'Cần cơ chế đặc thù, vượt trội để Hà Nội thực hiện sứ mệnh là Thủ đô'

Đó là chủ đề Talkshow báo Kinh tế và Đô thị vừa tổ chức. Nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển Đặng Huy Đông và TS. Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Chiến lược và khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp, có cuộc chia sẻ với độc giả của báo xung quanh việc góp ý Luật Thủ đô (sửa đổi).

Các diễn giả tham gia Talkshow

Các diễn giả tham gia Talkshow

Tại Talkshow “Cần cơ chế đặc thù, vượt trội để Hà Nội thực hiện sứ mệnh là Thủ đô”, ông Đặng Huy Đông cho rằng, việc phân cấp được đề xuất trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này thực sự là đột phá, nó thay đổi toàn diện tư duy quản lý. Cách quản lý hiện nay trên nền tảng của cơ chế quản lý từ thời tập trung bao cấp ngày xưa.

Qua quá trình đổi mới và phát triển đất nước thì chúng ta chỉ chỉnh sửa, điều chỉnh theo thời gian và triết lý quản lý vẫn từ trên xuống dưới và quản lý theo trình tự thủ tục và lúc đó người ta nghĩ rằng cấp trên giỏi hơn cấp dưới và cấp trên làm cái to, cấp dưới làm cái bé. Do đó, phân cấp về thẩm quyền đầu tư, phê duyệt đầu tư theo quy mô của dự án, tổng mức đầu tư về cho Thành phố Hà Nội.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển Đặng Huy Đông

Nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển Đặng Huy Đông

“Tôi tin tưởng rằng, cả bộ máy chính trị của thành phố đều là những người có kiến thức, đủ năng lực để lựa chọn những gì tốt nhất cho phát triển Thủ đô, vì người dân Thủ đô. Chúng ta đang bàn ở đây là ra luật này tạo được bứt tốc, bứt phá thì nó phải nhanh mà muốn nhanh thì quy trình phải gọn gàng, rất trách nhiệm, còn nếu không trách nhiệm thì không thể làm được”, ông Đặng Huy Đông nhấn mạnh.

Còn TS. Nguyễn Văn Cương, thông tin, đối với lĩnh vực giáo dục, trong những năm qua, trong khuôn khổ pháp luật hiện hành, việc phát triển giáo dục và đào tạo của Thủ đô đạt những kết quả tích cực: Giáo dục vào đào tạo của Thủ đô liên tục dẫn đầu cả nước về quy mô, mạng lưới trường lớp, về chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn, về số học sinh đạt giải cao ở các kỳ thi quốc gia, quốc tế; 100% giáo viên đứng lớp đạt chuẩn, tỷ lệ trên chuẩn cao.

TS. Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Chiến lược và khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp

TS. Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Chiến lược và khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp

Hạ tầng giáo dục và cơ sở vật chất phục vụ dạy và học được tập trung đầu tư, trang bị khá đồng bộ, hiện đại. Tuy nhiên, việc phát triển giáo dục và đào tạo của Thủ đô còn những hạn chế, bất cập đã được nhận diện trong quá trình tổng kết thi hành Luật Thủ đô, chẳng hạn như:

Chất lượng giáo dục - đào tạo trên mặt bằng chung chưa theo kịp yêu cầu phát triển, chưa theo kịp với trình độ của các nước phát triển trong khu vực và thế giới; cơ sở vật chất phục vụ giáo dục - đào tạo còn chậm được cải thiện, chưa đáp ứng nhu cầu của xã hội; việc chuyển đổi các cơ sở giáo dục - đào tạo công lập có khả năng xã hội hóa sang mô hình tự chủ còn chậm.

Việc thu hút nguồn lực đầu tư từ xã hội cho giáo dục, hợp tác, liên kết quốc tế về giáo dục đào tạo, đổi mới phương pháp dạy và học còn hạn chế, gặp nhiều rào cản về thể chế.

So với Luật Thủ đô hiện hành, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã có những quy định về lĩnh vực phát triển y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân Thủ đô, phát triển hệ thống an sinh xã hội ở Thủ đô. Điều mà Luật Thủ đô hiện hành chưa có.

"Tôi cho rằng, đây là hướng đi phù hợp. Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) định hướng: “Xây dựng hệ thống y tế Thủ đô tiên tiến và hiện đại, theo mô hình ba cấp, phù hợp với quy mô dân số, địa bàn thực hiện. Tập trung phát triển một số lĩnh vực tiếp cận trình độ công nghệ thế giới. Nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh và năng lực hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở, hệ thống khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình, bảo đảm chăm sóc toàn diện sức khỏe Nhân dân; phát triển hệ thống cấp cứu ngoại viện công lập và ngoài công lập” - ông Nguyễn Văn Cương bày tỏ.

Trước đó, báo Kinh tế và Đô thị tổ chức Talkshow "Phân cấp, phân quyền tạo đột phá phát triển Thủ đô". PGS. TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia; TS.Nguyễn Ngọc Bích, Trưởng Bộ môn Luật Hành chính, Trường đại học Luật Hà Nội đã chia sẻ với độc giả về những bất cập trong thực tế nên cần thiết phải sửa đổi Luật Thủ đô.

Nhóm PV

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/can-co-che-dac-thu-vuot-troi-de-ha-noi-thuc-hien-su-menh-la-thu-do-351328.html