Cần nội luật hóa công tác giám sát của Hội đồng trường trong cơ sở GDĐH
Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng cho rằng, quy định pháp luật về hoạt động giám sát của Hội đồng trường còn mờ nhạt, các trường cần nội luật hóa những quy định này.
Ngày 27/9, Câu lạc Bộ Chủ tịch Hội đồng trường thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã tổ chức tọa đàm trực tuyến: “Công tác giám sát của Hội đồng trường trong các cơ sở giáo dục đại học - thực tiễn và kinh nghiệm triển khai”.
Tham dự tọa đàm có Tiến sĩ Nguyễn Đắc Hưng – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục và Đào tạo Dạy nghề, Ban Tuyên giáo Trung ương; bà Đặng Thu Hằng - Chuyên viên chính Vụ Văn hóa Giáo dục thuộc Văn phòng Quốc hội.
Về phía Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, có Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội.
Về phía Câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường, có Giáo sư, Tiến sĩ Trần Diệp Tuấn - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ. Tham dự tọa đàm còn có các thầy cô là Chủ tịch Hội đồng trường, lãnh đạo các trường đại học, học viện trên cả nước.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Giáo sư Trần Diệp Tuấn – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường cho biết, công tác giám sát của Hội đồng trường trong các cơ sở giáo dục đại học là vấn đề được nhiều thầy cô quan tâm, các thầy cô đã kiến nghị cần có buổi trao đổi, chia sẻ và học tập kinh nghiệm.
Hội đồng trường thực hiện hai nhiệm vụ chính là định hướng chiến lược phát triển nhà trường và thực hiện công tác giám sát để đảm bảo thực thi đúng những chiến lược đã đề ra.
Từ thực tế triển khai tại các trường cho thấy, việc thực thi nhiệm vụ, chức năng giám sát của Hội đồng trường ở các cơ sở giáo dục đại học vẫn còn nhiều vướng mắc, khó khăn. Buổi tọa đàm sẽ lắng nghe ý kiến tham luận của các đại biểu, các thầy cô và cùng nhau thảo luận, trao đổi để tháo gỡ những vướng mắc còn tồn tại.
Quy định pháp luật về công tác giám sát của Hội đồng trường còn mờ nhạt
Tại buổi tọa đàm, Tiến sĩ, Luật sư Nguyễn Thị Kim Phụng – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những chia sẻ khái quát về công tác giám sát của Hội đồng trường.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết, dù giám sát là một trong những chức năng chính của Hội đồng trường nhưng quy định về công tác giám sát của Hội đồng trường còn mờ nhạt trong các văn bản pháp luật hiện nay.
Công tác giám sát của Hội đồng trường liên quan đến các ban như Ban Kiểm soát, các văn bản nội bộ cũng có những quy định liên quan đến công tác giám sát như Quy chế tổ chức hoạt động của nhà trường hoặc Quy chế tổ chức hoạt động của Hội đồng trường, thậm chí có thể có quy định riêng về công tác giám sát.
Giám sát là một trong những chức năng quản trị của Hội đồng trường. Hội đồng trường vừa có quyền giám sát toàn bộ hoạt động của nhà trường và Hội đồng trường cũng được giám sát bởi nhà trường và những bên liên quan khác.
Về quyền giám sát của Hội đồng trường, cơ quan kiểm soát là một trong những cơ quan giúp cho Hội đồng trường trong công tác giám sát.
Nội dung giám sát gồm có: Giám sát việc thực hiện Nghị quyết của Hội đồng trường; việc tuân thủ pháp luật, thực hiện Quy chế dân chủ và trách nhiệm giải trình của hiệu trưởng; giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản; báo cáo kết quả giám sát trước hội nghị trường hằng năm.
Đối với công tác giám sát, Chủ tịch Hội đồng trường có thể phân công một số thành viên chuyên trách trong Ban Kiểm soát để thực hiện công tác giám sát, cũng có thể phân công các thành viên trong trường, mỗi người tham gia giám sát một lĩnh vực nhất định.
Ngoài ra, Hội đồng trường cũng nhận được sự giám sát của các bên liên quan. Cụ thể, với trường đại học công, Hội đồng trường được sự giám sát của xã hội; cá nhân, tổ chức trong trường. Với trường đại học ngoài công lập thì Hội đồng trường còn có thêm sự giám sát của nhà đầu tư.
Về thẩm quyền giám sát của Hội đồng trường, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết, Hội đồng trường thực hiện chức năng giám sát theo quy định của pháp luật và các văn bản nội bộ, chủ yếu thông qua hoạt động giám sát của Ban kiểm soát; của Đoàn giám sát; của thành viên Hội đồng trường.
Thực hiện hoạt động giám sát trên tinh thần xây dựng
Tiến sĩ Phụng cho biết, hoạt động giám sát của Hội đồng trường là quá trình Hội đồng trường thường xuyên theo dõi, xem xét việc thực hiện Nghị quyết, kế hoạch, quy định nội bộ và tuân thủ pháp luật trong các hoạt động của nhà trường. Hoạt động giám sát khác với hoạt động kiểm tra, thanh tra.
Có thể phân công tác giám sát thành 2 loại là giám sát thường xuyên và giám sát đột xuất.
Giám sát thường xuyên bao trùm mọi hoạt động, có đi sâu theo Kế hoạch giám sát, theo chuyên đề, lĩnh vực; báo cáo kết quả giám sát trước hội nghị toàn thể hằng năm của trường;...
Còn giám sát đột xuất là theo yêu cầu của Hội đồng trường, thường khi có đơn thư, phản ánh kiến nghị hoặc dư luận không tích cực...
Mục đích của hoạt động giám sát nhằm thúc đẩy, kiến tạo thực hiện đúng, đủ các Nghị quyết của Hội đồng trường, quy định nội bộ của trường và quy định liên quan của pháp luật trong các hoạt động của trường.
Cùng với đó, tạo văn hóa giải trình: tất cả các hoạt động đều có thể giải trình, nếu không giải trình được thì không thực hiện. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Hội đồng trường; đề cao trách nhiệm và sự phối hợp của các bên liên quan.
Giúp việc chỉ đạo, điều hành của bộ máy hành chính thống nhất, chất lượng, hiệu quả hơn, giảm thiểu các sai sót, phòng ngừa sai phạm.
Phát hiện để bãi bỏ, thay thế những nội dung không hợp lý, không còn phù hợp hoặc để ban hành mới các nghị quyết, văn bản cần thiết.
Phát hiện, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền về những quy định của Nhà nước không còn phù hợp.
Để Hội đồng trường có những quyết sách sát thực, khả thi, nâng cao chất lượng hoạt động và không ngừng phát triển trường...
Về nguyên tắc hoạt động giám sát của Hội đồng trường, cần lưu ý: Tuân thủ pháp luật và các quy định nội bộ của trường; Bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch, hiệu quả; Bảo đảm hoạt động giám sát thực chất (tránh hình thức), không trùng chéo với các hoạt động khác; Giám sát toàn diện, giám sát theo kế hoạch, chọn lĩnh vực và chuyên đề phù hợp; Không làm cản trở đến hoạt động bình thường của đơn vị, cá nhân được giám sát; Chủ thể giám sát chịu trách nhiệm về biên bản làm việc, báo cáo, kết luận, yêu cầu, kiến nghị giám sát.
Về phương thức hoạt động giám sát của Hội đồng trường, Tiến sĩ Kim Phụng nêu ra 8 phương thức.
Thứ nhất, giám sát trực tiếp kết hợp huy động chuyên gia/người có chuyên môn trong và ngoài trường hỗ trợ hoạt động giám sát.
Vì các thành viên của Hội đồng trường chỉ chuyên sâu một số lĩnh vực nhất định, ví dụ về công tác tài chính, công tác đấu thầu, xây dựng, sử dụng tài sản công, nếu Hội đồng trường không có thành viên có chuyên môn sâu thì cần có sự tham gia của các chuyên gia trong và ngoài trường.
Thứ hai, thông qua thu thập, tổng hợp dữ liệu, thông tin từ nhiều nguồn khác nhau (báo cáo cấp trường, hệ thống phần mềm quản lý nội bộ, thông tin trên website, kết quả tự đánh giá, đánh giá ngoài trong bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục...) để tổng hợp, phân tích và đưa các nội dung cần thiết vào chương trình họp Hội đồng trường.
Thứ ba, thông qua giám sát nội dung, quy trình xây dựng, ban hành các văn bản nội bộ thuộc thẩm quyền của Hiệu trưởng và các chủ thể quản lý khác (về thẩm quyền, nội dung, tính hợp pháp...).
Tiến sĩ Kim Phụng cho biết, nhiều văn bản trong quản lý điều hành hay cụ thể hóa hoạt động tuyển sinh, đào tạo, khoa học công nghệ, … chủ yếu thuộc thẩm quyền ban hành của Hiệu trưởng, vì vậy, Hội đồng trường cần giám sát những hoạt động này.
Thứ tư, thông qua nghiên cứu, đánh giá tài liệu, báo cáo của cá nhân/đơn vị chịu sự giám sát.
Thứ năm, thông qua họp Hội đồng trường và tham gia các cuộc họp, hội nghị... có liên quan của trường.
“Những cuộc họp, hội nghị nào của trường cần có sự tham gia của Hội đồng trường thì nên đưa vào các quy định nội bộ. Hoạt động và công tác của Hội đồng trường khá bao trùm, vì vậy, việc tham gia có thể thông qua các thành viên của Hội đồng trường đã là thành phần tham gia họp hoặc đại diện của Hội đồng trường sẽ tham gia các cuộc họp quan trọng.
Cần thống nhất trong quy chế làm việc của nhà trường hoặc quy chế hoạt động của Hội đồng trường hoặc nhà trường nói chung, để xác định phạm vi của Hội đồng trường tham gia đến đâu. Tư cách tham gia của Hội đồng trường tùy từng cuộc họp, nhưng vẫn là cơ quan quản trị của nhà trường nên Hội đồng trường không can thiệp vào công tác điều hành”, Tiến sĩ Kim Phụng cho biết.
Thứ sáu, thông qua việc lấy phiếu tín nhiệm của Hiệu trưởng và Chủ tịch Hội đồng trường theo quy định.
Thứ bảy, tiếp nhận ý kiến của cán bộ, viên chức, người lao động liên quan đến các nội dung giám sát.
Thứ tám, thông qua chất vấn, trả lời chất vấn (nếu có) của cá nhân, đơn vị có trách nhiệm giải trình theo quy định...
Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng nêu ra 12 bước trong quy trình thực hiện hoạt động giám sát của Hội đồng trường:
Một là, xây dựng, ban hành, công khai chủ trương, kế hoạch giám sát;
Hai là, gửi Kế hoạch giám sát và yêu cầu làm báo cáo giám sát cho đơn vị chịu sự giám sát;
Ba là, lập đề cương chi tiết thực hiện Kế hoạch giám sát; phân công hoặc mời người tham gia (nếu cần);
Bốn là, họp Ban/Đoàn giám sát thống nhất thực hiện kế hoạch (nếu cần thiết);
Năm là, tiếp nhận báo cáo của đơn vị chịu giám sát, thu thập thông tin, tài liệu có liên quan. Từ đó nhận xét, đánh giá sơ bộ;
Sáu là, họp Ban/Đoàn giám sát thống nhất buổi làm việc trực tiếp với đơn vị chịu giám sát;
Bảy là, họp/làm việc trực tiếp với đơn vị chịu giám sát (có biên bản kèm theo);
Tám là, dự thảo báo báo giám sát, họp Ban/Đoàn giám sát (nếu cần thiết) để thống nhất nội dung Báo cáo giám sát;
Chín là, gửi dự thảo Báo cáo giám sát cho đơn vị chịu giám sát và lãnh đạo phụ trách cấp trường để lấy thông tin phản hồi. Từ đó hoàn thiện báo cáo giám sát.
Mười là, gửi dự thảo Báo cáo giám sát để Hội đồng trường/thường trực Hội đồng trường thông qua báo cáo chính thức;
Mười một là, gửi báo cáo chính thức cho các đơn vị, cá nhân liên quan để thực hiện và công khai nội bộ (trừ tin mật);
Mười hai là, theo dõi, đôn đốc thực hiện kết luận trong Báo cáo giám sát, báo cáo tại phiên họp Hội đồng trường... Yêu cầu xử lý đối với cá nhân, đơn vị không thực hiện kết luận giám sát.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng cũng nêu một số lưu ý trong thực hiện công tác giám sát của Hội đồng trường.
Thứ nhất, vì hiện nay không có quy định cụ thể về việc triển khai chức năng giám sát của Hội đồng trường nên cần xây dựng, ban hành quy định nội bộ cụ thể, chi tiết về hoạt động giám sát để thực hiện;
Thứ hai, quy định về hoạt động giám sát có thể ban hành văn bản riêng hoặc thành chương/mục trong Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng trường, hoặc Quy chế tổ chức, hoạt động của nhà trường;
Thứ ba, đẩy mạnh giám sát thường xuyên, thông qua cơ chế tiếp nhận thông tin, báo cáo, số liệu, tài liệu, hệ thống dữ liệu... và tham gia cuộc họp, hội nghị của trường
Thứ tư, kết hợp với giám sát trực tiếp về những vấn đề cốt lõi của kế hoạch hằng năm, kế hoạch nhiệm kỳ; vấn đề người học và cán bộ giảng viên quan tâm, phù hợp với điều kiện của Hội đồng trường;
Thứ năm, mời các chuyên gia trong trường tham gia giám sát là người am hiểu về lĩnh vực giám sát nhưng không nên thuộc bộ máy quản lý điều hành của trường;
Thứ sáu, mời các chuyên gia ngoài trường tham gia hoạt động giám sát nên là người có chuyên môn sâu về lĩnh vực giám sát và am hiểu về giáo dục đại học;
Thứ bảy, cần bồi dưỡng, tập huấn chuyên đề về nghiệp vụ công tác giám sát cho nguồn nhân lực tham gia hoạt động giám sát của Hội đồng trường.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng nhấn mạnh: "Hoạt động giám sát của Hội đồng trường phải được thực hiện trên tinh thần xây dựng, nhằm phát hiện vi phạm, phòng ngừa, giảm thiểu vi phạm, thực hiện công tác giám sát vì mục tiêu là sự phát triển của nhà trường".