Cân nhắc quy định buộc ngừng sử dụng hóa đơn đối với doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội

Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội đề nghị cân nhắc giải pháp ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 6 tháng trở lên, vì đây là vấn đề liên quan tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề xuất bổ sung nhiều biện pháp xử lý tình trạng trốn đóng bảo hiểm xã hội, trong đó có việc ngừng sửa dụng hóa đơn và hoãn xuất cảnh đối với chủ doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Thẩm tra dự án luật này, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị cân nhắc việc ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 6 tháng trở lên, vì đây là vấn đề liên quan tới toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Nếu không được sử dụng hóa đơn thì doanh nghiệp có thể phải ngừng hoạt động, ảnh hưởng đến đời sống của người lao động. Trong khi đó, Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng không quy định biện pháp này.

Về giải pháp hoãn xuất cảnh đối với người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 12 tháng trở lên, Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng, đây là vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền công dân, luật hiện hành quy định bị xử phạt hành chính.

Luật Xuất cảnh, nhập cảnh cũng có quy định sẽ áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với người đại diện cho tổ chức đang bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà bỏ trốn. Trường hợp khi chưa có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với người trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc mà đã quy định tạm hoãn xuất cảnh thì cần phải cân nhắc kỹ.

Thẩm tra dự án luật này, Thường trực Ủy ban Xã hội cũng đề nghị làm rõ quy định phải nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền trốn đóng là tiền gì? Nếu là tiền phạt trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thì cần rà soát để bảo đảm tính thống nhất với quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính và làm rõ số tiền này nộp vào ngân sách nhà nước hay vào Quỹ Bảo hiểm xã hội.

Tổng kết thi hành Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, thực trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội vẫn còn diễn ra ở nhiều doanh nghiệp, địa phương, bình quân trên 10.000 tỷ đồng/năm. Nhiều doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng diễn ra thời gian dài dẫn đến tình trạng khó có khả năng thu hồi, ảnh hưởng tới việc giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội của người lao động.

Mai Lâm

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/can-nhac-quy-dinh-buoc-ngung-su-dung-hoa-don-doi-voi-doanh-nghiep-tron-dong-bao-hiem-xa-hoi-134580.html