Cần giải quyết dứt điểm những vướng mắc

Trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã và đang triển khai 2 dự án đường cao tốc, đó là dự án Đường Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và dự án Đường Cao tốc Bắc - Nam phía đông. Chính quyền địa phương và người dân mong muốn sớm giải quyết dứt điểm những tồn tại của dự án cũ, tập trung triển khai dự án mới cao tốc Bắc - Nam phía đông, nhằm góp phần tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của tỉnh.

Yêu cầu hoàn trả đường mượn thi công

Dự án Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, do Tổng Công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư, triển khai thực hiện từ năm 2014, hoàn thành, đưa vào sử dụng năm 2019. Tuy nhiên, hiện vẫn còn rất nhiều tuyến đường mà các nhà thầu mượn của các địa phương để thi công dự án chưa được đầu tư, sửa chữa hoàn trả. Chủ tịch Hội đồng thành viên VEC Trương Việt Đông cho biết, khi thi công đường cao tốc, các nhà thầu của VEC đã mượn của Quảng Ngãi 23 tuyến đường dân sinh để vận chuyển vật liệu, thiết bị, với tổng chiều dài hơn 55,6km, nhưng đến nay mới hoàn trả 15 tuyến, còn lại 8 tuyến. Tuy nhiên, theo phản ánh của các địa phương thì hiện còn 14 tuyến chưa hoàn trả, cụ thể là Bình Sơn 7 tuyến và huyện Tư Nghĩa 7 tuyến.

Nút giao Bình Trị - Dung Quất thi công dở dang nhiều năm qua.

Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Ngô Văn Dụng khẳng định, nhà thầu thi công cao tốc mượn 7 tuyến đường, gồm ĐH.01, ĐH.02, ĐH.05, ĐH.06 và 3 tuyến đường xã thuộc địa bàn xã Bình Trung (Bình Sơn), nhưng đến nay chưa hoàn trả tuyến nào. Đường bị phá nát, đi lại rất khó khăn nên huyện Bình Sơn đã phải sử dụng ngân sách khắc phục tạm thời. Huyện Bình Sơn yêu cầu nhà thầu của VEC (Công ty TNHH Tập đoàn công trình giao thông Giang Tô) hoàn trả khoản kinh phí này, nhưng đến nay nhà thầu vẫn chưa thực hiện. Còn Phó Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa Huỳnh Ngọc Quận cho biết, khi thi công gói thầu A5, Ban Quản lý dự án Đường Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã mượn của huyện 7 tuyến đường, huyện đã yêu cầu hoàn trả nhưng chưa được giải quyết. Năm 2019, để đạt tiêu chí về đích nông thôn mới, huyện đã trích ngân sách nâng cấp 5 tuyến, hiện còn 2 tuyến đường chưa được sửa chữa, hoàn trả.

Khắc phục kênh mương, ruộng bị vùi lấp

Dự án Đường cao tốc Bắc - Nam phía đông, giai đoạn 2021 - 2025 đoạn qua địa bàn tỉnh có tổng chiều dài 60,3km, đi qua các huyện Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức và TX.Đức Phổ, với tổng diện tích đất thu hồi hơn 406ha. Trong đó, TX.Đức Phổ, đường cao tốc đi qua 7 xã, phường, với tổng chiều dài 27,45km; huyện Nghĩa Hành đi qua 6 xã, dài 17,3km; huyện Mộ Đức đi qua 5 xã, dài 10,8km; huyện Tư Nghĩa qua 2 xã, dài 4,7km. Hiện UBND tỉnh đã giao Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh làm đầu mối và đã tiếp nhận bàn giao cọc GPMB của 54,2/60,3km.

Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tịnh Phạm Đông cho biết, hiện còn một số đoạn kênh mương thoát nước đã được VEC chấp thuận đầu tư bổ sung nhưng chưa xây dựng. Mỗi khi mưa lớn, nước không thoát được đã chảy tràn vào nhà, ruộng, vườn của người dân, gây ngập sâu tại nhiều vị trí. Ngoài ra, đoạn hạ lưu cống hộp Km120+662,5, mương thoát nước nhỏ hơn cống nên thoát nước không kịp, tràn qua mương chảy vào ruộng của người dân, gây bồi lấp không sản xuất được.

Ngoài ra, trên địa bàn huyện Bình Sơn có nhiều địa phương bị ảnh hưởng bởi thi công tuyến đường cao tốc. Trên địa bàn xã Bình Chánh, hiện còn hơn 6.000m2 ruộng xứ đồng Bàu Cạn bị tuyến đường cao tốc gây tắc nghẽn hệ thống tiêu nước, dẫn đến bị ngập úng quanh năm, không canh tác được. Còn tại xã Bình Nguyên, có 2 tuyến kênh do thi công cao tốc bị bồi lấp chưa được nạo nét; chưa hoàn trả cầu bản xóm 5, thôn Trì Bình do thi công cao tốc làm thay đổi dòng chảy, gây hư cầu. Tại nút giao Trì Bình - Dung Quất, đất đá từ công trường cao tốc tràn xuống, khiến gần 6ha ruộng các xứ đồng lân cận không sản xuất được, cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn. Tại xã Bình Trung, nhiều tuyến kênh mương bị hư hỏng, khiến nhiều diện tích ở các xứ đồng nhiều năm qua phải bỏ hoang. Còn tại TP.Quảng Ngãi, theo Phó Chủ tịch UBND phường Quảng Phú Lê Đình Từ, hiện có 12 thửa đất thuộc tờ bản đồ số 8, với tổng diện tích khoảng 4.500m2 của 10 hộ dân, quá trình thi công đường cao tốc gây bồi lấp, không thể sản xuất được...

Trả lời về vấn đề này, ông Trương Việt Đông cho biết, từ quý III/2022, VEC sẽ khởi động lại bộ máy, xử lý tất cả các tồn tại, vướng mắc của dự án đối với tỉnh Quảng Ngãi. Tháng 7/2022, VEC sẽ bố trí khoảng 2.000 tỷ đồng để hoàn thành trách nhiệm trả nợ làm đường, chi trả bồi thường, hỗ trợ sản xuất. Riêng nút giao Trì Bình - Dung Quất, khối lượng thi công khoảng 62 tỷ đồng, đầu quý IV/2022 sẽ khởi động lại và hoàn thành sau 12 tháng. Đơn vị này sẽ phối hợp với cơ quan chủ quản là Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, đặc biệt là điều chỉnh tổng mức đầu tư do vượt dự toán, làm cơ sở để bổ sung gần 300 tỷ đồng tiền đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) cho tỉnh.

Quyết liệt triển khai Cao tốc Bắc - Nam phía đông

Quảng Ngãi hiện đang quyết liệt triển khai thực hiện Tiểu dự án bồi thường, GPMB dự án Đường Cao tốc Bắc - Nam phía đông, giai đoạn 2021 - 2025 đoạn qua địa bàn tỉnh. Theo Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh, tất cả các địa phương đã tổ chức họp dân, công khai dự án, cơ chế chính sách, đơn giá bồi thường và hỗ trợ tái định cư (TĐC). Đối với công tác kiểm kê lên phương án bồi thường, huyện Tư Nghĩa đạt 86,3%; Nghĩa Hành đạt 75%, Mộ Đức đạt 83%. Các địa phương này đều cam kết hoàn thành 100% việc kiểm kê trước ngày 30/6/2022. Đối với TX.Đức Phổ, tiến độ triển khai chậm so với yêu cầu, hiện đang phối hợp với các xã, phường kiểm kê ngoài thực địa.

Về tiến độ xây dựng khu TĐC, hiện Quảng Ngãi đã xác định tổng số hộ dân TĐC là 972 hộ (Tư Nghĩa 265 hộ, Nghĩa Hành 306 hộ, Mộ Đức 80 hộ, TX.Đức Phổ 321 hộ). Tổng số khu TĐC phải xây dựng là 23 khu, cụ thể: Tư Nghĩa có 2 khu TĐC, diện tích hơn 31ha; huyện Nghĩa Hành 6 khu TĐC, diện tích gần 51ha; huyện Mộ Đức có 4 khu TĐC, diện tích khoảng 13,2ha và TX.Đức Phổ 11 khu TĐC, với diện tích khoảng 37ha.

Tuy nhiên, theo Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh, hiện nay việc triển khai Tiểu dự án bồi thường, GPMB đường Cao tốc Bắc - Nam phía đông qua địa bàn tỉnh gặp một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, khung chính sách bồi thường, GPMB của dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Công văn số 458/TTg-CN ngày 25/5/2022 có một số nội dung chưa phù hợp với thực tế địa phương, như đơn giá bồi thường đất vùng giáp ranh giữa Quảng Ngãi với Bình Định có sự chênh lệch lớn hơn 30%. Ngoài ra, theo khung chính sách này thì tổng kinh phí bồi thường, GPMB và TĐC của Tiểu dự án bồi thường, GPMB trên địa bàn tỉnh là 2.321 tỷ đồng, bao gồm chi phí bồi thường 714 tỷ đồng, các khoản hỗ trợ 565 tỷ đồng, xây dựng TĐC 654 tỷ đồng, chi phí khác 388 tỷ đồng. Đối chiếu với thực tế thì khung chính sách này thấp hơn nhiều lần, chưa phù hợp, nhất là chi phí xây dựng TĐC quy định trung bình 350 triệu đồng/lô (300m2)...

Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Đỗ Tâm Hiển cho biết, thời gian đến, đơn vị sẽ phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ bồi thường, GPMB dự án Đường Cao tốc Bắc - Nam phía đông, như hoàn thiện phê duyệt kế hoạch và điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất; ký hợp đồng với đơn vị GPMB. Đối với xây dựng các khu TĐC, Ban Quản lý sẽ khảo sát, chuẩn bị thủ tục đầu tư, tổ chức lựa chọn nhà thầu... Để đảm bảo tiến độ, Ban Quản lý kiến nghị UBND tỉnh trình phê duyệt Tiểu dự án bồi thường, GPMB, kiến nghị Ban Quản lý Dự án 2 làm rõ việc tính toán xác định tổng kinh phí bồi thường, GPMB, TĐC trên địa bàn tỉnh, để tạo đồng thuận cao khi triển khai, tránh thiệt thòi cho người dân trong vùng dự án.

Bài, ảnh: THANH NHỊ

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2025/202206/cac-du-an-duong-cao-toc-di-qua-quang-ngai-can-giai-quyet-dut-diem-nhung-vuong-mac-3119417/