Cần ngăn chặn quyết liệt tình trạng vi phạm trong thương mại điện tử
Mặc dù cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp nhưng tình trạng mua bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, thậm chí cả hàng cấm vẫn được mua bán rất tràn lan trên các sàn thương mại điện tử. Chính vì thế việc tăng cường nhiều giải pháp lành mạnh hóa môi trường thương mại điện tử, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật là vô cùng cần thiết.
Bán tràn lan các loại hàng giả, hàng cấm…
Theo số liệu thống kê của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), hiện cả nước có gần 75% người dùng Internet tham gia mua sắm trực tuyến như: quần áo, giày dép, mỹ phẩm. thiết bị đồ dùng gia đình, đồ công nghệ và điện tử, sách… Đây là những loại hàng hóa dịch vụ được người tiêu dùng lựa chọn mua sắm trực tuyến nhiều nhất. Sự phát triển mạnh mẽ này càng khiến phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối tượng vi phạm, tình trạng gian lận thương mại điện tử ngày càng tinh vi.
Kết quả khảo sát của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) với 1.000 người tại mỗi quốc gia khu vực ASEAN cho thấy, có tới 88% người tiêu dùng đã nhìn thấy hàng giả trên thị trường. Bên cạnh đó, có tới 70% người tiêu dùng đã mua phải hàng giả. Đặc biệt, cứ 4 người tiêu dùng lại có một người biết hàng đó không phải là hàng chính hãng.
Qua tìm hiểu của phóng viên, không chỉ trên các trang mạng xã hội diễn ra tình trạng mua bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng mà trên các sàn thương mại điện tử có uy tín như Shopee, Lazada, TikTok… cũng diễn ra tình trạng này.
Người tiêu dùng ngồi bất cứ đâu và đăng nhập vào ứng dụng của Lazada trên điện thoại, nhập từ khóa, ví dụ các mặt hàng xa xỉ của những thương hiệu lớn: Gucci, Chanel, Versace… sẽ có một loạt các cửa hàng hiện ra với các thông tin như thương hiệu, số lượng đã bán, đánh giá sản phẩm. Khi khách hàng ưng ý sản phẩm nào đó chỉ cần chọn, cho vào giỏ hàng và thanh toán. Khi đơn hàng được xác nhận, vài ngày sau sản phẩm “xa xỉ” đến tay người mua với giá chỉ vài chục nghìn đồng.
Giá của một sản phẩm chính hãng là túi xách Luis Vuitton được một shop hàng hiệu tại Hà Nội niêm yết với giá bán khoảng trên 25 triệu đồng, trong khi đó tìm kiếm trên Lazada, một loạt các hàng bán sản phẩm có mẫu mã, kiểu dáng, logo tương tự chỉ với giá hơn, thậm chí dưới 100 nghìn đồng. Tức là rẻ hơn vài trăm lần so với hàng chính hãng. Tuy nhiên, sản phẩm này không hề có nguồn gốc xuất xứ hay thông tin gì về thương hiệu sản phẩm.
Theo tìm hiểu của phóng viên, việc ghi nhãn hiệu đúng quy định của pháp luật, trên tem phải có đầy đủ các thông tin như địa chỉ liên hệ của cơ sở kinh doanh; nguồn gốc xuất xứ; thông số kỹ thuật; thông tin cảnh báo; hướng dẫn sử dụng; bảo quản; năm sản xuất. Ngoài các sản phẩm nhái mẫu mã như nói trên, còn có hàng trăm, hàng ngàn gian hàng bán các sản phẩm như ốp lưng điện thoại, giày dép, dây đeo, phụ kiện trang trí… đang sử dụng logo và tên các thương hiệu nổi tiếng để quảng bá sản phẩm của mình đang được bán hàng ngày trên Lazada.
Các sàn thương mại điện tử không chỉ bán hàng giả, hàng nhái mà còn mua bán cả hàng cấm. Như trước đây, chỉ cần lên ứng dụng Lazada gõ từ khóa “máy phá sóng”, một loạt các từ gợi ý như “máy phá sóng 8 râu”, “máy phá sóng wifi”, “máy phá sóng di động”… sẽ cho ra một loạt những gian hàng bày bán công khai các sản phẩm này. Có loại được bán chỉ với giá gần 200 ngàn đồng cho đến thiết bị có 8 râu được quảng cáo là phá sóng trong bán kính 20m có giá 3 triệu đồng.
Tuy nhiên, hiện nay Lazada đã đổi thành các cụm từ khóa khác như: “thiết bị gây nhiễu”, “thiết bị phá sóng karaoke" dù vẫn là từ khóa để tìm kiếm các loại hàng hóa trên. Hầu hết các sản phẩm này đều không nhãn mác, thương hiệu, bảo hành, chỉ được quảng cáo là xuất xứ từ Trung Quốc.
Một gian hàng quảng cáo thiết bị gây nhiễu bluetooth và wifi di động 808HD (Vùng phủ sóng: 5 ~ 15M) có giá 537 ngàn đồng, đã được giảm trừ 50% khuyến mãi. Theo quảng cáo của gian hàng này, thiết bị được sử dụng để chặn việc vận chuyển wifi, bluetooth, video không dây, không ảnh hưởng đến máy điện tử khác và cơ thể con người. Qua tìm hiểu được biết, các loại máy phá sóng này xuất hiện trên thị trường nhiều năm nay và được bán nhiều trên các sàn TMĐT như Lazada một cách công khai. Nhiều người thường mua về sử dụng để phá sóng hoặc gây nhiễu sóng của các loại loa, mic hát karaoke do muốn được yên tĩnh.
Tuy nhiên, sự nguy hiểm của loại máy này khi được dùng vào mục đích bất hợp pháp cũng đã được nhiều chuyên gia cảnh báo. Các loại máy phá sóng có thể khiến các thiết bị chuyên dụng ghi lại hành trình như hộp đen, định vị GPS của xe hay camera quan sát dùng wifi bị gián đoạn.
Theo Khoản 7, Điều 13 Nghị định 96/2014/NĐ-CP về điều kiện an ninh, trật tự kinh doanh các thiết bị gây nhiễu, phá sóng thông tin di động thì chỉ cơ sở thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an mới được kinh doanh thiết bị gây nhiễu, phá sóng thông tin di động.
Thế nhưng rất nhiều người vẫn có thể tìm mua các thiết bị này trên các sàn thương mại điện tử. Hành vi này đã vi phạm Nghị định 96/2014/NĐ-CP, trừ khi có giấy phép của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an. Tùy theo mức độ và hành vi, người vi phạm có thể bị phạt từ 2 đến 50 triệu đồng. Ngoài ra, những thiết bị vi phạm sẽ bị tịch thu.
Mới đây, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai thông tin, một bệnh nhân đã gặp biến chứng nặng khi sử dụng sản phẩm Detox hỗ trợ giảm cân mua trên mạng xã hội. Theo kết quả phân tích của Viện Pháp y quốc gia sản phẩm nêu trên có chứa Sibutramin là chất cấm sử dụng trong thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Qua tra cứu dữ liệu, Cục An toàn thực phẩm chưa cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm cho sản phẩm Detox Táo.
Mặc dù đây là sản phẩm chứa chất cấm, gây hại sức khỏe cho người sử dụng nhưng sản phẩm Detox Táo này vẫn được bày bán trên sàn thương mại điện tử, cụ thể là Lazada. Cụ thể, tại “Shop sỉ mỹ phẩm Trần Hưởng” trên Lazada, cơ sở này đang giới thiệu sản phẩm Detox Táo xổ mỡ nhờ đêm, giảm mỡ vùng bụng hỗ trợ giảm cân siết eo. Cũng tại Lazada, một shop khác có tên “Ret1zF2m” đang giới thiệu Detox Táo thảo dược - giảm mỡ bụng. Theo lời giới thiệu của cơ sở này, người tiêu dùng “chỉ cần 1 viên trước khi đi ngủ, sau 2 tuần bụng sẽ xẹp lép”.
Vào ngày 18/1/2022, Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế nhận được báo cáo của Viện Pasteur Nha Trang và Ban Quản lý an toàn thực phẩm tỉnh Bắc Ninh về kết quả kiểm nghiệm mẫu giám sát phát hiện sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Viên uống giảm cân Seven Days (lô sản xuất 20201109) và Diamond Power Slim (lô sản xuất 001) có chứa chất cấm Sibutramine.
Cục An toàn thực phẩm đã ra cảnh báo người dân, không mua và sử dụng sản phẩm có thông tin và hình ảnh, nếu phát hiện sản phẩm này lưu hành đề nghị thông báo cho cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật.
Mặc dù có những cảnh báo của cơ quan chức năng nhưng trong một thời gian dài, trên rất nhiều nền tảng mạng xã hội, các TPCN chứa chất cấm Sibutramine vẫn được quảng cáo với công dụng “giảm cân cấp tốc”, “giảm cân mà không cần ăn kiêng”. Đặc biệt hơn, trên các sàn TMĐT các sản phẩm này vẫn được bày bán công khai và quảng cáo vô tội vạ. Điển hình trên sàn TMĐT Shopee cũng bày bán rất công khai, chỉ cần gõ từ khóa “thực phẩm giảm cân cấp tốc” là cho ra hàng trăm loại TPCN giảm cân.
Những sản phẩm được chào bán trên Shopee có số lô hàng trùng khớp với cảnh báo của Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế. Thậm chí có gian hàng bán đủ cả 3 loại TPCN giảm cân nói trên nhưng là hàng được sản xuất trước các lô hàng có chứa chất cấm Sibutramine.
Siết chặt cấp phép cho các sàn TMĐT
Có thể thấy vấn nạn hàng giả, hàng nhái đang xuất hiện rất nhiều trên các sàn thương mại điện tử hiện nay. Số vụ vi phạm không ngừng gia tăng, tính chất và diễn biến phức tạp. Không chỉ hàng hóa tiêu dùng thông thường mà nguy hiểm hơn, nhiều thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thuốc chữa bệnh,… cũng bị làm giả với số lượng lớn để kinh doanh online, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng.
Với số lượng người mua và bán khổng lồ, các sàn thương mại điện tử đang trong tình trạng mất kiểm soát về chất lượng, uy tín. Điều này không chỉ gây thiệt hại cho người mua mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của người bán và nhãn hàng. Ngoài ra, các cơ quan chức năng thường xuyên nhận phản ánh của các đơn vị sở hữu thương hiệu lớn về tình trạng hàng giả, hàng nhái thương hiệu của họ bày bán công khai trên các sàn thương mại điện tử lớn như: Lazada, Shopee, TikTok.
Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường Nguyễn Đức Lê cho biết: Việc điều tra, phát hiện vi phạm trên nền tảng thương mại điện tử gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế do đối tượng vi phạm thường giới thiệu trên website thương mại điện tử là mẫu hàng chính hãng. Nhưng khi giao hàng thì giao hàng giả hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm chất lượng. Việc truy xuất, lưu trữ các giao dịch thương mại điện tử, hàng hóa giao dịch còn gặp nhiều khó khăn.
Theo các chuyên gia, chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ trên môi trường mạng, thương mại điện tử là vấn đề quan trọng, cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Do vậy, để phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả các hành vi vi phạm trên thương mại điện tử phải coi mạng xã hội, sàn thương mại điện tử là một trận địa, không gian ảo cũng như đời thật để chủ động đấu tranh, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm.
Trước mắt, cơ quan chức năng phải siết chặt hoạt động cấp phép cho các sàn, gian hàng trực tuyến. Từ đó, kiểm soát chất lượng hàng hóa để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, doanh nghiệp cũng như xây dựng môi trường thương mại điện tử lành mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế.
Thời gian tới, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ tập trung tuyên truyền và tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm của các sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội trong việc sàng lọc, phòng ngừa, ngăn chặn đối với các tài khoản không cung cấp đầy đủ thông tin, các tài khoản có dấu hiệu kinh doanh hàng hóa vi phạm.
Đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, tăng cường quản lý hoạt động thương mại điện tử có yếu tố nước ngoài và hoạt động thương mại điện tử trên mạng xã hội. Đồng thời, tiếp tục rà soát cơ chế, chính sách để có sự điều chỉnh phù hợp thực tế nhằm quản lý tốt hơn hoạt động kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử.
Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho rằng, người dân cần phải cẩn trọng hơn khi giao dịch mua bán hàng hóa không chỉ trên các trang mạng xã hội mà cả những sàn thương mại điện tử. Người dân nên lựa chọn những nền tảng uy tín và đăng ký pháp nhân và khai báo đầy đủ với cơ quan quản lý nhà nước.
“Người dùng cần kiểm tra và tìm hiểu kỹ thông tin về người bán; chỉ thực hiện giao dịch khi đã xác nhận được mức độ uy tín của người bán hàng; đảm bảo rằng người bán có đủ thông tin chi tiết về sản phẩm, hình ảnh chất lượng và mô tả chính xác. Không chuyển tiền, thanh toán dưới mọi hình thức khi chưa xác định được uy tín của người bán và chất lượng của sản phẩm. Người dân cũng nên tìm hiểu về chính sách bảo hành và hoàn tiền của bên bán hàng để đảm bảo quyền lợi cho bản thân”, Cục An toàn thông tin khuyến cáo.