Cần hướng đến từ khóa 'trao quyền nhiều hơn và kiểm soát ít hơn' cho TP.HCM

Các ý kiến tại buổi tọa đàm góp ý dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017/QH14 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM (NQ54) do Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM phối hợp cùng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM tổ chức hôm 30.3, cho thấy sự quan tâm lớn của giới khoa học.

Băn khoăn về các “đối trọng” để triển khai thành công

Trong phát biểu khai mạc, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh điểm khác biệt khi xây dựng dự thảo nghị quyết mới, thành phố không đặt nặng vấn đề khai thác nguồn thu mà đề nghị thí điểm những cơ chế đột phá, vượt trội để huy động và khai phóng các nguồn lực nhằm phát huy tiềm năng của thành phố cho phát triển.

“Đây là một điểm khác rất cơ bản. Do đó, sẽ có những việc luật chưa có quy định hoặc luật có quy định mà còn chồng chéo nhau khiến không giải quyết các vấn đề thực hiện phát triển của thành phố. Thế thì những chỗ này chúng tôi xin được thí điểm”, Chủ tịch UBND TP.HCM nói.

Trong quá trình xây dựng dự thảo nghị quyết mới, TP.HCM xác định những cơ chế, chính sách đột phá, vượt trội không chỉ cho Thành phố mà còn cho cả nước, đóng góp cho sự phát triển chung. Ví dụ các đề xuất phân cấp phân quyền mạnh mẽ để tạo sự chủ động, giải phóng được năng lượng, nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi cho thành phố giải quyết các vấn đề nhanh hơn, đồng thời, cũng để rút kinh nghiệm cho các địa phương sau này.

Tọa đàm góp ý dự thảo nghị quyết thay thế NQ54 do Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM phối hợp cùng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM tổ chức hôm 30/3. Ảnh: Quốc Ngọc

Tọa đàm góp ý dự thảo nghị quyết thay thế NQ54 do Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM phối hợp cùng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM tổ chức hôm 30/3. Ảnh: Quốc Ngọc

Đóng góp tại tọa đàm, PGS-TS-Phạm Duy Nghĩa (Trường Chính sách công và quản lý Fulbright) cho rằng về tính khả thi, mặt pháp lý và tổ chức thực hiện, quả thật chính quyền thành phố phải làm việc rất lớn với các “đối trọng” để có thể triển khai theo nội dung dự thảo.

“Suy cho cùng, từ 1993-1994, Thủ Thiêm và Phố Đông (Thượng Hải) đều “nổ máy” cùng thời điểm như nhau. Nhưng 30 năm sau, với một nền quản trị của chính quyền có năng lực, với sự sáng tạo của người dân Trung Quốc, họ đã biến đất thành tài sản và giúp cho đất nước của họ đi xa hơn chúng ta rất nhiều lần. Chúng ta ngồi nhìn lại và bắt đầu xin những cái mà họ đã có từ 30 năm trước”, PGS-TS-Phạm Duy Nghĩa so sánh.

Thời điểm đó, Trung Quốc đã ép các tỉnh phải tự lo lấy hạ tầng và họ chỉ có đất đai là nguồn lực. Người dân phải sống dồn nén trong những đô thị và muốn có một chất lượng sống tốt hơn. Như vậy, thành phố phải tổ chức giao thông, cải cách quy hoạch để tư nhân đầu tư và chấp nhận bán quyền phát triển đô thị đó cho các nhà đầu tư. Đó cũng là nền móng là một Chính phủ Trung Hoa kiểu mới thông minh, kiến tạo.

“Do đó, cần thấy bản chất hợp tác công tư là làm sao Nhà nước tạo khuôn khổ, đầu tư mồi, còn tùy tư nhân thực hiện… Như vậy có nghĩa mình không làm hạ tầng riêng, mà làm hạ tầng trong một tư duy sẽ có những lô đất phải có quyền bán quyền phát triển các lô đất đó. Nếu muốn bán, phải kiên quyết bán với giá một lần, thu một lần ổn định chứ không mỗi năm lại thu thì không ai dám đầu tư gì cả. Tư nhân chỉ có thể đầu tư nếu quyền tài sản của họ được chắc chắn”, ông Nghĩa đề nghị.

Để làm được điều trên, Trung Quốc đã tổ chức đấu thầu rất tốt và cạnh tranh dữ dội giữa các công ty tư nhân muốn quyền khai thác lô đất nào đó bên cạnh giá đã ổn định. Tuy nhiên, ông Nghĩa băn khoăn ngay: “Thế thì đây là điều hết sức sáng tạo mà thành phố chúng ta cũng đã đưa vào Điều 4 về quản lý đầu tư của dự thảo lần này, nhưng tôi cũng xin nói luôn, nó sẽ "húc" phải vô tận các rào cản. Ngay trong Luật Đất đai, sẽ đụng vấn đề định giá đất, tổ chức đấu thầu và thu hồi đất cũng như là “bán quyền phát triển”. Khái niệm này không có trong pháp luật Việt Nam… Tất cả những vấn đề này, đề nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội giao các nguồn lực cho thành phố, có đối sách và rà soát vướng đến đâu”.

Trải qua hơn hai thập niên quy hoạch xây dựng nhưng bán đảo Thủ Thiêm vẫn còn ngổn ngang. Ảnh tư liệu: Trọng Dân

Trải qua hơn hai thập niên quy hoạch xây dựng nhưng bán đảo Thủ Thiêm vẫn còn ngổn ngang. Ảnh tư liệu: Trọng Dân

GS-TS Nguyễn Trọng Hoài (Đại học Kinh tế TP.HCM) ủng hộ cách tiếp cận dự thảo nghị quyết về một cơ chế mang tính đột phá, vượt trội như lãnh đạo thành phố đã đề cập. “Trên cơ sở đó, từ khóa mà tôi nghĩ nghị quyết mới nên bao trùm đó là trao quyền nhiều hơn và kiểm soát ít hơn.

Muốn trao quyền nhiều hơn và kiểm soát ít hơn thì lãnh đạo thành phố phải có trách nhiệm hơn và các sở ngành phải có động lực phụng sự công có năng lực hơn. Năng lực là rất quan trọng trong việc triển khai các chính sách mang tính thí điểm đột phá, vượt trội”, GS-TS Nguyễn Trọng Hoài nói.

Cũng theo GS-TS Nguyễn Trọng Hoài, dự thảo có vẻ như trao quyền nhưng vẫn còn nhiều ràng buộc bằng các luật, nghị định, phải thông qua bộ ngành, Quốc hội, Thủ tướng... Cần làm sao đạt được trao quyền nhiều hơn và kiểm soát ít hơn trong khuôn khổ như mô hình “sandbox” tức thí điểm có kiểm soát thì nghị quyết mới hy vọng hiện thực được. Ông nói: “Nếu không sẽ vẫn theo cơ chế cũ của Nghị quyết 54 “đặc thù” như trước đây thì tôi nghĩ cuối cùng năm năm nữa tổng kết thì các con số mà chúng ta đạt được về tài chính hay những thay đổi mang tính vượt trội sẽ khó”.

Cơ hội để cải thiện cấu hình xã hội

Góp ý về thu hút đầu tư, PGS-TS Nguyễn Đức Lộc (Viện Nghiên cứu đời sống xã hội) cho rằng đến giai đoạn này, đòi hỏi TP.HCM phải nâng cấp về cấu hình, tư duy và cơ chế vận hành. Khía cạnh cấu hình phát triển được đề cập nhiều là kinh tế số, sáng tạo số. Tuy nhiên, ông thấy các nội dung liên quan đến giáo dục - đào tạo và phát triển nguồn nhân lực còn rất mờ nhạt trong dự thảo.

“Vấn đề hiện nay là chất lượng nhân lực, cũng như sự gắn bó của nhân lực đối với thành phố hay doanh nghiệp. Chúng ta hay nói rằng nhân lực là tài nguyên của thành phố, của doanh nghiệp, nhưng lúc khó khăn nhất, thì tài nguyên đấy bị thanh lý đầu tiên, người lao động mất việc”, ông nêu.

Dòng người đổ về các tỉnh miền Tây tránh dịch vào đầu tháng 10 năm ngoái. Ảnh: Vietnamnet

Dòng người đổ về các tỉnh miền Tây tránh dịch vào đầu tháng 10 năm ngoái. Ảnh: Vietnamnet

PGS-TS Nguyễn Đức Lộc đề nghị trong quản lý đầu tư, dự thảo nên có yêu cầu nhà đầu tư cam kết bằng văn bản về việc thực hiện trách nhiệm xã hội vượt bậc phù hợp với các tiêu chuẩn việc làm bền vững. Về trách nhiệm xã hội, chúng ta đã quy định tương đối cơ bản, chính vì vậy doanh nghiệp ở Việt Nam cũng chỉ thực hiện theo đúng các quy định. Còn lại những điều gọi là vượt trội để đảm bảo người lao động an tâm làm việc và xây dựng các hạ tầng phúc lợi dường như còn rất ít.

“Quan sát người lao động trong thời gian qua, (tôi thấy) rất là tội, bởi vì chúng ta không có quy trình ràng buộc doanh nghiệp nên họ chỉ tuân thủ một cách cơ bản. Trong khi đó, những điều kiện theo thông lệ quốc tế họ làm rất qua loa”, PGS-TS Nguyễn Đức Lộc nhận định.

Một vấn đề khác theo PGS-TS Nguyễn Đức Lộc liên quan đến môi trường sống và hạ tầng xã hội, dự thảo có đề cập nhà ở xã hội mà chưa quan tâm đến khía cạnh rộng hơn là hạ tầng xã hội. “Tôi nghĩ rằng các tỉnh hiện nay đang tập trung cải thiện hạ tầng xã hội để thu hút chuyên gia, người lao động. Trong khi đó, vừa rồi tôi tiếp cận số liệu của Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM thì từ năm 2020 đến nay, có 2.400 giáo viên nghỉ việc, có 300 lãnh đạo các cơ sở nghỉ việc vì các lý do không đảm bảo được các nhu cầu về chất lượng sống”, ông cho hay.

Như vậy, TP.HCM cần thấy việc cải tiến đầu tư vào hạ tầng xã hội sẽ là một sức hấp dẫn thu hút đầu tư. Phát triển thành phố không chỉ dừng lại ở cấp độ là nơi có thu nhập cao mà còn là môi trường sống tốt. TP.HCM bao nhiêu năm qua trở thành nơi hấp dẫn người ta kéo tới cũng nằm ở chiều kích đó.

“Tôi cho rằng đây là dịp để chúng ta nâng cấp cấu hình xã hội, cấu hình phát triển. Mọi con đường, mọi đề xuất phải phục vụ cho cấu hình đó”, PGS-TS Nguyễn Đức Lộc đề xuất.

Quốc Ngọc

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/can-huong-den-tu-khoa-trao-quyen-nhieu-hon-va-kiem-soat-it-hon-cho-tp-hcm-38941.html