Cần quyết liệt xử lý hành vi lấn chiếm đất rừng phòng hộ ở Linh Trường

Trên diện tích 6,32 ha rừng tự nhiên thuộc lâm phần quản lý, Ban Quản lý (BQL) Rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải phát hiện một gia đình đã lấn chiếm, chặt phá cây rừng, san ủi để trồng keo tràm từ năm 2008. Mặc dù, đơn vị đã báo cáo với các cơ quan chức năng, địa phương liên quan, tuy nhiên, đến nay vụ việc vẫn chưa được giải quyết.

Một gốc cây rừng tự nhiên đã bị chặt phá, đốt cháy từ lâu còn sót lại tại lô 7a, khoảnh 4, Tiểu khu 595. Hiện, tại lô 7a, khoản 4, Tiểu khu 595 được các thành viên gia đình ông Phan Công Chí trồng lại cây keo - Ảnh: L.T

Một gốc cây rừng tự nhiên đã bị chặt phá, đốt cháy từ lâu còn sót lại tại lô 7a, khoảnh 4, Tiểu khu 595. Hiện, tại lô 7a, khoản 4, Tiểu khu 595 được các thành viên gia đình ông Phan Công Chí trồng lại cây keo - Ảnh: L.T

Một gia đình nhiều lần phá rừng tự nhiên

BQL Rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (CNQSD) đất và giao quản lý diện tích 11.705,3 ha tại xã Linh Thượng (nay là xã Linh Trường, huyện Gio Linh). Từ năm 2008 đến nay, trên diện tích này đã xảy ra một số vụ phá rừng tự nhiên để lấn chiếm đất rừng phòng hộ.

Sau một thời gian xác minh, xác định đối tượng phá rừng là các thành viên thuộc gia đình ông Phan Công Chí ở thôn Xóm Mới, xã Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh. Trong đó, có con trai ông Chí là Phan Minh Hiếu, con gái Phan Thị Hương Trà và con rể Hồ Bá Tưởng đã lấn chiếm 6,32 ha đất rừng phòng hộ nằm ở 3 vị trí thuộc lâm phần của BQL Rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải tại khoảnh 4, Tiểu khu 595.

Những ngày đầu tháng 9, phóng viên Báo Quảng Trị có mặt tại lô 7a, khoảnh 4, Tiểu khu 595 thuộc xã Linh Trường, huyện Gio Linh thấy rằng, nhiều gốc cây rừng tự nhiên ở đây đã bị chặt phá, đốt cháy sém trước đó rất lâu. Bên cạnh những gốc cây này là cây keo tràm khoảng hơn 5 tháng tuổi đã phủ xanh một khu vực.

Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) và kỹ thuật, BQL Rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải Trần Quang Long cho biết, vào tháng 10/2008, gia đình ông Phan Công Chí đã dùng máy san ủi rừng tự nhiên phòng hộ để chiếm đất rừng diện tích 2.000 m2 và đã bị Hạt Kiểm lâm Gio Linh lập biên bản vi phạm hành chính, yêu cầu ông Chí không được tác động lên diện tích đất đã san ủi.

Tại lô 7a, khoản 4, Tiểu khu 595 được các thành viên gia đình ông Phan Công Chí trồng lại cây keo được khoảng 5 tháng tuổi - Ảnh: Lê Trường

Tại lô 7a, khoản 4, Tiểu khu 595 được các thành viên gia đình ông Phan Công Chí trồng lại cây keo được khoảng 5 tháng tuổi - Ảnh: Lê Trường

Tuy nhiên, đến đầu tháng 7/2009, Trạm QLBVR Linh Trường (thuộc BQL Rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải) phát hiện và lập biên bản đối với ông Phan Công Chí vì đưa cây keo tràm vào trồng ở diện tích nói trên, đồng thời, tiếp tục yêu cầu ông Chí ngừng hoạt động trên lâm phần rừng phòng hộ thuộc quản lý của đơn vị.

Sự việc chưa dừng lại, từ ngày 23- 31/8/2016, trong quá trình kiểm tra rừng, BQL Rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải và UBND xã Linh Trường phát hiện tại khoảnh 4, Tiểu khu 595 có 2 ha rừng tự nhiên phòng hộ bị chặt phá rồi trồng cây keo tràm. Tại thời điểm đó không xác định được đối tượng phá rừng.

Tiếp đến tháng 7/2022, Trạm QLBVR Linh Trường và Tổ nhận khoán BVR xã Linh Trường phát hiện con gái và con rể ông Phan Công Chí là bà Phan Thị Hương Trà và ông Hồ Bá Tưởng thuê người phát thực bì, chuẩn bị khai thác cây keo tràm đã trồng trước đó trên diện tích đất do phá rừng tự nhiên phòng hộ tại lô 7a, khoảnh 4, Tiểu khu 595. Sau đó, đơn vị đã lập biên bản, làm việc với các đối tượng và đo đếm hiện trường.

Kết quả, tổng diện tích rừng trồng tại lô 7a là 34.000 m2 . Theo lời bà Trà, vào năm 2015, ông Chí (bố đẻ bà Trà) đã cho vợ chồng bà diện tích đất rừng vị trí nói trên để trồng cây keo. Đến nay, cây keo đến kỳ thu hoạch nên gia đình chuẩn bị khai thác. Tại buổi làm việc, bà Trà không xuất trình được giấy tờ nào chứng minh diện tích đất, rừng và số cây trồng nói trên là của gia đình mình.

Cũng theo ông Long, từ cuối tháng 12/2022 đến nay, gia đình ông Hồ Bá Tưởng và bà Phan Thị Hương Trà đã khai thác xong toàn bộ cây keo trên diện tích 34.000 m2 và từ tháng 3/2023 đã trồng lại cây keo trên diện tích này.

Như vậy, trong tổng diện tích 34.000 m2 đất rừng phòng hộ tại lô 7a bị gia đình ông Chí lấn chiếm có 22.000 m2 đất do phá rừng tự nhiên phòng hộ đã bị cơ quan chức năng lập biên bản.

Ngoài ra, gia đình ông Phan Công Chí và con trai là Phan Minh Hiếu còn lấn chiếm 1,9 ha đất rừng phòng hộ tại lô 3 và 1,02 ha ở lô 3 và lô 6 thuộc khoảnh 4, Tiểu khu 595, lâm phần quản lý của BQL Rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải.

Không đủ cơ sở pháp lý xác định là hành vi “hủy hoại rừng”

Sau khi phát hiện, bắt quả tang hành vi san ủi rừng phòng hộ trái phép trên diện tích 2.000 m2 của ông Phan Công Chí tại lô 7a, khoảnh 4, Tiểu khu 595, BQL Rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải đã lập biên bản và bàn giao vụ việc cho Hạt Kiểm lâm Gio Linh xử lý. Vào tháng 10/2008, đơn vị này đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Phan Công Chí số tiền phạt là 6 triệu đồng, nhưng từ đó đến nay, ông Chí không chấp hành nộp phạt với lý do gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Tiếp đó, sau khi xác định được các đối tượng tiếp tục chặt phá rừng phòng hộ tự nhiên tại lô 7a, khoảnh 4, Tiểu khu 595 vào năm 2016 để trồng cây keo đều thuộc thành viên gia đình ông Phan Công Chí, vào tháng 3/2023, BQL Rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải đã có văn bản gửi Công an huyện Gio Linh đề nghị điều tra xử lý vụ việc có dấu hiệu “hủy hoại rừng”.

Theo thông báo kết quả xác minh của Công an huyện Gio Linh, đối với vụ việc “hủy hoại rừng” năm 2008, việc ông Phan Công Chí không chấp hành nộp phạt là vì lý do hoàn cảnh gia đình khó khăn chứ ông Chí không có hành vi cố tình trốn tránh, cản trở việc xử phạt.

Mặt khác, sau khi ra và giao quyết định xử phạt cho ông Chí, Hạt Kiểm lâm Gio Linh đã không tiến hành xác minh điều kiện để có biện pháp cưỡng chế theo quy định. Vì vụ việc phát hiện, xử lý vào năm 2008, nên căn cứ quy định thì đến nay đã hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính nên không có căn cứ xem xét tiếp tục xử lý.

Về vụ việc có dấu hiệu “hủy hoại rừng” vào tháng 8/2016, vì BQL Rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải là cơ quan trực tiếp phát hiện lập hồ sơ từ năm 2016 nhưng không kịp thời chuyển đến cơ quan chức năng để điều tra, xử lý.

Mặt khác, việc đo đạc diện tích rừng bị xâm hại chỉ được BQL Rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải ghi nhận trong biên bản kiểm tra của cán bộ, nhân viên thuộc đơn vị mà không có sự tham gia của cơ quan chuyên môn thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường. Vì vậy, căn cứ các quy định thì tài liệu, chứng cứ như ảnh chụp vệ tinh, ảnh chụp thực tế, lời khai người làm chứng... chỉ là chứng cứ gián tiếp, không phải tại thời điểm xảy ra vụ việc nên chỉ làm căn cứ xem xét, đánh giá chứ không phải căn cứ pháp lý để xác định mức độ thiệt hại. Do đó, không đủ cơ sở pháp lý để xác định hành vi “hủy hoại rừng” theo quy định.

Là vụ việc tranh chấp dân sự về quyền sử dụng đất rừng

Về nội dung BQL Rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải xác định, trên diện tích 34.000 m2 rừng trồng tại lô 7a, khoảnh 4, Tiểu khu 595 hiện do vợ chồng bà Phan Thị Hương Trà và ông Hồ Bá Tưởng sử dụng, có 22.000 m2 là diện tích rừng tự nhiên do vợ chồng bà Trà và ông Tưởng chặt phá từ năm 2016.

Lô 7a, khoản 4, Tiểu khu 595 thuộc xã Linh Trường, huyện Gio Linh (vùng khoan đỏ) là lâm phần thuộc BQL Rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải bị chặt phá để trồng cây keo từ nhiều năm nay - Ảnh: Lê Trường

Lô 7a, khoản 4, Tiểu khu 595 thuộc xã Linh Trường, huyện Gio Linh (vùng khoan đỏ) là lâm phần thuộc BQL Rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải bị chặt phá để trồng cây keo từ nhiều năm nay - Ảnh: Lê Trường

Qua xác minh, Công an huyện Gio Linh cho rằng, các tài liệu do BQL Rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải cung cấp không đủ cơ sở xác định hành vi hủy hoại rừng của ông Tưởng và bà Trà. Tuy nhiên, vì vợ chồng ông Tưởng và bà Trà đang trồng rừng trên diện tích đất rừng thuộc QSD đất của BQL Rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải. Trong khi, vợ chồng ông Tưởng, bà Trà không có giấy CNQSD đất mà chỉ cung cấp tài liệu xác nhận diện tích đất đó được khai hoang từ năm 1994 trước thời điểm cấp giấy CNQSD đất cho BQL Rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải vào năm 2012. Vì vậy, đây là vụ việc tranh chấp dân sự về QSD đất rừng.

Tìm hiểu vấn đề, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Gio Linh Nguyễn Văn Cung cho biết, sau khi tiếp nhận vụ việc, đơn vị đã tham mưu UBND huyện mời các ngành, địa phương liên quan và chủ rừng tổ chức họp bàn phương án xử lý.

Theo đó, trên cơ sở các ý kiến và căn cứ quy định pháp luật, thì việc khai thác rừng của người dân tự bỏ vốn trồng không được quy định hành vi để áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính. Vì vậy, lãnh đạo huyện đề nghị BQL Rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải chủ động làm việc với các bên liên quan để giải quyết vụ việc theo tinh thần hòa giải.

Trong trường hợp không thể hòa giải, đề nghị ban có văn bản gửi UBND xã Linh Trường để địa phương tổ chức hòa giải. Nếu hòa giải không thành thì BQL Rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải gửi hồ sơ lên Tòa án nhân dân huyện để giải quyết tranh chấp đất đai và tài sản trên đất theo luật định.

Giám đốc BQL Rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải Nguyễn Ngọc Hùng cho biết, sau khi có kết luận của Phó Chủ tịch UBND huyện Gio Linh Phan Văn Hòa tại cuộc họp liên ngành vào tháng 2/2023, đơn vị đã 3 lần gửi tờ trình đến UBND xã Linh Trường đề nghị xử lý hành vi lấn chiếm đất rừng phòng hộ của gia đình ông Phan Công Chí tại Tiểu khu 595. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được giải quyết và cũng chưa có phản hồi.

Liên lạc Chủ tịch UBND xã Linh Trường Hồ Văn Truyền về vấn đề này, phóng viên Báo Quảng Trị nhận được câu trả lời, xã mới kiện toàn nhân sự, bản thân mới tiếp nhận vị trí vào đầu tháng 7 nên sẽ nắm lại vụ việc và yêu cầu bộ phận chuyên môn vào cuộc, sắp xếp thời gian để mời các bên liên quan đến làm việc tìm hướng xử lý trong thời gian sớm nhất.

Lê Trường

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/ban-doc-phap-luat/can-quyet-liet-xu-ly-hanh-vi-lan-chiem-dat-rung-phong-ho-o-linh-truong/179732.htm