Cần chính sách dài hạn cho điện gió

Muốn phát triển điện gió cần có chính sách quốc gia dài hạn. Nếu không có luật phải có chiến lược, vì không chỉ phát triển cho ngành điện mà còn phát triển kinh tế biển theo Nghị quyết số 36-NQ/TW.

Toàn cảnh diễn đàn. Ảnh: Minh Châu

Toàn cảnh diễn đàn. Ảnh: Minh Châu

Đây là ý kiến nêu tại Diễn đàn Điện gió và mục tiêu Net Zero vào năm 2050, do Hội nước sạch và Môi trường Việt Nam, Tạp chí Môi trường và Cuộc sống tổ chức sáng 26.5.

Tiềm năng lớn, khó khăn nhiều

Ông Dư Văn Toán, chuyên gia về năng lượng, Viện Nghiên cứu biển và hải đảo cho biết: hiện, thế giới đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ sang các nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió (trên bờ và ngoài khơi) và điện mặt trời. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, đến năm 2050, dự kiến điện gió ngoài khơi sẽ đóng góp khoảng 39% tổng nguồn điện trên toàn thế giới.

Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để phát triển điện gió, đặc biệt là điện gió ngoài khơi. Kết quả nghiên cứu Bản đồ tốc độ gió tầng 100m trung bình 10 năm 2006 - 2015 cho thấy, Việt Nam có nguồn gió siêu tốt ở khu vực Nam Trung Bộ, có thể đạt trên 10m/s. Ở miền Bắc, khu vực giữa vịnh Bắc Bộ có tốc độ gió khoảng 6,5 - 7,5m/s; đây là điều kiện rất tốt để phát triển loại hình năng lượng này.

Bên cạnh đó, phát triển điện gió cũng sẽ góp phần giảm khí thải nhà kính. Thống kê cho thấy, điện gió có mức độ phát thải thấp nhất, chỉ khoảng 10gram/kWh điện, thấp hơn nhiều so với thủy điện với khoảng 40gram/kWh, đặc biệt là nhiệt điện than có mức phát thải trên 1.000gram/kWh.

Trên thực tế, định hướng phát triển điện gió ngoài khơi đã có theo Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 36); Nghị quyết số 55/NQ-TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045. Mới nhất là Quy hoạch điện VIII của Chính phủ.

Tuy nhiên, phát triển điện gió đang đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, như: khó huy động nguồn vốn lớn; tính chất phức tạp về kỹ thuật và công nghệ khiến dự án trải qua nhiều quy trình và trình tự thủ tục đầu tư. Bên cạnh đó, hiện còn thiếu quy định về hoạt động đo đạc, quan trắc, điều tra, khảo sát, đánh giá tài nguyên biển; chưa có quy định về diện tích khu vực biển chấp thuận cho sử dụng để đo gió, khảo sát địa chất, địa hình, đánh giá tác động môi trường trên biển đối với từng khu vực biển; chưa có quy định công suất điện gió tối đa cho một dự án để vừa khuyến khích nhà đầu tư tham gia dự án, vừa bảo đảm cân đối hệ thống truyền tải điện...

Trực tiếp tham gia dự án điện gió, ông Nguyễn Việt Dũng, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Halcom Việt Nam cho biết, các dự án này doanh thu không ổn định, thời gian áp dụng giá FIT ngắn, chỉ 2 - 3 năm gây khó khăn cho quá trình đàm phán vốn vay các dự án có công suất lớn, thời gian xây dựng dài…

Sớm hoàn thiện hành lang pháp lý

Đến cuối năm 2021, cả nước có khoảng 4.100MW điện gió và con số này chắc chắn sẽ tăng lên trong thời gian tới, nhất là khi Quy hoạch điện VIII vừa được Chính phủ phê duyệt đã định hướng sẽ phát triển mạnh loại năng lượng này. Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, công suất điện gió ngoài khơi phục vụ nhu cầu điện trong nước đạt khoảng 6.000MW; định hướng đến năm 2050 đạt 70.000 - 91.500MW.

Để đạt được mục tiêu, ông Dư Văn Toán cho rằng, trước tiên, cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý cho năng lượng tái tạo. “Quan trọng nhất là phải sớm ban hành Luật về năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió ngoài khơi”. Chẳng hạn, Australia đã có luật về điện gió ngoài khơi; đồng thời phải có lộ trình, kế hoạch chi tiết phát triển trong dài hạn; các quy hoạch năng lượng, quy hoạch không gian biển dài hạn phải gắn với các ngành kinh tế khác như du lịch.

Ngoài ra, cần có quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch không gian cho điện gió ngoài khơi để tránh mâu thuẫn, xung đột, tranh chấp, bởi sau này có thể còn phát triển các ngành sản xuất điện từ sóng, từ thủy triều… Xây dựng được chuỗi cung ứng, vốn, tài chính xanh, hạ tầng cho điện gió ngoài khơi. “Nếu không có luật thì phải có chiến lược cho điện gió ngoài khơi, vì nó không chỉ phát triển cho ngành điện mà còn phát triển kinh tế biển theo Nghị quyết số 36”, ông Toán nhấn mạnh.

Chia sẻ với ý kiến trên, đại diện doanh nghiệp cho rằng, việc sớm hoàn thiện hành lang pháp lý sau Quy hoạch điện VIII đóng vai trò đặc biệt quan trọng, bởi chỉ còn 7 năm nữa triển khai quy hoạch, phải bảo đảm đầu tư tránh dàn trải hệ thống truyền tải, biến áp. Theo đó, Nhà nước nên lựa chọn đầu tư hệ thống đi kèm vào những khu vực mà nhà đầu tư làm dự án.

Cùng với hoàn thiện pháp lý, cần nâng cấp, xây dựng cơ sở hạ tầng truyền tải đồng bộ, tận dụng tối đa nguồn năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió, tránh cắt giảm công suất vì quá tải gây lãng phí. Nên có chính sách ưu đãi về giá FIT, thuế suất, thủ tục hành chính về đầu tư, đặc biệt là cần hỗ trợ nhà đầu tư trong việc vay vốn thực hiện dự án. Đồng thời, cần xem lại hợp đồng PPA mẫu, không đẩy rủi ro về phía doanh nghiệp.

Theo các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp, khi triển khai đồng bộ các giải pháp trên, hoàn toàn có cơ hội để phát triển điện gió trở thành nguồn chủ đạo của hệ thống năng lượng Việt Nam trong tương lai.

Minh Châu

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/can-chinh-sach-dai-han-cho-dien-gio-i330501/