Cần điểm tựa 'dài hơi' giúp người dân Lào Cai tái thiết cuộc sống

Để giúp người dân Lào Cai nói riêng và các tỉnh/thành miền Bắc nói chung vượt qua những tổn thất nặng nề sau thiên tai, có lẽ cần những sự hỗ trợ, những 'điểm tựa dài hơi' hơn để người dân có thể vững tâm tái thiết cuộc sống mới.

Là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của cơn bão số 3 và hoàn lưu sau bão, người dân Lào Cai đã và đang phải gánh chịu nhiều đau thương, mất mát. Nhưng chính trong giây phút họa nạn ấy, truyền thống "Lá lành đùm lá rách" của dân tộc lại tỏa sáng hơn bao giờ hết, là điểm tựa để giúp đồng bào vượt qua mọi khó khăn.

Những ngày qua, đã có hàng trăm chuyến xe ngày đêm vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu, hàng triệu lời nhắn gửi sẻ chia, động viên của đồng bào cả nước gửi đến người dân và cấp ủy, chính quyền tỉnh Lào Cai.

Tại khắp các địa phương trong tỉnh như Làng Nủ (Bảo Yên), Nậm Tông (Bắc Hà) hay các huyện Bát Xát, Si Ma Cai, Sa Pa, Văn Bàn…, người dân bị thiệt hại do mưa lũ, sạt lở đất đã cảm thấy vững tâm, ấm lòng hơn khi nhận được rất nhiều tình cảm, sự yêu thương, quan tâm và sẻ chia cả về tinh thần và vật chất của đồng bào cả nước, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Giai đoạn cao điểm mưa lũ do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3 đã tạm qua, nỗi đau mất mát của người dân cũng tạm lắng để nhường chỗ cho việc mưu sinh, ổn định, tái thiết cuộc sống mới. Tại nhiều địa phương của tỉnh Lào Cai, bên cạnh nỗ lực tìm kiếm các trường hợp người còn mất tích thì cùng với sự chung tay góp của các tổ chức, cá nhân, người dân cũng khẩn trương bắt tay vào việc dựng lại nhà cửa bị đổ nát, dọn dẹp ruộng vườn, bàn tính công việc làm ăn sau mưa lũ.

Theo báo cáo nhanh của cơ quan chuyên môn, ngày 7 - 16/9, cơn bão số 3 và ảnh hưởng của hoàn lưu sau bão trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã làm 235 người chết, mất tích, bị thương; hơn 10.000 nhà ở bị ngập nước, sạt lở, lũ cuốn trôi; hơn 5.140 ha diện tích ruộng lúa, lúa, ngô, hoa màu, cây trồng bị thiệt hại… Sơ bộ ước thiệt hại gần 7 nghìn tỷ đồng.

Để có thể sớm vượt qua mất mát, đau thương, thiệt hại do thiên tai và sớm ổn định, tái thiết cuộc sống, bên cạnh sự nỗ lực, cố gắng của bản thân, gia đình và sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, người dân Lào Cai cũng đang rất cần sự chung tay và mong muốn tiếp tục nhận được sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, mạnh thường quân, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên khắp mọi miền Tổ quốc, kiều bào ta ở nước ngoài.

Sự quan tâm sẻ chia, giúp đỡ ở giai đoạn tái thiết cuộc sống không giống như thời điểm cứu nạn khẩn cấp. Ở thời điểm khẩn cấp, trong điều kiện mất người thân, mất nhà cửa, không có điện nước, không có liên lạc, giao thông chia cắt…, người dân cần những nhu yếu phẩm thiết yếu có thể sử dụng ngay như mì tôm, lương khô, nước uống, cơm nắm, bánh mì, sữa hộp… Thời điểm tái thiết cuộc sống mới, những thứ mà bà con cần nhất là đồ dùng gia đình (ti vi, đài FM, màn chống muỗi, xô nhựa, khăn tắm, nến thắp,…), đồ gia dụng (nồi cơm điện, bát, đĩa, xoong chảo,…), dụng cụ vệ sinh cá nhân (bàn chải đánh răng, bột giặt, xà phòng, dầu gội đầu,…), dụng cụ sửa chữa nhà cửa (xẻng, cuốc, kéo, dây thừng,…), phương tiện đi lại (xe máy, xe đạp...), thóc gạo và cả tiền mặt để có thể trang trải cuộc sống.

Sự sẻ chia của các tấm lòng hảo tâm dành cho người dân vùng lũ tỉnh Lào Cai đã và đang tạo động lực lớn để những hộ bị thiệt hại vượt qua khó khăn ban đầu, sớm ổn định tình hình và bắt tay tái thiết cuộc sống. Để hoạt động này càng trở nên ý nghĩa hơn thì công tác cứu trợ, từ thiện rất cần thiết, phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền các cấp và các nhà hảo tâm.

Mặt khác, các nhà hảo tâm cũng cần có sự tin tưởng và phối hợp chặt chẽ với MTTQ các cấp trên địa bàn để công tác thiện nguyện đến đúng địa chỉ và đúng nhu cầu của người dân. Có như vậy nguồn lực mới được phát huy hiệu quả, không bị lãng phí và tránh được những hiện tượng, sự việc không hay, không tốt.

Một trong 6 “điểm tựa” mà người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã xúc động chia sẻ, đó là truyền thống lịch sử văn hóa hào hùng, văn minh văn hiến, tinh thần tương thân tương ái, thương người như thể thương thân, lá lành đùm lá rách, lá rách đùm lá rách hơn của người dân Việt Nam.

Với truyền thống và “điểm tựa” vững chắc này, chúng ta có niềm tin người dân Lào Cai cũng như các địa phương chịu thiệt hại do bão lũ sẽ sớm vượt qua đau thương, mất mát để xây dựng cuộc sống mới tươi đẹp, ấm no, hạnh phúc; để những "vết thương" của núi rừng do thiên tai gây ra sẽ sớm được phủ xanh - màu xanh của cỏ cây, của hi vọng.

Nguyễn Hải - Nam Trung

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/can-diem-tua-dai-hoi-giup-nguoi-dan-lao-cai-tai-thiet-cuoc-song-moi-post525948.html