Cần khắc phục điểm yếu về năng lực chế biến sản phẩm cao su

Nằm trong nhóm nước sản xuất cao su hàng đầu thế giới nhưng Việt Nam lại nhập siêu trong thương mại sản phẩm cao su do năng lực chế biến còn hạn chế.

 Chế biến sâu vẫn là vấn đề nóng đối ngành hàng cao su.

Chế biến sâu vẫn là vấn đề nóng đối ngành hàng cao su.

Kim ngạch xuất khẩu cao su năm 2012 đứng thứ 12 trong số các mặt hàng xuất khẩu và thứ 5 trong nhóm hàng nông, lâm- thủy sản. Cao su tham gia CLB mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên năm 2006 và hiện trong nhóm hàng có kim ngạch 2 tỷ USD trở lên.

Trong giai đoạn 2000 - 2012, kim ngạch xuất khẩu cao su tăng trưởng bình quân 26,8%/năm, cao hơn mức tăng của tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước (18,8%/năm). Ngoài ra, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu cao su trong 12 năm qua gần như liên tục, chỉ ngắt quãng vào năm 2009 (do tác động của khủng hoảng tài chính) và năm 2012 (do suy giảm kinh tế).

Xuất khẩu cao su đạt được kết quả tích cực như vậy là nhờ Việt Nam có lợi thế về phát triển cây cao su. Diện tích cây cao su năm 2012 đạt 910,5 nghìn ha, lớn nhất trong các cây công nghiệp, trên cả cây cà phê (622,1 nghìn ha), cây điều (325,9 nghìn ha)…, chỉ ít hơn diện tích trồng lúa (7.753,2 nghìn ha), ngô (1.118,2 nghìn ha).

Đến năm 2011, diện tích cây cao su cho lấy mủ là 471,9 nghìn ha, sắp tới có thêm diện tích lớn vào thời kỳ cho sản phẩm. Sản lượng cao su (mủ khô) cũng tăng khá, năm 2012 ước đạt 863,6 nghìn tấn, bình quân tăng gần 16,9%/năm.

Nhờ đó, khối lượng cao su xuất khẩu cũng tăng khá: năm 2000 đạt 273 nghìn tấn, năm 2005 đạt 554 nghìn tấn, năm 2010 đạt 779 nghìn tấn, năm 2011 đạt 817 nghìn tấn, năm 2012 ước đạt 1,023 triệu tấn.

So với năm 2000, khối lượng cao su xuất khẩu năm 2012 gấp trên 3,7 lần, bình quân tăng 20,8%/năm. Tốc độ tăng khối lượng thấp hơn kim ngạch (20,8%/năm so với 26,8%/năm) cho thấy, giá xuất khẩu cao su đã tăng rất tích cực. Giá năm 2012 gấp trên 4,6 lần giá năm 2000 (2.796 USD/tấn so với 608 USD/tấn).

Các thị trường xuất khẩu cao su chủ yếu của Việt Nam gồm Trung Quốc (1,327 tỷ USD), Malaysia (564 triệu USD), Ấn Độ (212 triệu USD), Đài Loan (124 triệu USD), Đức (103 triệu USD)…

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả tích cực về xuất khẩu, ngành hàng cao su Việt Nam hiện có một số hạn chế. Cao su Việt Nam hầu hết dành cho xuất khẩu, chiếm đến 90 - 95%, dưới dạng nguyên liệu thô. Sản phẩm chế biến như săm lốp và các sản phẩm khác còn chiếm tỷ trọng nhỏ (5- 10%).

Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm cao su chế biến năm 2011 đạt 393 triệu USD (10,8% kim ngạch xuất khẩu cao su), năm 2012 chỉ có 353 triệu USD (12,3% kim ngạch xuất khẩu cao su). Thực tế này hạn chế giá trị gia tăng của cao su xuất khẩu.

Về giá xuất khẩu, năm 2012 đã chứng kiến sự sụt giảm khá mạnh về giá (giảm 29,4%) so với năm 2011 và 2 tháng đầu năm 2013 tiếp tục giảm 2,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là yếu tố khiến kim ngạch xuất khẩu cao su năm 2012 giảm 11,6% và 2 tháng đầu năm 2013 giảm 2,5%.

Về thị trường, xuất khẩu cao su của Việt Nam quá tập trung vào một vài thị trường, không đảm bảo sự ổn định và bền vững.

Minh Ngọc

Nguồn Chính Phủ: http://baodientu.chinhphu.vn/home/can-khac-phuc-diem-yeu-ve-nang-luc-che-bien-san-pham-cao-su/20133/163451.vgp