Cần 'cắt khúc' xác định trách nhiệm từng khâu trong hoàn thuế VAT

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA) cho rằng để doanh nghiệp và cơ quan quản lý yên tâm trong hoàn thuế VAT cần phải cắt khúc từng khâu cụ thể, từ đó xác định trách nhiệm của doanh nghiệp, cơ quan thuế trong từng khâu.

Bảo vệ cán bộ thuế

Sáng 9/10 tại Hà Nội, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương tổ chức Diễn đàn kinh doanh và pháp luật năm 2024 với chủ đề: “Chung tay giải quyết các vấn đề pháp lý, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp”.

Tại diễn đàn, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA) cho biết, vấn đề hoàn thuế VAT vẫn là vấn đề nóng dù cơ quan thuế hiện nay đang rất cố gắng khai, nộp thuế điện tử. Một số vấn đề của các ngành gỗ, sắn… vẫn gặp khó khăn trong hoàn thuế.

Lấy dẫn chứng về chậm hoàn thuế trong doanh nghiệp gỗ, bà Cúc cho rằng nguyên nhân là do hệ thống thể chế và quản lý.

 Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch VTCA.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch VTCA.

Theo bà Cúc, về mặt pháp lý, cơ quan thuế hoàn thuế khi có hóa đơn xuất khẩu và người sản xuất có sản phẩm xuất khẩu thì phải hoàn. Nhưng trong luật không có quy định là phải truy thu tất cả các khâu trước đó. Điều này làm cơ quan thuế hết sức băn khoăn lo lắng.

Theo bà Cúc, để doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước yên tâm thực hiện thủ tục hoàn thuế, cần “cắt khúc” từng khâu kinh doanh cụ thể từ đó xác định trách nhiệm của mỗi cơ quan nhà nước với từng khâu. Bên cạnh đó, cần có cơ chế bảo vệ cán bộ thuế trong trường hợp kiểm tra phát hiện các sai sót không thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp kê khai hoặc của cán bộ thuế.

“Khi hoàn thuế VAT bên sản xuất có sản phẩm xuất khẩu, đủ thủ tục theo quy định. Và bên bán hàng đã kê khai nộp thuế giá trị gia tăng đầu vào thì là đủ điều kiện hoàn thuế. Cơ quan thuế hoàn thuế là đúng và doanh nghiệp được hoàn theo đúng chế độ. Còn nếu cơ quan khác truy ra đầu vào F1, F2, F3… không có hóa đơn, mua bán trôi nổi thì đó là trách nhiệm bên thương mại, chứ không thể đưa trách nhiệm tất cả các khâu đổ dồn lên doanh nghiệp xuất khẩu và cơ quan thuế. Có như vậy thì cơ quan thuế mới yên tâm hoàn thuế và doanh nghiệp mới được đảm bảo quyền lợi”, bà Cúc nhấn mạnh.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành, năm 2023 vấn đề hoàn thuế VAT được dư luận, xã hội rất quan tâm. Đặc biết Quốc hội đã có đoàn công tác giám sát công tác hoàn thuế trực tiếp làm việc với cơ quan thuế để ghi nhận những nỗ lực trong công tác hoàn thuế của cơ quan thuế.

Năm 2024, cơ quan thuế đã triển khai quyết liệt các chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính để đề ra các giải pháp hoàn thiện công tác hoàn thuế do đó công tác hoàn thuế VAT đã cơ bản được giải quyết, hiện chỉ còn vướng mắc ở một số hồ sơ hoàn thuế VAT còn tồn tại một số địa phương và một số doanh nghiệp (DN) nhất định.

Ông Thành nêu rõ, theo quy định của Luật, để thực hiện hoàn thuế VAT cho DN thì cơ quan thuế phải kiểm tra, tuy nhiên không quy định mức độ kiểm tra đến đâu. Chính vì vậy, cơ quan thuế trong quá trình kiểm tra, xác minh hồ sơ hoàn thuế của DN phải thực hiện xác định các DN có hoạt động mua bán, kinh doanh có hồ sơ hoàn thuế (từ DN F0 đến DN Fn).

Do đó, công tác xác minh, kiểm tra mất rất nhiều thời gian và tốn kém nguồn lực của cơ quan thuế. Cá biệt, có những trường hợp cơ quan thuế phải chịu sức ép rất lớn từ dư luận xã hội về công tác hoàn thuế bởi có trường hợp không thể xác minh được tính hợp pháp của hồ sơ hoàn thuế và cơ quan thuế đã phải thực hiện phối hợp với khá nhiều cơ quan hữu quan trong nước và phải phối hợp với cơ quan chức năng của các quốc gia khác để xác minh tính chính xác và hợp pháp của hồ sơ nhằm tránh thất thoát ngân sách nhà nước do hoàn thuế sai.

“Trên thực tế, chỉ một một vụ án cơ quan Công an điều tra, phát hiện, khởi tố truy tố xét xử đã phát hiện có đến hàng triệu hóa đơn đã được phát hành mà không có hàng hóa đi kèm. Với hàng triệu hóa đơn khống đó rất có khả năng đang trong hồ sơ hoàn thuế gửi đến cơ quan thuế đề nghị hoàn thuế mà điển hình là vụ án tại Thu Duc House đã để lại những bài học kinh nghiệm đắt giá cho cả DN và cơ quan thuế”, Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành chia sẻ.

Cũng theo Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành, chính nhờ chỉ đạo quyết liệt của Bộ Tài chính, cơ quan thuế đã đưa HĐĐT triển khai trên toàn quốc từ năm 2022, qua đó đã nhận diện, phát hiện các hành vi mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp.

Tổng cục trưởng cho biết, cơ quan thuế đã và đang đưa ra nhiều giải pháp cũng như kiến nghị với các cơ quan ban hành pháp luật để sửa đổi bổ sung cơ chế, chính sách sao cho vẫn bảo về được nguồn thu của ngân sách nhà nước nhưng cũng phải tạo thuận lợi tối đa cho người nộp thuế trong thực hiện nghĩa vụ về thuế và hoàn thuế.

 Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành.

Sàn thương mại điện tử nộp thuế thay giảm chi phí xã hội

Chia sẻ về nội dung hỏi liên quan đến quy định sàn thương mại điện tử (TMĐT) khai, nộp thuế thay, Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành cho biết, hiện nay, cá nhân có hoạt động kinh doanh trên sàn TMĐT là khoảng trên 156.000 cá nhân, trong khi đó, sàn TMĐT đang hoạt động có khoảng 400 sàn.

Nói về khả năng thực hiện việc khai, nộp thuế thay của các sàn TMĐT, Tổng cục trưởng cho biết thực tế hiện nay một số sàn TMĐT đã thực hiện khai, nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh trên sàn và việc thực hiện này rất dễ dàng đối với sàn TMĐT do sàn TMĐT đã có đầy đủ dữ liệu kinh doanh của cá nhân.

“Nếu 400 sàn TMĐT thực hiện khai, nộp thuế thay vì 156.000 cá nhân khai, nộp thuế thì sẽ hiệu quả hơn rất nhiều, qua đó giúp giảm chi phí xã hội trong việc khai, nộp thuế của cá nhân. Đồng thời, theo kinh nghiệm quốc tế, các tổ chức như OECD, IMF, WB, … đều khuyến cáo Việt Nam nên quy định cho các sàn TMĐT khai thay, nộp thay cho cá nhân để nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế cũng như giảm chi phí cho xã hội”, Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành nhấn mạnh.

Tại sự kiện, Tổng cục trưởng Mai Xuân thành cùng các diễn giả cũng trao đổi, đề cập tới tính cần thiết phải sửa đổi Luật thuế TNDN, trong bối cảnh các DN có xu hướng kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực, đồng thời với yêu cầu đặt ra về cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho DN thì quy định DN phải kê khai, nộp thuế riêng đối với lãi từ chuyển nhượng bất động sản đang bộc lộ hạn chế, bất cập cần được điều chỉnh cho phù hợp.

Huyền Châu

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/can-cat-khuc-xac-dinh-trach-nhiem-tung-khau-trong-hoan-thue-vat-d52712.html