Cần quyết liệt đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công
Sau một buổi thảo luận, sáng nay (5/11) phần thảo luận ở hội trường về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025 đã kết thúc. Buổi thảo luận tại hội trường có 11 đại biểu Quốc hội phát biểu, có một đại biểu tham gia tranh luận, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã tham gia phát biểu, giải trình nhiều vấn đề được cử tri và các đại biểu Quốc hội quan tâm.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, không khí thảo luận sôi nổi, thẳng thắn và trách nhiệm. Các đại biểu Quốc hội đã tham gia nhiều ý kiến quan trọng tâm huyết về ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch tài chính của các quỹ tài chính ngoài ngân sách đảm bảo nguồn lực cho phát triển kinh tế xã hội.
Tổng hợp ý kiến phát biểu tại tổ và Hội trường cho thấy các đại biểu thống nhất năm 2024 tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, trong nước cũng gặp khó khăn, thách thức, ảnh hưởng đến thu, chi ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, việc quản lý điều hành ngân sách nhà nước có nhiều kết quả tích cực, thu ngân sách ước vượt 10,1% dự toán cơ bản, đáp ứng nhu cầu chi phát triển kinh tế xã hội, an sinh xã hội, an ninh quốc phòng, tăng mức lương cơ sở, bội chi nợ công trong ngưỡng Quốc hội cho phép.
Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội cũng đề xuất các giải pháp để khắc phục các tồn tại và tập trung hoàn thành ở mức cao nhất các nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước năm 2024. Năm 2025 là năm cuối của nhiệm kỳ, kết quả thực hiện ngân sách, chính sách tài khóa năm 2025 đóng góp quan trọng vào việc hoàn thành các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025. Do đó, các đại biểu đề nghị tiếp tục hoàn thiện pháp luật về thu, chi ngân sách nhà nước, cơ cấu lại ngân sách theo hướng bền vững. Tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý ngân sách nhà nước.
Cải thiện công tác kế hoạch, lập kế hoạch, dự toán, nhất là dự toán thu, kịp thời phân bổ, giao dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công và đặc biệt lưu ý thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư về tăng cường công tác thực hành tiết kiệm, phòng, chống lãng phí, tiêu cực.
Các đại biểu lưu ý cần tăng cường vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương, có giải pháp huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ kiểm soát chặt chẽ bội chi nợ công trong điều kiện phải tăng quy mô, tăng quy mô nợ để thực hiện các dự án, công trình trọng điểm. Tập trung các giải pháp quản lý thu, nắm chắc nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời vào ngân sách nhà nước và chú ý các khoản thu từ đất và thương mại điện tử, điều hành chi ngân sách theo hướng đảm bảo dự toán chặt chẽ, hiệu quả, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, các khoản chi chưa thực hiện cần thiết để đảm bảo nguồn lực cho phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bổ sung vốn đầu tư phát triển và đặc biệt lưu ý về công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thu, chi ngân sách.
Các đại biểu cũng đề nghị cần kịp thời phân bổ, giao vốn đầu tư công năm 2025 quyết liệt chỉ đạo để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công, nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư có trọng điểm, trọng tâm, không dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả.
Đẩy mạnh việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia nâng cao chất lượng kế hoạch tài chính, rà soát, sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả và tăng cường giám sát hoạt động của các quỹ tài chính ngoài ngân sách theo các nghị quyết của Quốc hội. Thống nhất với các nội dung Chính phủ đề nghị điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách nhà nước nhưng các đại biểu cũng đề nghị cần tính toán, dự kiến xét hơn tình hình thực hiện để hạn chế phải điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước, đồng thời đề nghị quản lý, sử dụng có hiệu quả, đúng quy định, dự toán được điều chỉnh, bổ sung.
Các đại biểu cũng tham gia ý kiến về các đề xuất, kiến nghị của Chính phủ đối với dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025 tham gia ý kiến về dự toán thu, về số kinh phí chưa phân bổ dự toán, bố trí dự toán cho các lĩnh vực y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường. Tạo nguồn quản lý, sử dụng nguồn cải cách tiền lương, cơ chế tài chính đặc thù cho một số cơ quan, đơn vị và tiếp tục đổi mới cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập cũng như tăng cường quản lý và sử dụng tài sản công.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đã được ghi âm, ghi chép đầy đủ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan của Chính phủ, cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội để đưa vào các nội dung quan trọng, cần thiết vào các nghị quyết của Quốc hội, gửi đại biểu Quốc hội cho ý kiến để trình Quốc hội xem xét, thông qua.