Cần giải pháp tối ưu để hạn chế tình trạng xin rút, xin lùi các dự án luật
Thực tế cho thấy, việc gắn trách nhiệm vào công tác thi đua khen thưởng chỉ là giải pháp có tính chất trước mắt, không phải là giải pháp căn cơ, lâu dài đối với tình trạng xin rút, xin lùi các dự án luật của các bộ, ngành.
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã ký Quyết định số 799/QĐ-TTg phân công cơ quan chủ trì soạn thảo, thời hạn trình các dự án luật được điều chỉnh trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 và các dự án luật thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Trong đó, nhấn mạnh việc hoàn thành Chương trình là một trong những căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ. Liệu đây có phải giải pháp góp phần hạn chế tình trạng xin rút, xin lùi các dự án luật?
Theo Quyết định, cơ quan chủ trì soạn thảo, thời hạn trình 7 dự án luật được điều chỉnh trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 được phân công cho các bộ, cơ quan ngang bộ sau: Bộ Thông tin và Truyền thông trình dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) trước ngày 10.7.2022; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trình dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) trước ngày 10.7.2022; Bộ Quốc phòng trình dự án Luật Phòng thủ dân sự trước ngày 10.7.2022; Bộ Tài nguyên và Môi trường trình dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trước ngày 10.8.2022; Bộ Tài chính trình dự án Luật Giá (sửa đổi) trước ngày 10.8.2022; Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) trước ngày 10.8.2022, trình dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) trước ngày 10.8.2022.
7 dự án luật thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 được phân công cơ quan chủ trì soạn thảo như sau: Bộ Thông tin và Truyền thông trình dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) trước ngày 10.1.2023; Bộ Quốc phòng trình dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự trước ngày 10.1.2023; Bộ Xây dựng trình dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) trước ngày 10.2.2023, trình dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) trước ngày 10.2.2023; Bộ Tài nguyên và Môi trường trình dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) trước ngày 10.2.2023; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trước ngày 10.6.2023; Bộ Nội vụ trình dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi) trước ngày 10.6.2023.
Căn cứ bản phân công, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ chủ trì phải trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng các dự án luật, bảo đảm tiến độ, chất lượng theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; coi việc hoàn thành Chương trình là một trong những căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ.
Cũng tại Quyết định này, Chính phủ giao cho Bộ Tư pháp thẩm định kịp thời, đúng thời hạn và nâng cao chất lượng thẩm định; chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ tăng cường công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện; thống kê các dự án, dự thảo chậm tiến độ, không thực hiện đầy đủ quy trình, thủ tục và đề xuất biện pháp xử lý.
Như vậy, bên cạnh việc phân công nhiệm vụ, Quyết định cũng đưa ra thời hạn trình các dự án, cũng như trách nhiệm của các bộ, ngành. Tuy nhiên, cũng cần phải thấy đây như là "hoạt động thường niên" trong công tác xây dựng pháp luật. Bởi, tình trạng xin rút, xin lùi được nhắc đến trong nhiều năm qua, chưa có giải pháp triệt để. Cứ "đến hẹn lại lên", phân công thì cứ phân công, xin lùi, xin rút... vẫn cứ diễn ra.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực tế này. Bên cạnh áp lực về số lượng; mức độ phức tạp, liên quan đến nhiều bộ, ngành thì vẫn còn câu chuyện muôn năm cũ. Đó là trình độ, số lượng của đội ngũ làm công tác xây dựng pháp luật ở các bộ, ngành cũng như chi phí dành cho công tác này nhiều năm vẫn chưa được cải thiện.
Từ thực tế trên cho thấy, việc gắn trách nhiệm vào công tác thi đua khen thưởng chỉ là giải pháp có tính chất trước mắt, không phải là giải pháp căn cơ, lâu dài. Trong bối cảnh đó, việc giao đầu mối đốc thúc, đưa ra biện pháp xử lý cho Bộ Tư pháp thì quả là áp lực cho ngành này. Bởi, thực tế cho đến thời điểm này, Bộ Tư pháp cũng chưa đưa ra được biện pháp xử lý nào, hay chăng mới chỉ dừng lại ở việc nêu tên các bộ, ngành xin rút, xin lùi.