Cần giải pháp quyết liệt để bảo vệ người tham gia giao thông bằng xe máy
Tai nạn giao thông liên quan đến xe máy đã và đang ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân và nền kinh tế của nhiều nước, trong đó có Việt Nam, quốc gia có tỷ lệ sở hữu xe máy trên 1.000 dân lên tới 770 xe.
Hôm nay (4/11), Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các cơ quan liên quan tổ chức đã Hội thảo quốc tế “An toàn giao thông xe máy: Những thách thức và bài học kinh nghiệm". Cuộc hội thảo này diễn ra trong vòng 2 ngày (4 - 5/11) với sự tham gia của các chuyên gia, các nhà quản lý đến từ Việt Nam, Thái Lan, Mexico, Ấn Độ, Ghana...
“Với việc di chuyển tiện lợi, chi phí vận hành rẻ, xe máy đang chứng tỏ được ưu thế so với các phương tiện khác tham gia giao thông tại Việt Nam. Tuy nhiên, tỷ lệ tai nạn giao thông liên quan đến xe máy chiếm khoảng 60% tổng số vụ tai nạn giao thông đường bộ, điều này đòi hỏi phải có những giải pháp quyết liệt và toàn diện hơn để bảo vệ người đi xe máy, giảm thiểu thương vong. Đảm bảo an toàn giao thông xe máy là vấn đề rất nóng bỏng hiện nay, không chỉ ở Việt Nam hay Ấn Độ mà trên toàn cầu”, ông Khuất Việt Hùng, Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải nhận định.
Chia sẻ nhận định trên, ông Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, Việt Nam đang là một quốc gia có tỷ lệ sở hữu và sử dụng xe máy cao. Tính đến thời điểm tháng 9/2024, Việt Nam đã có 77 triệu xe máy đăng ký, đạt tỷ lệ sở hữu xe máy trên 1.000 dân tới 770 xe, thuộc hàng cao nhất thế giới.
Ông Trần Hữu Minh cho biết, trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong việc cải thiện an toàn giao thông, đặc biệt là đối với người đi xe máy như bắt buộc đội mũ bảo hiểm, kiểm soát nồng độ cồn khi điều khiển xe máy, cải thiện hạ tầng giao thông và đẩy mạnh giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân về an toàn giao thông. Tuy nhiên, vẫn còn những khoảng trống về pháp lý và nhận thức của người tham gia giao thông đối với loại phương tiện đường bộ này.
“Hiện nay, nhóm đối tượng 16-18 tuổi có thể điều khiển xe máy dung tích dưới 50cc một cách hợp pháp trong khi nhóm này vẫn thiếu kiến thức và đặc biệt thiếu kỹ năng điều khiển xe. Hiện tượng người dưới 16 tuổi điều khiển các loại xe hai bánh gặp tai nạn giao thông vẫn đang diễn biến phức tạp," ông Minh chỉ ra thực tế.
Bên cạnh đó, nhiều vụ tai nạn giao thông đáng tiếc xảy ra liên quan đến xe máy xuất phát từ những vi phạm những quy tắc giao thông rất cơ bản như không nhường đường, đi sai phần đường, chưa có làn dành riêng cho xe máy, tỷ lệ đội mũ bảo hiểm của trẻ em còn thấp, chưa có quy định xử phạt với trẻ dưới 6 tuổi khi ngồi trên xe máy không đội mũ bảo hiểm…
Theo thiếu tướng Nguyễn Văn Trung, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an, trong thời gian vừa qua, lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc tập trung mở nhiều cao điểm để xử lý. Tuy nhiên, việc xử lý của lực lượng chức năng như “muối bỏ bể”, trong đó nguyên nhân chính là ý thức tham gia giao thông của người điều khiển xe máy chưa được cải thiện như kỳ vọng.
Để giải quyết bài toán trên, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, cho biết Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ vừa được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, có nhiều chính sách mới, trong đó, có quy định trừ điểm giấy phép lái xe thay cho thu hồi giấy phép lái xe có thời hạn.
“Đây là một giải pháp được chúng tôi học hỏi kinh nghiệm của các nước, theo đó mỗi lần trừ điểm là hồi chuông cảnh báo người điều khiển phương tiện, tạo thói quen chấp hành luật giao thông”, thiếu tướng Nguyễn Văn Trung thông tin.
Bên cạnh đó, tới đây lực lượng công an sẽ phối hợp với các cơ sở giáo dục để hướng dẫn kỹ năng lái xe gắn máy an toàn cho các em học sinh. Điều này xuất phát từ thực tế là cả nước có khoảng trên 4 triệu trẻ em, học sinh có độ tuổi từ 16-18 tuổi và các cháu sử dụng xe gắn máy rất phổ biến trong khi chưa được đào tạo kỹ năng tham gia giao thông đầy đủ.