Cần quan tâm phát triển nguồn nhân lực

Thực hiện Quyết định 1854 ngày 7-6-2019 của UBND tỉnh Tiền Giang, ngày 1-7-2019, Ban Quản lý di tích và Bảo tàng Tiền Giang chính thức sáp nhập thành một đơn vị có tên Bảo tàng Tiền Giang. Sau khi sáp nhập, Bảo tàng Tiền Giang nhanh chóng ổn định bộ máy đi vào hoạt động.Bảo tàng Tiền Giang là đơn vị sự nghiệp có chức năng sưu tầm, bảo quản, tu bổ, phục hồi, phổ biến khoa học, phát huy giá trị các di sản vật thể và phi vật thể trên địa bàn tỉnh; giáo dục truyền thống, nâng cao lòng tự hào dân tộc, lòng yêu quê hương Tổ quốc trong nhân dân. Đồng thời, bảo tàng còn thực hiện 8 nhiệm vụ về công tác chuyên môn nghiệp vụ bảo tàng và bảo tồn đối với các di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh...

ỔN ĐỊNH HOẠT ĐỘNG

Về cơ cấu tổ chức, Bảo tàng Tiền Giang có Ban Giám đốc gồm 1 Giám đốc và 2 Phó Giám đốc; 3 phòng chức năng: Phòng Hành chính - Quản trị, Phòng Nghiệp vụ bảo tàng và Phòng Nghiệp vụ bảo tồn với 28 biên chế và 18 hợp đồng lao động theo Nghị định 161/2018 của Chính phủ. Đội ngũ cán bộ, viên chức của bảo tàng có trình độ chuyên môn từ đại học và trên đại học với 28 biên chế, trong đó có 5 thạc sĩ và 23 viên chức trình độ đại học.

Cán bộ Bảo tàng Tiền Giang thực hiện trưng bày hiện vật lịch sử về Cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ năm 1940 tại Nhà trưng bày Khu di tích lịch sử Nam Kỳ Khởi Nghĩa (ảnh chụp lúc dịch bệnh chưa bùng phát).

Cán bộ Bảo tàng Tiền Giang thực hiện trưng bày hiện vật lịch sử về Cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ năm 1940 tại Nhà trưng bày Khu di tích lịch sử Nam Kỳ Khởi Nghĩa (ảnh chụp lúc dịch bệnh chưa bùng phát).

Hằng năm, đơn vị đều đăng ký nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ và trình độ chính trị với các cấp chủ quản để nâng cao kỹ năng công tác cho cán bộ, viên chức, nhân viên; đồng thời, khuyến khích, tạo điều kiện cho viên chức, nhân viên học tập nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị để phục vụ công việc.

Chị Trần Thị Ngọc Hân, nhân viên thuyết minh của Bảo tàng Tiền Giang tại Khu di tích lịch sử Ấp Bắc chia sẻ: “Thời gian qua được sự quan tâm của lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) và Bảo tàng Tiền Giang, Khu di tích lịch sử Ấp Bắc được bố trí đầy đủ các bộ phận từ tạp vụ, bảo vệ đến thuyết minh. Do đây là khu di tích được xếp hạng Di tích cấp Quốc gia nên luôn có các đoàn khách cũng như học sinh, sinh viên của các trường trong và ngoài tỉnh đến tham quan, nghiên cứu tìm hiểu. Chính vì vậy, tôi cũng như các đồng nghiệp đã được tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công việc”.

KHÓ KHĂN VỀ NHÂN LỰC

Bên cạnh những mặt làm được, Bảo tàng Tiền Giang hiện đang gặp một số khó khăn trong công tác quản lý khai thác các di tích lịch sử cũng như đào tạo lực lượng kế thừa, nguồn nhân lực cho bảo tàng. Chị Nguyễn Thị Thúy Ngọc, viên chức phụ trách tổ chức nhân sự, Phòng Hành chính - Quản trị, Bảo tàng Tiền Giang cho biết: “Những năm qua, Bảo tàng Tiền Giang đều đăng ký chỉ tiêu với Sở VHTT&DL tuyển dụng thêm nhân sự cho các phòng nghiệp vụ để đảm bảo thực hiện công tác bảo tàng, bảo tồn của ngành nhưng không có nguồn để tuyển.

Do đặc thù của ngành nên rất ít học sinh, sinh viên đăng ký dự thi hay theo học chuyên ngành bảo tàng, bảo tồn. Ngoài ra, không có nhiều cơ sở giáo dục đăng ký đào tạo chuyên ngành bảo tàng, bảo tồn dẫn đến việc tuyển dụng, tạo nguồn có chuyên môn để kế thừa đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên thuyết minh cho bảo tàng tại các di tích là rất khó”.

Mặt khác, hiện nay, công tác quản lý chuyên môn đối với các di tích lịch sử văn hóa, cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo cũng gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do nhân sự trực tiếp quản lý các di tích lịch sử văn hóa, cơ sở thờ tự, tín ngưỡng đa phần là những người dân bình thường, thậm chí có cả những người cao tuổi chưa qua đào tạo nên việc cập nhật kiến thức quản lý chuyên môn cũng như quản lý nhà nước là vấn đề nan giải.

Thêm vào đó, Bảo tàng Tiền Giang là đơn vị sự nghiệp nên không có chức năng mở các lớp đào tạo nâng cao trình độ cho những người quản lý di tích mà phải thông qua cơ quan chủ quản hoặc phối hợp với các đơn vị có chức năng để đào tạo, bồi dưỡng. Hơn nữa, cơ chế tài chính chưa áp dụng việc giải quyết chế độ học tập đối với người không phải là cán bộ, công chức, viên chức nên việc chiêu sinh các lớp tập huấn quản lý di tích gặp rất nhiều khó khăn. Đa phần cán bộ chuyên môn của bảo tàng phải thường xuyên xuống địa phương để triển khai công tác quản lý trong khi nhân sự còn rất hạn chế.

Để nâng chất hoạt động, Bảo tàng Tiền Giang đang tiếp tục nỗ lực vượt qua khó khăn. Trong khả năng, quyền hạn của mình, Bảo tàng Tiền Giang sẽ tạo điều kiện để nâng cao trình độ chuyên môn và lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, viên chức; phân công cán bộ, nhân viên thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, về lâu dài, thiết nghĩ lãnh đạo tỉnh, các ngành, nhất là ngành VHTT&DL cần quan tâm, tính toán để có những giải pháp tạo nguồn nhân lực cho Bảo tàng Tiền Giang, đảm bảo cho đơn vị thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình.

HOÀI THU

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/xa-hoi/202106/bao-tang-tien-giang-can-quan-tam-phat-trien-nguon-nhan-luc-926820/