Cần định hướng mô hình phố ẩm thực

Ở TPHCM, dù có rất nhiều con đường nổi tiếng với thức ăn đường phố, nhưng lại có ít con đường chính thức được gắn tên 'Phố ẩm thực'. Có phố thì đìu hiu, có phố lại quá náo động khiến cư dân sống gần đó phải than thở. Có thể thấy, đã đến lúc mô hình này cần được đánh giá lại và tìm hướng phát triển hài hòa nhất.

Hợp thức hóa chiếm dụng vỉa hè?

Cuối tháng 3-2018, UBND quận 4 khai trương Phố ẩm thực Vĩnh Khánh trên đường Vĩnh Khánh, thuộc 3 phường (8, 9 và 10) với mục tiêu phát triển sản phẩm du lịch, thu hút du khách, quảng bá những món ngon đậm bản sắc dân tộc. Ngày khai trương, lãnh đạo quận cho biết, phố ẩm thực sẽ giúp tuyến đường kinh doanh ăn uống vốn nhộn nhịp này dần trở nên chuyên nghiệp, đạt chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, giá cả hợp lý, đảm bảo an ninh trật tự, mỹ quan đô thị.

Định hướng là thế nhưng tới nay, sau gần 2 năm đi vào hoạt động, Phố ẩm thực Vĩnh Khánh ngày càng bát nháo, gây mất an toàn giao thông cũng như trật tự, mỹ quan đô thị. Ghi nhận của phóng viên Báo SGGP trong các buổi tối 4, 5 và 6-1, hầu hết các quán ốc, quán lẩu, quán nhậu... trên trục đường Vĩnh Khánh trong phố ẩm thực đều bày biện bàn ghế tràn ra chiếm hết phần vỉa hè để khách ngồi ăn uống.

Phố ẩm thực trên đường số 10 (phường 13, quận 6) vỉa hè rộng chừng 6-8m, nhưng người đi bộ vẫn phải đi dưới lòng đường. Ảnh: KHÁNH CHÂU

Phố ẩm thực trên đường số 10 (phường 13, quận 6) vỉa hè rộng chừng 6-8m, nhưng người đi bộ vẫn phải đi dưới lòng đường. Ảnh: KHÁNH CHÂU

Tại trước nhiều quán, xe máy của khách được nhân viên dựng hết dưới lòng đường. Trên đoạn đường Vĩnh Khánh dài hơn 1km có rất nhiều quán bày lò nướng với than đỏ rực ở phía trước, chiếm hết vỉa hè. Những bọc rác với cơ man vỏ sò, vỏ ốc, vỏ tôm, cua… cũng được các quán chất thành đống ngay dưới lòng đường.

Nhiều người dân đi qua đoạn đường này, ngoài ngao ngán bởi khói cay mắt của các lò nướng hải sản có tẩm ớt, tiếng ồn ào của thực khách, còn có mùi hôi bốc lên từ các bọc rác.

“Suốt đoạn đường Vĩnh Khánh, vỉa hè bị các quán trưng dụng hết để bày bàn ghế, quầy hải sản, lò nướng… không còn chỗ nào dành cho người đi bộ. Trước đây đã bát nháo, mất vệ sinh, cứ nghĩ khi trở thành phố ẩm thực thì nơi này sẽ khang trang, sạch đẹp và trật tự hơn, nhưng đến nay vẫn đâu vào đấy. Từ lúc được gắn “mác” phố ẩm thực thì nơi này như đang được hợp thức hóa để công khai ăn nhậu và chiếm dụng đường sá. Tôi đang thắc mắc vai trò của chính quyền ở đâu khi cấp phép cho nơi này hoạt động xô bồ như vậy?”, anh Trần Công Nhật (ngụ phường 10, quận 4) bức xúc.

Tại Phố ẩm thực ở đường số 10, phường 13, quận 6, việc bán buôn không quá ồn ào do khu vực này chỉ kéo dài chừng 300m và số lượng quán nhậu không quá nhiều so với các quán bán đồ ăn đường phố bình dân, quán cà phê. Nhưng tình trạng lấn chiếm toàn bộ vỉa hè khá phổ biến, có nơi còn tổ chức giữ xe ngay dưới lòng đường. Dù vỉa hè rộng 6 - 8m, nhưng nhiều đoạn khách bộ hành vẫn phải đi xuống lòng đường.

Tìm hướng phát triển hài hòa

Theo bà Nguyễn Lê Kim Phượng, Phó Chủ tịch UBND phường 8, quận 4, khi phố ẩm thực đi vào hoạt động, quận có thành lập ban quản lý, chốt điều hành, bãi giữ xe và ban hành quy chế hoạt động. Tuy nhiên, sau một năm, do thiếu kinh phí nên chốt điều hành và bãi giữ xe không còn hoạt động. Từ đó đến nay, các hàng quán lại lấn chiếm vỉa hè, lòng đường.

“Chúng tôi cũng đã xử phạt nhiều trường hợp, nhưng phạt xong thì các hộ buôn bán lại vi phạm. Thời gian tới, ngoài tăng cường kiểm tra, nhắc nhở, xử phạt, chúng tôi cũng sẽ tuyên truyền về bộ quy tắc ứng xử văn hóa để từng bước nâng cao ý thức của người kinh doanh”, bà Kim Phượng cho biết. Ngoài ra, do phố ẩm thực nằm trên địa bàn 3 phường nên công tác kiểm tra xử lý cũng còn gặp nhiều khó khăn.

Tháng 8-2017, quận 1 khai trương hai khu ẩm thực ở đường Nguyễn Văn Chiêm và Công viên Bách Tùng Diệp. Những hộ được tập trung về đây buôn bán thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo của quận 1, trước đây buôn bán hàng rong trên các vỉa hè ở khu trung tâm. Việc mở hai khu ẩm thực này vừa nhằm giải quyết bài toán trật tự lòng lề đường vừa góp phần giúp các hộ có thu nhập tốt hơn.

Ông Mạch Quang Yên được sắp xếp bán ở đường Nguyễn Văn Chiêm, quầy 14 ca sáng (từ 6 giờ - 10 giờ 30 hàng ngày), nói vui nhất là những khi Nhà Văn hóa Thanh niên có sự kiện, hai vợ chồng bán luôn tay được cả trăm tô bún bò. Nhưng ông cũng cho biết, có những hôm chẳng may ế ẩm, một số hộ phải mang về nơi cũ để bán cho hết.

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, lãnh đạo quận 1 cho biết đã nắm thông tin một vài hộ không bán ở vị trí được sắp xếp trong khu ẩm thực, mà quay về buôn bán tự do. Tuy nhiên, để tránh lấn chiếm, các phường cố gắng sắp xếp nơi buôn bán gọn gàng, lùi vào bên trong nhà. Vị lãnh đạo này cho biết thêm, các phường cũng từng đề xuất địa điểm để lập phố ẩm thực cho từng phường. Nhưng sau khi khảo sát thì các vị trí không phù hợp về giao thông, mặt bằng…

Là thực khách thường xuyên ở các khu ẩm thực, anh Trần Trung Kiên (ngụ quận 4, TPHCM) cho rằng, một khi các quận đã lập thành phố ẩm thực thì phải đầu tư phát triển có bản sắc, quản lý tốt. “Tôi sang phố ẩm thực ở Bangkok, thấy họ tổ chức rất chuyên nghiệp. Mỗi người bán hàng đều mặc đồng phục, có nơi bỏ rác, có người dọn rác thường xuyên, có nhà vệ sinh công cộng. Họ bán nhiều mặt hàng khác nhau nhưng đều đậm chất ẩm thực đường phố, vậy mới thu hút được du khách. Theo tôi, chính quyền không chỉ giúp quản lý về trật tự ở các khu phố ẩm thực này, mà còn phải đóng vai trò định hướng, phát triển khu đó thành khu ăn nhậu hay khu hàng rong…”, anh Kiên góp ý.

HỒNG HẢI - KHÁNH CHÂU

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/can-dinh-huong-mo-hinh-pho-am-thuc-639323.html