín sẽ tươm mỡ, tỏa hương thơm, có vị ngọt bùi của thịt và gia vị...

Lò mò pđăm có thể được hiểu là thịt bò khô hay khô bò. Đầu tiên, thịt bò tươi được cắt lát, trụng nước sôi, tẩm ướp một số gia vị bí truyền. Sau khi tẩm ướp trong một đêm cho thấm đều gia vị, thịt được sấy khô. Đây là món ăn quen thuộc của cộng đồng Chăm, tuy nhiên, đối với thực khách phương xa, món ăn này mang lại hương vị hoàn toàn khác biệt với những sản phẩm tương tự trên thị trường.

Cơ sở sản xuất tung lò mò và lò mò pđăm tiêu biểu là hộ kinh doanh ANAS của ông Hứa Hoàng Vũ ở xã Châu Phong, thị xã Tân Châu. Ông cho biết, Châu Phong là địa phương có người Chăm sinh sống đông đảo, nhiều gia đình đã sản xuất những sản phẩm từ thịt bò. Tuy nhiên, phần lớn các hộ dân sản xuất nhỏ lẻ, chưa có nhãn mác, chưa đảm bảo những quy chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm... Do đó, gia đình ông đã mạnh dạn đầu tư máy móc hiện đại, ứng dụng khoa học công nghệ vào quy trình sản xuất tung lò mò. Tuy vậy, sản phẩm vẫn giữ được hương vị truyền thống, không sử dụng chất bảo quản. Thời gian đầu, ông gặp nhiều khó khăn do hương vị sản phẩm chưa phù hợp với khẩu vị của thực khách từ nhiều tỉnh, thành khác nhau.

Tuy vậy, không nản chí, ông Hứa Hoàng Vũ tiếp tục tìm tòi, rút kinh nghiệm, thay đổi công thức chế biến và dần dà được đón nhận. Năm 2020, sản phẩm tung lò mò ANAS tham gia Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) và đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Nối tiếp thành công đó, gia đình tiếp tục chuẩn hóa quy trình sản xuất sản phẩm lò mò pđăm ANAS và đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao vào năm 2022. Hai sản phẩm đã đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, kiểm soát quy trình sản xuất, bảo vệ môi trường khu vực sản xuất, nhãn hiệu phù hợp quy định...

Sau khi đạt chứng nhận OCOP, hai sản phẩm tung lò mò và lò mò pđăm được người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến nhiều hơn, đặc biệt là trở thành món quà ý nghĩa cho khách phương xa khi đến với làng Chăm Châu Phong. Hiện nay, sản lượng tung lò mò và lò mò pđăm mà cơ sở ANAS tiêu thụ là trên 10 tấn mỗi năm. Thị trường chủ yếu là các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh, thành Đông Nam Bộ như thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai... Ông Hứa Hoàng Vũ bộc bạch: “Khi nhìn thấy sản phẩm tung lò mò và lò mò pđăm ANAS hôm nay đã có những bước phát triển, sản phẩm được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh biết đến, có càng nhiều chuyến hàng gửi ra miền Trung và miền Bắc, tôi rất vui mừng. Chúng tôi sẽ nỗ lực và hoàn thiện hơn nữa để mang đến sự hài lòng cho người tiêu dùng và mong muốn sản phẩm được nhiều người biết đến hơn”.

Quảng bá các sản phẩm ANAS tại các sự kiện. Ảnh: Yên Lương

Quảng bá các sản phẩm ANAS tại các sự kiện. Ảnh: Yên Lương

Để thực hiện mục tiêu đó, cơ sở ANAS đã tích cực quảng bá sản phẩm tại các sự kiện khuyến công và xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh, tham gia các chương trình tập huấn ngắn hạn để cập nhật những thông tin mới về thị trường, kết hợp phát triển đặc sản gắn với phát triển du lịch địa phương, xây dựng kênh phân phối sản phẩm trên sàn thương mại điện tử... Bên cạnh phát triển kinh tế gia đình, cơ sở đã tạo thêm công ăn việc làm cho người Chăm địa phương, đặc biệt là phụ nữ và các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, giúp họ có nguồn thu nhập ổn định.

Người Chăm ở An Giang theo đạo Islam (Hồi giáo), nên đời sống hằng ngày họ tuân thủ nhiều quy định của giáo luật. Trong ăn uống, người Chăm không ăn thịt heo vì xem là con vật ô uế, họ thường ăn thịt trâu, bò, dê, gà, cá... và cũng không ăn con vật bị bệnh hoặc chết không rõ nguyên nhân. Khi làm thịt, con vật phải khỏe mạnh, người chế biến phải cầu nguyện theo kinh Qur’an để con vật được siêu thoát. Bên cạnh đó, huyết của con vật phải bỏ đi, không được giữ lại. Những món ăn được chế biến đúng quy chuẩn này được gọi là “Halal” và áp dụng chung cho toàn thể tín đồ Islam trên thế giới. Do đó, ngành công nghiệp Halal ngày nay là một lĩnh vực phát triển, thị trường tiêu thụ rộng lớn. Việc đẩy mạnh phát triển các sản phẩm của cơ sở ANAS nói riêng và người Chăm nói chung sẽ mở ra cơ hội hợp tác mới cho An Giang và các quốc gia Islam ở Đông Nam Á và trên thế giới.

Yên Lương

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nguoi-cham-an-giang-no-luc-phat-trien-dac-san-dia-phuong-post482740.html