Ủng hộ đề xuất đường vành đai 4, đường sắt đô thị, trung tâm tài chính tại TP.HCM

Đảng đoàn Quốc hội cơ bản thống nhất về mặt chủ trương đối với các đề xuất của TP.Hồ Chí Minh về dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4, Đề án Đường sắt đô thị và Đề án xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh; ủng hộ việc đề xuất điều chỉnh, sửa đổi các cơ chế cho phù hợp, tháo gỡ các điểm nghẽn về chính sách để thành phố phát huy hết tiềm năng vốn có.

Đây là khẳng định của Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khi chủ trì cuộc làm việc giữa Đảng đoàn Quốc hội với Ban Thường vụ Thành ủy TP.Hồ Chí Minh về kết quả triển khai Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Hồ Chí Minh và Nghị quyết 57 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh; đồng thời nghe báo cáo về các nội dung TP.Hồ Chí Minh đăng ký để Quốc hội xem xét tại Kỳ họp cuối năm 2024; Các nội dung qua thực tiễn áp dụng tại TP.Hồ Chí Minh cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung pháp luật.

TP.Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, lớn nhất cả nước, là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục - đào tạo của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước; là cửa ngõ quan trọng kết nối với khu vực và thế giới. Địa phương có vai trò đầu tàu, đóng góp lớn cho cả nước, tỷ trọng GRDP của Thành phố chiếm khoảng 18% GDP cả nước, thu ngân sách chiếm trên 27%.

Sau 1 năm triển khai Nghị quyết số 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Hồ Chí Minh, đã có 30/44 cơ chế được áp dụng. Tại cuộc họp, lãnh đạo thành phố cũng đã báo cáo với Đoàn về Kết quả triển khai Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh; kết quả thực hiện Nghị quyết số 131 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.Hồ Chí Minh. Đồng thời báo cáo, đề xuất các chính sách quan trọng trong 3 nội dung chuẩn bị trình Quốc hội bao gồm: Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh; Đề án Đường sắt đô thị TP.Hồ Chí Minh; Đề án xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế Việt Nam tại TP.Hồ Chí Minh.

Sau khi lắng nghe báo cáo, đề xuất của thành phố, các thành viên Đảng đoàn Quốc hội đánh giá cao Thành phố đã quyết tâm triển khai được nhiều nhiệm vụ quan trọng. Cho ý kiến về việc đề án xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế tại TP.Hồ Chí Minh, đây cũng là mô hình mới đối với Việt Nam, có nhiều quan điểm, định hướng chính sách rất mới, rất khó. Do đó thành viên Đoàn đề nghị cần đổi mới cách làm, cách phối hợp giữa bộ ngành với thành phố để thúc đẩy nhanh triển khai đề án; tập trung nghiên cứu các chính sách, pháp luật về tài chính để tạo độ thông thoáng, thu hút các nhà đầu tư.

Các thành viên Đoàn công tác cũng đã làm rõ kiến nghị của Thành phố trong đó có kiến nghị sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh hoặc hướng dẫn đối với 25 nội dung trong 7 Luật. Cho biết, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội sẽ thông qua theo quy trình tại 1 kỳ họp đối với 3 luật sửa đổi, bổ sung 12 luật, trong đó có Luật Đầu tư công (sửa đổi), Luật sửa đổi bổ sung 4 luật khác thuộc lĩnh vực Thành phố đề xuất. Các ý kiến cũng chia sẻ với thành phố về thu ngân sách chưa đạt kỳ vọng do ảnh hưởng từ nguồn thu đất đai và mức độ tổn thương sau dịch Covid-19 của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh là rất nặng nề và sự phục hồi chậm hơn so với Hà Nội cũng như các địa phương khác.

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhắc lại chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII vừa qua, đó là tập trung cao nhất cho đột phá về thể chế và phát triển, hoàn thiện đồng bộ và đột phá mạnh mẽ trong xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Chủ tịch Quốc hội đề nghị tháo gỡ vướng mắc về thể chế cho TP.Hồ Chí Minh phát triển kinh tế theo quan điểm "tắc đâu thông đó, nghẽn ở đâu tháo ở đó". Việc tháo gỡ cũng sẽ theo cách làm mới, tư duy xây dựng pháp luật mới, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm"; Trung ương, Quốc hội, Chính phủ tập trung hoàn thiện thể chế, giữ vai trò kiến tạo, phục vụ và tăng cường kiểm tra, giám sát; đồng thời, cải cách triệt để, giảm tối đa thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ của người dân, doanh nghiệp.

Về ba nội dung TP.Hồ Chí Minh chuẩn bị trình Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đồng tình đây là vấn đề cấp bách, yêu cầu khách quan, thể hiện quyết tâm, tầm nhìn tổng thể xa, rộng của thành phố. Tuy nhiên đề nghị Ban Thường vụ TP.Hồ Chí Minh hoàn thiện các tài liệu theo quy định và báo cáo Ban cán sự Đảng Chính phủ để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét cho ý kiến chỉ đạo trước khi báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cuối năm nay, thành phố có thể tiến hành sơ kết Nghị quyết số 131 của Quốc hội về chính quyền đô thị tại TP.Hồ Chí Minh mà không phải cần chờ đủ 5 năm, trên cơ sở đó có thể đề xuất ban hành nghị quyết mới hoặc tiếp tục thực hiện trong thời gian tới. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh Quốc hội ủng hộ việc đề xuất điều chỉnh, sửa đổi các cơ chế cho phù hợp; đồng tình tốc độ làm chính sách, điều chỉnh chính sách phải nhanh hơn để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Dương Dung - Quang Sỹ

Nguồn Quốc Hội TV: https://quochoitv.vn/ung-ho-de-xuat-duong-vanh-dai-4-duong-sat-do-thi-trung-tam-tai-chinh-tai-tphcm-238597.htm