Cần cuộc thay đổi lớn cho nghề nuôi

Đó là đề xuất của ông Võ Văn Phục - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam tại Hội nghị toàn thể hội viên và kỷ niệm 25 năm thành lập Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) diễn ra vào ngày 12/6, tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo ông Phục, ngành tôm Việt Nam hiện đang gặp khó khăn cả về thị trường lẫn áp lực cạnh tranh. Trong đó, 2 thách thức lớn mà ngành tôm Việt Nam đang phải đối mặt: thứ nhất là, nền kinh tế đang co lại do ảnh hưởng của lạm phát khiến cho sức tiêu thụ giảm và thứ hai là, cạnh tranh giữa các quốc gia ngày càng gay gắt, mà cụ thể là nguồn cung tôm giá rẻ hơn từ Ấn Độ, Ecuador và Indonesia. Ông Phục chia sẻ: “Cuộc khủng hoảng trên thế giới chưa biết bao giờ sẽ dừng lại. Do đó, thị trường tiêu thụ sẽ khó khăn, cộng thêm thách thức chiến lược về nguồn cung tôm giá rẻ, trong khi cung vượt cầu làm cho giá tôm thành phẩm xuống thấp, thậm chí còn thấp hơn giá nguyên liệu. Cho nên, người nuôi tôm bị thua lỗ và co lại, ảnh hưởng tới quy mô ngành tôm”.

Các doanh nghiệp ngành tôm Sóc Trăng đã có sự đầu tư khá mạnh vào vùng nuôi để chủ động nguyên liệu có giá thành cạnh tranh và truy xuất nguồn gốc. Ảnh: TÍCH CHU

Các doanh nghiệp ngành tôm Sóc Trăng đã có sự đầu tư khá mạnh vào vùng nuôi để chủ động nguyên liệu có giá thành cạnh tranh và truy xuất nguồn gốc. Ảnh: TÍCH CHU

Bên cạnh đó, liên quan đến chi phí đầu vào, theo ông Phục, ta cần có cuộc cách mạng trong lĩnh vực nuôi. Mà người đứng đầu cuộc cách mạng chính là những chủ doanh nghiệp tôm. “Vì chính những người này mới có đủ nguồn lực như là về nhân lực, tài lực và khoa học công nghệ để có thể làm nên một cuộc cách mạng giảm giá thành, tăng năng suất. Tuy nhiên, vai trò của các doanh nghiệp đầu tàu trong ngành nuôi tôm chưa thực sự rõ ràng. Các doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà với việc đầu tư nuôi tôm” - ông Phục nhấn mạnh. Ông Phục cũng cho rằng, nếu doanh nghiệp sử dụng nguồn tôm nguyên liệu nhập khẩu từ bên ngoài sẽ vô hình chung khuyến khích đối thủ phát triển ngành nuôi tôm, đồng thời sẽ làm mai một ngành nuôi tôm trong nước và ảnh hưởng tới giá tôm trong nước, không khuyến khích được nghề nuôi tôm phát triển.

Do đó, theo ông Phục, trong thời gian tới, doanh nghiệp cần thay đổi suy nghĩ để làm sao có được sự đầu tư mạnh mẽ vào vùng nuôi. Ông Phục minh chứng thêm: “Đây là tiền đề để giải quyết được thách thức về mặt giá thành nguyên liệu. Đồng thời, chứng minh cho người mua là các doanh nghiệp Việt Nam làm ăn chân chính, nghiêm túc, vùng nuôi có chứng nhận, có truy xuất nguồn gốc, xuất xứ”. Bên cạnh đó, ông Phục còn cho rằng, Nhà nước có vai trò lớn trong chiến lược phát triển ngành tôm, như: cần quy hoạch cơ sở hạ tầng thuận lợi cho vùng nuôi (đường sá, kênh thủy lợi, tích tụ ruộng đất, các cơ sở hạ tầng khác) và có các chính sách hỗ trợ nông dân để tránh mai một nghề nuôi. Còn ông Trần Văn Phẩm - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thủy sản Sóc Trăng (Stapimex) thì cho rằng, về lâu dài, chúng ta muốn thắng được Ấn Độ và Ecuador, chúng ta cần tập trung ngay vào ngành nuôi từ bây giờ bằng dự án hoặc chiến lược giảm giá thành và ổn định chất lượng.

Nhận định thêm về tình hình thị trường tôm thời gian tới, theo ông Phục, nhìn chung, ngành nuôi và chế biến xuất khẩu tôm đang khó, trước mắt chưa có gì sáng sủa khi mà chiến sự Nga - Ukraine và chiến tranh thương mại Trung Quốc và Mỹ chưa có hồi kết. Nhưng các doanh nghiệp tôm có quyết tâm và sự linh hoạt sẽ nỗ lực để vượt qua giai đoạn này. Đứng trước thách thức này, theo ông Phục, với lợi thế ngành sản xuất tôm giá trị gia tăng, doanh nghiệp tôm Việt Nam có thể tiếp tục phát huy để duy trì doanh nghiệp và giữ thị trường. Ông Phục khẳng định: “Mặc dù, cuộc khủng hoảng toàn cầu vẫn đang diễn ra, nhưng nhu cầu đối với hàng giá trị gia tăng vẫn rất lớn. Trong khi đó, Việt Nam lại có kinh nghiệm trong nhiều năm về thị trường, về khách hàng, về sản phẩm, quản lý sản xuất… Về mặt này Việt Nam hơn hẳn các nước như Ấn Độ hay Indonesia. Do đó, nếu chúng ta làm tốt và cố gắng duy trì qua giai đoạn này thì chúng ta sẽ có cơ hội phát triển mạnh hơn”.

Còn theo ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta, từ quý III việc tiêu thụ tôm của chúng ta sẽ khởi sắc hơn, bởi sẽ vào giai đoạn tiêu thụ cao điểm như mùa hè ở EU, Bắc Mỹ; lễ, Tết ở Nhật Bản và sau đó là tập kết hàng cho đợt tiêu thụ cuối năm. Ông Lực cho biết: “Tôm chế biến sâu vẫn có nhu cầu nhất định từ khúc thị phần người trung lưu và đó là thế mạnh của ngành tôm chúng ta. Nhưng không có gì mãi bất biến. Về lâu dài, các nước đối thủ chắc chắn sẽ nỗ lực nâng cao trình độ chế biến của họ nhằm tấn công khúc thị phần tôm cao cấp của ta”. Do đó, theo ông Lực, ngành tôm chỉ có con đường làm sao giảm giá thành, tập trung giảm giá thành tôm nuôi, đồng thời các doanh nghiệp tôm nỗ lực tạo ra sản phẩm mới thu hút người tiêu dùng và tập trung thực thi bộ tiêu chí ESG (môi trường - xã hội - quản trị) để tăng tính thuyết phục đối với các hệ thống phân phối cao cấp nhằm có được những đơn hàng lớn và dài hạn.

TÍCH CHU

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/kinh-te/can-cuoc-thay-doi-lon-cho-nghe-nuoi-65886.html