Cân nhắc khi cho phép Nhà máy giấy Lee&Man nâng công suất
UBND thành phố Cần Thơ vừa có ý kiến phản hồi đề nghị tham vấn cho dự án Nhà máy giấy Lee & Man Việt Nam (huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) nâng công suất từ 420.000 tấn lên 1,1 triệu tấn/năm.
UBND thành phố Cần Thơ vừa có ý kiến phản hồi đề nghị tham vấn cho dự án Nhà máy giấy Lee & Man Việt Nam (huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) nâng công suất từ 420.000 tấn lên 1,1 triệu tấn/năm (tăng gấp 2,6 lần) theo đề nghị của tỉnh Hậu Giang.
Trước đó, UBND tỉnh Hậu Giang đã có công văn cùng tài liệu gửi đến một số địa phương lân cận Nhà máy giấy Lee & Man đề nghị tham vấn ý kiến về báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án nêu trên để đơn vị này sớm hoàn thành thủ tục.
Trong công văn trả lời UBND tỉnh Hậu Giang ngày 7/10 do Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Đào Anh Dũng ký, UBND thành phố Cần Thơ ủng hộ quan điểm của tỉnh Hậu Giang về việc thống nhất cho Tập đoàn Giấy Lee & Man đầu tư dự án Cụm công nghiệp giấy tại Cụm công nghiệp Phú Hữu A - Giai đoạn 1 (thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) do phù hợp với quy hoạch phát triển ngành công nghiệp giấy của Việt Nam đến năm 2020, góp phần tạo việc làm, đóng góp cho ngân sách địa phương.
Tuy nhiên, Cần Thơ đề nghị Hậu Giang cẩn trọng cân nhắc trong việc cấp chủ trương đầu tư cho Nhà máy giấy Lee & Man Việt Nam nâng công suất từ 420.000 tấn giấy/năm lên 1,1 triệu tấn giấy/năm bởi những tác động và phạm vi ảnh hưởng lớn, có khả năng ảnh hưởng đến nguồn nước phục vụ cấp nước sinh hoạt cho người dân trong vùng.
* Cần tính toán tác động của biến đổi khí hậu
Theo UBND thành phố Cần Thơ, những năm gần đây, Đồng bằng sông Cửu Long thường xuyên bị ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn. Đặc biệt, mặn đã đi sâu vào các kênh nội đồng ven sông Hậu, nguồn nước ngọt chảy về Đồng bằng sông Cửu Long trong mùa khô năm 2019-2020 thấp hơn nhiều so với trung bình nhiều năm và dự báo những năm tới nguy cơ bị ảnh hưởng bởi hạn mặn còn rất lớn.
Khi vào mùa khô kiệt nhất, lưu lượng nước sông Hậu giảm mạnh nhưng lưu lượng xả thải của nhà máy lại rất lớn như vậy sẽ tăng áp lực nặng nề đến nguồn tiếp nhận là sông Hậu. “Trong trường hợp nếu có xảy ra sự cố về môi trường liên quan đến việc xử lý nước thải thì toàn bộ người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long đều có nguy cơ bị ảnh hưởng”, công văn của UBND thành phố Cần Thơ nêu.
Theo chính quyền thành phố Cần Thơ, cần rà soát, đánh giá lại hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền đánh giá mức độ đảm bảo an ninh an toàn nguồn nước phục vụ cấp nước sinh hoạt cho người dân khu vực dự án nói riêng và khu vực các tỉnh lân cận có sử dụng nước sông Hậu nói chung, có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, kiệt nước trong mùa khô hay kể cả các tác động xuyên biên giới do các dự án xây dựng đập thủy điện trên dòng chính phía thượng nguồn sông Mekong. Ngoài ra, nên tổ chức lấy ý kiến của chuyên gia đầu ngành về môi trường và tham vấn ý kiến của các cơ quan, tổ chức liên quan, chịu tác động bởi dự án…
UBND thành phố Cần Thơ cho rằng, để xác định thiệt hại về môi trường, kinh tế, sức khỏe con người do bị tác động từ ô nhiễm môi trường là một con số tiềm ẩn, khó có thể liệt kê, tính toán triệt để được. Do đó, Cần Thơ đề nghị chủ dự án phải quan tâm, nghiên cứu, bổ sung đánh giá chi tiết các tác động trong suốt quá trình hoạt động của dự án đối với khu vực. Theo UBND thành phố Cần Thơ, nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án nhận dạng được các tác động (tích cực, tiêu cực) có khả năng ảnh hưởng đến môi trường, đề xuất giải pháp xử lý, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, UBND thành phố Cần Thơ cũng đã chỉ ra nhiều điểm cần chỉnh sửa để báo cáo được hoàn thiện. Cụ thể, bên cạnh yêu cầu cập nhật lại các văn bản đã hết hiệu lực thi hành thì chủ dự án phải bổ sung đầy đủ hồ sơ, tài liệu liên quan đến quá trình lập báo cáo đánh giá tác động môi trường vào phụ lục; bổ sung thêm việc nhận định, đánh giá sự cần thiết của việc nâng công suất nhà máy từ 420.000 lên 1,1 triệu tấn giấy/năm vì báo cáo cho rằng “tỷ lệ sản phẩm đầu ra không cố định, phụ thuộc vào nhu cầu của khách hàng”.
Trong khi đó, nhu cầu sử dụng hóa chất của dự án khá lớn, cần mô tả chi tiết việc lưu trữ, quản lý sử dụng hóa chất tại nhà máy; bổ sung phương án phòng ngừa ứng phó sự cố hóa chất, sự cố tràn dầu theo đúng quy định.
Kết quả chạy mô hình mô phỏng phát tán khí thải (bụi, SO2, NO2) đều có ảnh hưởng đến thành phố Cần Thơ, cụ thể là các quận Cái Răng, Ninh Kiều và huyện Phong Điền. Các địa điểm bị ảnh hưởng là khu vực đô thị, khu công nghiệp, bệnh viện tập trung lượng lớn dân cư. Do đó, chủ dự án cần rà soát, chỉnh sửa lại báo cáo và có biện pháp xử lý, kiểm soát khí thải đúng quy định nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến đời sống người dân xung quanh.
Ngoài ra, chủ dự án chưa trình bày việc thu gom, quản lý, xử lý bùn thải phát sinh trong quá trình hoạt động dự án. Lưu lượng xả thải của nhà máy rất lớn, hiện tại là 20.000m3/ngày đêm, khi nâng công suất, con số này sẽ là 55.000m3/ngày đêm, trong khi nguồn tiếp nhận nước thải là sông Hậu cũng là con sông lớn nhất, nguồn cung cấp nước ngọt chính của các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long...
* Chuyên gia lo ngại ảnh hưởng đến sông Hậu
Trao đổi với phóng viên, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về Đồng bằng sông Cửu Long nhấn mạnh đến việc sử dụng hóa chất của Nhà máy giấy Lee & Man.
Ông Thiện cho rằng, nhu cầu sử dụng hóa chất của nhà máy này khá lớn, do đó nước thải từ nhà máy có thể ảnh hưởng lớn đến sông Hậu và vùng Tây sông Hậu. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, vùng Tây sông Hậu đã có nhiều công trình lớn ngăn sông làm sông ngòi chảy yếu, độc chất dễ tích tụ trong vùng Tây sông Hậu, đặc biệt là khu vực Vị Thanh, Long Mỹ của Hậu Giang.
“Nhà máy giấy Lee & Man luôn nói rằng họ đảm bảo xử lý tốt nước thải và chất thải nhưng đến nay thông tin về loại hóa chất và lượng hóa chất sử dụng không rõ ràng. Do đó, để tham vấn có ý nghĩa và đảm bảo an toàn môi trường, họ cần giải trình bài toán cân bằng vật chất, theo dấu từng loại vật chất, vào ở đâu, bao nhiêu, ra ở đâu, bao nhiêu, còn lại là bao nhiêu, đi đâu? Thiếu các thông tin này, việc tham vấn chỉ là hình thức”, ông Thiện nêu quan điểm.
Một điều đáng lưu ý khác, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện cho biết từng quan sát thực tế Nhà máy giấy Lee & Man sử dụng giấy báo cũ của châu Âu về làm nguyên liệu tái chế để sản xuất giấy bao bì cứng. Đây là loại giấy đã qua tiếp xúc với con người, có thể chứa nhiều mầm bệnh nguy hiểm, do đó cần được kiểm soát chặt chẽ.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường Đại học Cần Thơ) bày tỏ quan điểm không ủng hộ nâng công suất của dự án. Theo ông Tuấn, cần có đánh giá lũy tích xung quanh để có cái nhìn toàn diện về tác động môi trường. Khi đánh giá tác động môi trường phải có đánh giá tổng thể, nếu tách ra từng dự án thì không đánh giá được tác động lũy tích liên hoàn của các dự án.
Có chung quan điểm trong điều kiện nguồn nước từ thượng nguồn sông Mekong về Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng ít, chưa kể khu vực này đã và đang hình thành nhiều công trình kiểm soát mặn, ngọt như hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé và nhiều công trình ngăn mặn khác, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn nhận định, nếu xảy ra sự cố môi trường, thủy triều Biển Đông sẽ đẩy ô nhiễm sâu vào đất liền, trong khi phía biển Tây đã bị bịt lại, tình trạng ô nhiễm sẽ luẩn quẩn, đặc biệt khi Hậu Giang là địa phương nằm ở khu vực giáp nước (nước đứng) nên nguy cơ là rất lớn./.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/can-nhac-khi-cho-phep-nha-may-giay-lee-man-nang-cong-suat/174760.html