Cần quyết tâm rất lớn của Chính phủ!

Trong phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội sáng qua, một số đại biểu lo lắng việc tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đang chững lại và giảm đột ngột. Điều này sẽ khiến nhiều người, mà phần đông trong đó là đối tượng yếu thế gặp khó khăn trong chăm sóc sức khỏe, thậm chí có thể ngay lập tức rơi vào cảnh nghèo chỉ sau một trận ốm đau. Vì thế, đây là vấn đề cấp bách Chính phủ cần quan tâm và quyết tâm giải quyết.

Ước tính đến 30.9.2022, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế chỉ đạt 87,42% dân số. Kết quả này thấp hơn 3,59% so với cuối năm 2021 (91,01%) và còn khoảng cách khá xa so với chỉ tiêu Quốc hội đặt ra là 92%.

Có nhiều lý do dẫn đến tình trạng này! Đầu tiên, khoảng 3,1 triệu người ở những địa phương do đã thoát khỏi huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển, hải đảo và đã thoát khỏi các xã khó khăn, đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021 - 2025 nên không được ngân sách đóng hoặc hỗ trợ bảo hiểm y tế nữa. Khi Nhà nước chấm dứt hỗ trợ, họ cũng chấm dứt tham gia bảo hiểm y tế. Trong số này, có khoảng 2,1 triệu người là đồng bào vùng dân tộc thiểu số.

Một số địa phương có số người tham gia bảo hiểm y tế giảm sâu như: Đắk Lắk giảm 225,5 nghìn người, trong đó có 194,6 nghìn đồng bào dân tộc thiểu số; Sóc Trăng giảm 309,5 nghìn người, trong đó có 200 nghìn đồng bào dân tộc thiểu số; Trà Vinh giảm 243,6 nghìn người, trong đó có 93,8 nghìn đồng bào dân tộc thiểu số; Sơn La giảm 180 nghìn đồng bào dân tộc thiểu số; Thanh Hóa giảm 183,3 nghìn đồng bào dân tộc thiểu số…

Bên cạnh đó, một số tỉnh, thành phố gặp khó khăn trong bố trí ngân sách địa phương để hỗ trợ thêm mức đóng bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo, học sinh, sinh viên và người thuộc hộ gia đình nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình. Tình trạng trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm y tế của một số chủ sử dụng lao động vẫn còn xảy ra ở hầu hết các địa phương, một phần do ý thức tuân thủ pháp luật bảo hiểm y tế chưa cao, một phần do những khó khăn dịch bệnh để lại.

Mặc dù vậy, báo cáo với Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tư, Chính phủ dự kiến năm 2022 vẫn sẽ đạt được chỉ tiêu 92% người dân tham gia bảo hiểm y tế đã được Quốc hội giao. Điều này có nghĩa trong 3 tháng cuối năm, cần có thêm hơn 5 triệu người dân tham gia bảo hiểm y tế.

Đây thực sự là nhiệm vụ không đơn giản khi quỹ thời gian không còn nhiều. Hơn nữa, bên cạnh vấn đề nhận thức, việc người dân không tham gia bảo hiểm y tế có lẽ xuất phát chính từ việc đời sống kinh tế của họ còn nhiều khó khăn. Với những hộ mới thoát nghèo, chi phí tham gia bảo hiểm y tế cho cả gia đình vẫn là một gánh nặng.

Để hoàn thành được chỉ tiêu về bảo hiểm y tế trong năm 2022 và đến năm 2025 có 98% đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế theo Nghị quyết 88/2019/QH14 của Quốc hội, cần phải có những chính sách hợp lý và tốc độ triển khai thật nhanh. Điều đó cũng có nghĩa việc mở rộng độ bao phủ bảo hiểm y tế đòi hỏi quyết tâm rất lớn từ Chính phủ. Chính phủ cần xem đây là vấn đề cấp bách cần quan tâm giải quyết, bởi sau hơn 2 năm xảy ra đại dịch Covid-19, nhu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của người dân tăng rất cao. Việc không có bảo hiểm y tế sẽ khiến nhiều người dân, nhất là người dân tộc thiểu số, lao động phi chính thức, nông dân gặp nhiều khó khăn trong việc chăm sóc sức khỏe, ảnh hưởng đến thu nhập của hộ gia đình và bảo đảm an sinh xã hội cho người dân.

Cẩm Phô

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/can-quyet-tam-rat-lon-cua-chinh-phu-i304538/