Cần những giải pháp thực sự đồng bộ, căn cơ và khả thi
Để đạt mục tiêu phát triển thị trường bảo hiểm chất lượng, bền vững, thì không thể thay đổi ngay trong 'ngày một, ngày hai' mà cần một quá trình, làm từng bước. Thời gian tới, thị trường bảo hiểm Việt Nam đặt chất lượng phát triển lên hàng đầu, nhưng để bảo đảm 'hài hòa lợi ích, rủi ro chia sẻ', thì cần các giải pháp đồng bộ từ cơ quan quản lý nhà nước cùng sự vào cuộc thực sự của các doanh nghiệp bảo hiểm, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và người tham gia bảo hiểm.
Đây là nội dung nêu trong Báo cáo của Bộ Tài chính về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tài chính là một trong hai nhóm vấn đề (cùng với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực ngoại giao), sẽ đưa ra chất vấn tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào đầu tuần tới, ngày 18.3.
Đã bổ sung quy định ngăn chặn tình trạng “ ép” mua bảo hiểm
Và, trong số các vấn đề đưa ra chất vấn với lĩnh vực tài chính có nội dung liên quan đến: Công tác quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm và các hoạt động dịch vụ thuộc lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm nhân thọ - một trong những vấn đề đã được đại biểu phản ánh tại một số kỳ họp Quốc hội gần đây và đang tiếp tục nhận được sự quan tâm của cử tri và Nhân dân.
Trong Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến hàng tháng cũng như Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV đều ghi nhận, cử tri bày tỏ lo lắng về những người đầu tư bảo hiểm có thể gặp rủi ro và đề nghị tăng cường công tác quản lý nhà nước, có chế tài đủ mạnh để bảo vệ quyền lợi của người dân khi tham gia ký kết các hợp đồng bảo hiểm.
Khẳng định những mặt được cũng như những mặt còn hạn chế trong báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước thềm phiên chất vấn, Bộ Tài chính nêu rõ, mặc dù còn rất non trẻ nếu so với lịch sử hàng trăm năm của thị trường bảo hiểm thế giới, song thị trường bảo hiểm Việt Nam đã trải qua hơn 1/4 thế kỷ với sự tăng trưởng cao và tương đối ổn định. Mức tăng trưởng của thị trường này bình quân 20%/năm, cơ bản hoàn thành các mục tiêu đề ra tại Chiến lược Phát triển thị trường bảo hiểm giai đoạn 2011 - 2020. Khung khổ pháp lý, cơ chế, chính sách quản lý đối với thị trường bảo hiểm ngày càng được hoàn thiện, hỗ trợ thị trường phát triển, góp phần thúc đẩy hội nhập và hợp tác kinh tế quốc tế.
Cùng với đó, các doanh nghiệp bảo hiểm đã và đang hoạt động an toàn, hiệu quả, tính chuyên nghiệp, năng lực cạnh tranh ngày càng được cải thiện. Các sản phẩm và chất lượng dịch vụ được tăng cường ngày càng đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tham gia bảo hiểm. Tính đến cuối năm 2023, các doanh nghiệp bảo hiểm đã đầu tư trở lại nền kinh tế với tổng số tiền ước đạt 762.580 tỷ đồng và chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt hơn 86 nghìn tỷ đồng. Tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm ước đạt hơn 913 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 11% so với năm 2022.
Tuy nhiên, trong báo cáo của Bộ Tài chính cũng thẳng thắn thừa nhận, do phát triển nhanh, trong thời gian vừa qua, thị trường bảo hiểm, đặc biệt là bảo hiểm nhân thọ đã phát sinh một số vấn đề về chất lượng hoạt động tư vấn cũng như dịch vụ chăm sóc và giải quyết quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng.
Mặt khác, nếu như trước đây, thị trường chỉ có kênh đại lý truyền thống, thì thời gian qua đã hình thành thêm nhiều kênh phân phối khác là các đại lý tổ chức mà điển hình là kênh phân phối qua ngân hàng (Bancassurance). Bancassurance giúp hoạt động khai thác bảo hiểm trở nên đa dạng, nhưng cũng tạo ra sự phức tạp hơn và cần phải nhìn nhận lại, chấn chỉnh để hoạt động đúng hướng, lành mạnh.
Thực tế, qua phản ánh của báo chí, dư luận cũng như công tác quản lý, giám sát, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, thời gian qua, Bộ Tài chính đã tăng cường nhiều giải pháp để chấn chỉnh những mặt trái, sai lệch trong triển khai hoạt động khai thác các sản phẩm bảo hiểm trên thị trường bảo hiểm nhân thọ nói chung và kênh bancassurance nói riêng.
Trong đó, với nhóm giải pháp về hoàn thiện cơ chế, chính sách, Bộ Tài chính đã nghiên cứu để trình cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành bổ sung nhiều quy định pháp luật nhằm kịp thời điểu chỉnh những vấn đề phát sinh của thị trường, tăng cường tính minh bạch thông tin và bảo vệ tốt hơn người tham gia bảo hiểm.
Cụ thể, đã chuẩn hóa một số quy định về hợp đồng bảo hiểm nhằm bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm. Bổ sung các quy định nhằm ngăn chặn tình trạng “ ép” mua bảo hiểm qua ngân hàng hoặc tư vấn không đúng về sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư...
Bộ Tài chính đã có nhiều công văn yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm chấn chỉnh hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm đối với các ngân hàng, nghiêm túc tuân thủ quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm về việc không được ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức.
Ngoài ra, Bộ cũng đã có các giải pháp nhằm tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý, kiến nghị xử lý cả về tài chính, hành chính và áp dụng hình thức xử phạt bổ sung; đồng thời phối hợp với các cơ quan có liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến cho người dân về quyền và nghĩa vụ khi tham gia hợp đồng bảo hiểm, các nội dung dễ gây tranh chấp trong hợp đồng bảo hiểm mà người dân cần chú ý khi tham gia, các cơ chế xử lý khi có tranh chấp đối với hợp đồng bảo hiểm...
Vừa là thách thức, vừa là cơ hội
Dẫu vậy, để đạt được các mục tiêu lớn đề ra, thị trường bảo hiểm vẫn còn nhiều thách thức cần hoàn thiện và xứng tầm hơn với tiềm năng, lợi thế của Việt Nam, như chất lượng nhân lực, cơ sở dữ liệu thị trường, ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường quản trị rủi ro và tính minh bạch của các doanh nghiệp bảo hiểm... Nhấn mạnh những vấn đề nêu trên, báo cáo của Bộ Tài chính cũng nêu rõ, đây là cơ sở vững chắc để thị trường bảo hiểm phát triển bền vững, phát huy vai trò là “bà đỡ”, góp phần phát triển ổn định và bền vững cho các chủ thể khác trong các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế.
Và, những tồn tại đã được báo chí và dư luận nêu trong thời gian qua "vừa là thách thức vừa là cơ hội lớn" để đưa thị trường bảo hiểm Việt Nam nỗ lực hoàn thiện hơn về chất lượng, hướng tới phát triển an toàn, bền vững trong tương lai. Trong các năm tới, báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, bên cạnh các yếu tố nền tảng, như tăng trưởng kinh tế, dân số lớn, xu hướng phát triển công nghệ... thì nền tảng pháp lý được kỳ vọng sẽ góp phần hỗ trợ cho thị trường bảo hiểm phát triển hơn nữa cả về “lượng” và “chất”.
Song, để đạt được mục tiêu phát triển chất lượng, bền vững, trong báo cáo cũng nêu rõ, "không thể thay đổi ngay trong “ngày một, ngày hai” mà cần một quá trình, làm từng bước". Trong thời gian tới, thị trường bảo hiểm Việt Nam đặt chất lượng phát triển lên hàng đầu, nhưng để “hài hòa lợi ích, rủi ro chia sẻ”, thì cần các giải pháp đồng bộ từ cả phía cơ quan quản lý, sự chung tay vào cuộc thực sự của cả các doanh nghiệp bảo hiểm, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và người tham gia bảo hiểm.
Về phía cơ quan quản lý, báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, sẽ tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan đến sản phẩm bảo hiểm, công khai, minh bạch thông tin về sản phẩm và doanh nghiệp bảo hiểm để người dân có thể dễ dàng tiếp cận thông tin khi tìm hiểu, lựa chọn cho mình sản phẩm bảo hiểm phù hợp. Đặc biệt, cơ quan quản lý đã và tiếp tục yêu cầu rà soát, tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm và tiến hành xử lý nghiêm minh nếu phát hiện các trường hợp đại lý bảo hiểm sai phạm quy định pháp luật.
Ngay đầu nhiệm kỳ khóa XV này, tại Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội đã thông qua Luật Kinh doanh bảo hiểm (ngày 16.6.2022). Theo đó, nhằm tăng cường vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước, Luật đã bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính trong việc quản lý, giám sát, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Bổ sung quy định Bộ Tài chính phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm nước ngoài trong việc giám sát, thanh tra, kiểm tra đối với các chi nhánh của doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam... Đây là hành lang và công cụ pháp lý quan trọng để Bộ Tài chính cũng như các cơ quan có liên quan tăng cường vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước của mình đối với lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm.
Vì vậy, điều cử tri và Nhân dân cũng như các đại biểu Quốc hội mong đợi, kỳ vọng tại phiên chất vấn với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính, trong đó có nội dung liên quan đến kinh doanh bảo hiểm, diễn ra đầu tuần tới, đó là "tư lệnh ngành" tài chính sẽ đánh giá đúng kết quả đạt được, nhìn thẳng vào những tồn tại, hạn chế. Qua đó, đề ra được giải pháp thật sự đồng bộ, căn cơ, khả thi với tầm nhìn dài hạn hơn, nhằm khai thác được tiềm năng, thế mạnh, giảm thiểu tối đa các rủi ro, mặt trái từ sự phát triển của thị trường bảo hiểm Việt Nam, góp phần xứng đáng vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, mang lại sự bảo vệ ngày càng tốt hơn về tài chính, sức khỏe cho những người tham gia bảo hiểm nói riêng và người dân nói chung.