Cần hoàn thiện các văn bản quy định về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội

Sáng nay (28/10), tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về Báo cáo của Đoàn Giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.

Tham gia đóng góp ý kiến về Báo cáo của Đoàn Giám sát của Quốc hội, đại biểu Trần Văn Tuấn, Phó trưởng Đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang bày tỏ nhất trí với Báo cáo.

 Đại biểu Trần Văn Tuấn (Đoàn Bắc Giang) thảo luận tại hội trường.

Đại biểu Trần Văn Tuấn (Đoàn Bắc Giang) thảo luận tại hội trường.

Trong giai đoạn 2015 - 2023, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) liên quan đến quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội tiếp tục được hoàn thiện. Quy mô thị trường bất động sản, số lượng và quy mô dự án bất động sản ngày càng tăng với nhiều chủ thể tham gia, đa dạng các loại hình sản phẩm. Cả nước đã có khoảng 800 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với 567.042 căn hộ, góp phần tạo động lực phát triển KT-XH, thực hiện chính sách an sinh xã hội. Bên cạnh kết quả đạt được, qua giám sát cũng chỉ ra nhiều mặt hạn chế, bất cập và nguyên nhân, còn nhiều mục tiêu, chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch đề ra.

Theo đại biểu Trần Văn Tuấn, có một vấn đề vừa là hạn chế, bất cập đồng thời cũng là nguyên nhân của các hạn chế, bất cập, đó là: Việc ban hành, thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội còn nhiều hạn chế. Một số VBQPPL chồng chéo, chưa thống nhất, chưa đồng bộ. Văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật chậm được ban hành, chất lượng chưa cao; một số quy định chưa phù hợp với thực tế, chậm được rà soát, sửa đổi, bổ sung, chưa rõ ràng, dẫn đến không thống nhất trong cách hiểu và lúng túng trong quá trình tổ chức thực hiện.

Những hạn chế, bất cập trên không chỉ là vấn đề trong giai đoạn 2015-2023 mà còn là vấn đề tồn tại, bộc lộ trong nhiều VBQPPL quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số luật mới ban hành. Quốc hội đã ban hành Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Đất đai năm 2024 với nhiều chính sách mới được kỳ vọng sẽ tháo gỡ vướng mắc, tạo thuận lợi đẩy mạnh phát triển thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội. Mặc dù mới được thông qua song tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã ban hành Luật điều chỉnh, bổ sung một số điều của 4 luật, trong đó có 3 luật trên, để cả 3 luật này có hiệu lực thi hành sớm hơn, từ ngày 1/8/2024. Dẫn chứng từ báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy trong thời gian qua, mặc dù Chính phủ và các bộ, ngành đã tập trung mọi nguồn lực để xây dựng, ban hành các quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, đến nay chưa có địa phương nào ban hành đầy đủ VBQPPL theo thẩm quyền.

Đại biểu Trần Văn Tuấn nhận định có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng các địa phương đến nay vẫn chưa ban hành đầy đủ các VBQPPL theo thẩm quyền nhằm quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, kể cả Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, còn lúng túng trong tổ chức thực hiện, trong đó có nguyên nhân do một số VBQPPL của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan ban hành chậm hoặc có nhiều nội dung chưa được quy định chi tiết, hướng dẫn rõ ràng.

Đại biểu nêu dẫn chứng 3 nội dung tại nghị định của Chính phủ và các thông tư của các bộ, ngành liên quan đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về thực hiện quy định chuyển tiếp (tại điểm c, khoản 5, Điều 198, Luật Nhà ở) đối với các trường hợp: (1) Xử lý đối với các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị chưa có quỹ đất đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trong dự án; (2) Trường hợp chuyển tiếp đối với các dự án có quy mô trên 5 ha mà trong đồ án chưa bố trí quỹ đất nhà ở xã hội cho phép đóng tiền tương đương giá trị quỹ đất đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để xây dựng nhà ở xã hội; (3) Việc chuyển tiếp đối với các dự án phát triển nhà ở theo hình thức đầu tư xây dựng hạ tầng tạo quỹ đất đấu giá cho người dân tự xây dựng nhà ở bằng nguồn vốn đầu tư công ngân sách nhà nước.

Từ những nhận định và đánh giá trên, đại biểu đồng tình với đề nghị của Đoàn Giám sát đưa vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội nội dung: Giao Chính phủ thực hiện ngay một số nhiệm vụ và giải pháp, trong đó có nhiệm vụ tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, bảo đảm khắc phục các hạn chế, tồn tại trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và nhà ở xã hội giai đoạn 2015-2023, bao gồm cả các văn bản mới được ban hành được Chính phủ nhận định là đã điều chỉnh các hạn chế, vướng mắc, bảo đảm đầy đủ, khả thi, rõ ràng, hiệu quả. Đây là vấn đề mà các cấp, các ngành ở địa phương và các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân liên quan đang chờ đợi. Đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần khẩn trương và thường xuyên quan tâm.

Xuân Hà

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/can-hoan-thien-cac-van-ban-quy-dinh-ve-quan-ly-thi-truong-bat-dong-san-va-phat-trien-nha-o-xa-hoi-145017.bbg