Cần cơ chế hỗ trợ để doanh nghiệp da giày, dệt may tự chủ nguyên, phụ liệu

Tự chủ nguyên phụ liệu là một trong những yếu tố sống còn để doanh nghiệp để doanh nghiệp dệt may, da giày gia tăng giá trị cho sản phẩm. Tuy nhiên, hành trình tự chủ nguyên, phụ liệu đòi hỏi phải vượt qua rất nhiều thách thức.

Lượng nguyên liệu lớn cho ngành da giày vẫn phải nhập khẩu

Theo đại diện Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (LEFASO), 10 năm trước đây, tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm da giày chỉ đạt 40%. Hiện mức trung bình đã tăng lên 55%, cá biệt có những mặt hàng như giày thể thao có thể chủ động 70 - 80%, giày vải chủ động gần như 100% nguyên phụ liệu trong nước.

Trên thực tế, toàn ngành có 129 doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nguyên, phụ liệu, nhưng chỉ có khoảng 20 doanh nghiệp trong nước đủ sức cung ứng nguồn nguyên liệu cao cấp, khiến cho các nhà sản xuất da, giày khó chủ động được đơn hàng và nguồn nguyên liệu.

Với lợi thế giá thành cạnh tranh, vận chuyển thuận lợi, đa dạng chủng loại và chất lượng, Trung Quốc hiện vẫn là nguồn cung nguyên phụ liệu lớn nhất cho ngành da giày Việt Nam, với khoảng 35%; tiếp đến là Thái Lan với 11,8%; Italia 10,3%... Ngoài ra, doanh nghiệp da giày trong nước còn nhập khẩu da thuộc từ Mỹ, Hàn Quốc và những thị trường khác, tuy nhiên tỷ trọng mỗi thị trường không cao.

Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da Giầy, Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho biết, năm 2024, ngành da giày dự kiến đạt kim ngạch 26-27 tỷ USD. Ngành có đặc thù là thặng dư thương mại rất lớn do nguyên phụ liệu trong nước hiện đạt trên 50%. Các Cty có quy mô từ 3.000-5.000 công nhân đều đang sản xuất theo hướng ODM (có trung tâm nghiên cứu phát triển).

Theo ông Thuấn, giai đoạn tới, cần có những giải pháp đột phá để nâng cấp chuỗi giá trị ngành nhằm tạo ra những lợi ích bền vững. Cần phải thúc đẩy phát triển hoạt động của thị trường cung ứng nguyên phụ liệu theo hướng quy mô, chuẩn hóa và minh bạch”. Đại diện LEFASO kiến nghị xây dựng khu trung tâm giao dịch phát triển nguyên phụ liệu và đổi mới sáng tạo ngành thời trang Việt Nam tại Bình Dương.

Tự chủ nguyên liệu là một trong những yêu cầu cấp thiết đối với ngành dệt may, da giày.

Tự chủ nguyên liệu là một trong những yêu cầu cấp thiết đối với ngành dệt may, da giày.

Cùng chung trăn trở, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, sau 8 tháng, dệt may ước đạt xuất khẩu 28 tỷ USD. Dự báo kim ngạch xuất khẩu cả năm 2024 sẽ vượt trên 44 tỷ USD. Việc hình thành trung tâm nguyên phụ liệu với ngành dệt may là vấn đề cần xúc tiến sớm để doanh nghiệp tự chủ nguyên liệu, dù đây không phải mới.

Theo ông Trương Văn Cẩm, thời gian qua, các doanh nghiệp trong ngành đã xúc tiến lập các trung tâm nguyên phụ liệu. Năm 2004, Vinatex đã gửi đề xuất với Bộ Công Thương về việc xây dựng 2 trung tâm, nhưng chưa thành hiện thực. Công ty May Sài Gòn 2 cũng từng dành hẳn 1 xưởng để làm trung tâm nguyên phụ liệu, nhưng sau vài tháng phải đóng cửa do không hiệu quả.

“Các trung tâm đó không thành công là do sự vào cuộc không đồng bộ của các bộ ngành, địa phương. Cùng với đó, việc sản xuất nguyên phụ liệu, đặc biệt là vải của ngành dệt may còn rất yếu. Việc sản xuất vải đưa vào trung tâm để trưng bày chưa thực hiện được, do vải không có, doanh nghiệp cũng ít quan tâm.... Những điều này dẫn tới tỷ lệ gia công cao, vả khách hàng "khắc phục" bằng cách chọn phương án là chỉ định lấy nguồn nguyên phụ liệu ở nước ngoài khi đặt hàng. Đây là vấn đề khiến các trung tâm nguyên phụ liệu chưa thành công”, ông Cẩm phân tích.

Từ kinh nghiệm triển khai của một số nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, ông Cẩm kiến nghị cơ quan chức năng cần hỗ trợ các doanh nghiệp về cơ chế chính sách, nguồn lực, đất đai, qua đó giúp các doanh nghiệp ổn định đầu tư, chuyển giao công nghệ, cũng như đẩy mạnh việc giao dịch giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước để hỗ trợ các trung tâm nguyên phụ liệu phát triển.

"Hàn Quốc có trung tâm thời trang do Nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí. Tương tự, Đài Loan (Trung Quốc) cũng có trung tâm thời trang được Nhà nước hỗ trợ về thiết kế. Trung Quốc thì có những trung tâm nguyên phụ liệu rất lớn, do đây dệt may là thế mạnh của họ. Việt Nam cũng cần có cơ chế về cấp đất đai, cùng với việc Nhà nước hỗ trợ kinh phí từ nhà nước và làm rõ cơ chế cho trung tâm hoạt động”, ông Cẩm nói.

Giải bài toán tự chủ cung ứng nguyên, phụ liệu

Theo ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, dù kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may - da giầy chiếm tỷ lệ cao trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước, nhưng giá trị đóng góp của các doanh nghiệp trong nước vẫn còn hạn chế. Hơn 60% giá trị xuất khẩu dệt may thuộc doanh nghiệp FDI, dù số DN FDI chỉ chiếm 24% số lượng doanh nghiệp cả ngành. Với ngành da giầy, doanh nghiệp FDI chiếm gần 80% về kim ngạch xuất khẩu, dù cũng chỉ chiếm gần 30% về số lượng doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, ngành dệt may - da giầy Việt Nam vẫn tập trung ở khâu gia công, tạo giá trị gia tăng thấp. Nguồn nguyên, vật liệu và phụ kiện chủ yếu nhập khẩu từ thị trường ngoài nước (Trung Quốc, Hàn Quốc, các nước ASEAN khác).

Việc phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu có thể gây ảnh hưởng lớn tới tình hình phát triển chung của toàn ngành thời gian tới, khi nhiều quốc gia trên thế giới (Hoa Kỳ, EU) hướng tới mục tiêu Net Zero 2050 đang đặt ra các quy định khắt khe về kiểm soát nguồn cung, bắt buộc sản phẩm đáp ứng tỷ lệ xuất xứ nội khối cao.

“Hiện nay để mặt hàng dệt may - da giầy tận dụng lợi thế về miễn giảm thuế nhập khẩu vào các thị trường Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại tự do (như EVFTA). Việc phát triển nguồn nguyên phụ liệu ngành dệt may - da giày rất cần thiết”, ông Phạm Tuấn Anh cho hay.

Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Phạm Tuấn Anh cho biết, việc xây dựng Trung tâm phát triển nguyên, phụ liệu ngành thời trang là phù hợp với định hướng phát triển nguồn cung nguyên, phụ liệu ngành dệt may, da giày. Dự kiến, Trung tâm sẽ được xây dựng từ nguồn vốn xã hội hóa, tập trung quy tụ các nhà cung ứng sản phẩm nguyên, phụ liệu phục vụ sản xuất dệt may, da giày trong nước và nước ngoài… Cục Công nghiệp đã làm việc với hai hiệp hội và cho ý kiến về việc hoàn chỉnh chi tiết Đề án thành lập Trung tâm như việc thống nhất tên gọi, vị trí, quy mô, hình thức, nguồn vốn, đánh giá tác động…

Để tiếp tục phát triển ngành trong giai đoạn sắp tới, đại diện Bộ Công Thương cho rằng, cần có những giải pháp đột phá để nâng cấp chuỗi giá trị ngành nhằm tạo ra những lợi ích lâu dài và bền vững hơn. Để làm được điều đó, không có cách nào khác là cần phải thúc đẩy phát triển hoạt động của thị trường cung ứng nguyên phụ liệu theo hướng quy mô, chuẩn hóa và minh bạch, có như vậy mới giúp các doanh nghiệp trong ngành đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ đổi mới sáng tạo và nâng cao tính năng động, hiệu quả, có cơ hội vươn lên tham gia mạnh mẽ hơn vào chuỗi cung ứng của ngành.

Bài, ảnh: Thu Trang/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/can-co-che-ho-tro-de-doanh-nghiep-da-giay-det-may-tu-chu-nguyen-phu-lieu-20241003161722301.htm