Cần siết chặt quản lý việc vận hành cần trục tháp trong thi công xây dựng

Mặc dù UBND TP Hà Nội đã có những quy định liên quan đến việc kiểm tra, giám sát việc sử dụng, vận hành cần trục tháp trong thi công xây dựng, tuy nhiên, những sự cố xảy ra liên quan đến việc vận hành cần trục tháp tại các dự án xây dựng đã khiến cho người dân không khỏi bất an, lo lắng.

Theo đó, UBND TP Hà Nội đã có Chỉ thị số 08/CT-UBND về việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về quản lý sử dụng, vận hành cần trục tháp trong thi công xây dựng trên địa bàn thành phố. Cụ thể, UBND TP chỉ thị các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Xây dựng tăng cường phối hợp thanh tra, kiểm tra công tác bảo đảm an toàn khi sử dụng, vận hành cần trục tháp của các nhà thầu thi công, chủ sở hữu cần trục tháp; phát hiện và kiên quyết dừng, không cho phép đưa vào vận hành sử dụng những cần trục tháp đã quá niên hạn sử dụng, hệ số an toàn không đảm bảo…

Cần trục tháp tại Dự án bãi đỗ xe ngầm 03 tầng hầm phía dưới khuôn viên cây xanh thể thao và nhà điều hành, nhà tổ dân phố phía trên tại KĐT Mễ Trì Hạ (quận Nam Từ Liêm) đua hẳn ra ngoài đường. (Hình ảnh PV ghi nhận ngày 24/8)

Cần trục tháp tại Dự án bãi đỗ xe ngầm 03 tầng hầm phía dưới khuôn viên cây xanh thể thao và nhà điều hành, nhà tổ dân phố phía trên tại KĐT Mễ Trì Hạ (quận Nam Từ Liêm) đua hẳn ra ngoài đường. (Hình ảnh PV ghi nhận ngày 24/8)

Sở Giao thông vận tải, Công an Thành phố, Sở Thông tin và Truyền thông, Tổng công ty Điện lực Thành phố Hà Nội có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ chủ đầu tư trong quá trình sử dụng, vận hành cần trục tháp về công tác thông tin tuyên truyền, đảm bảo an toàn giao thông, an toàn điện, an toàn cho người và tài sản.

Đặc biệt, đối với nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm tuân thủ nghiêm ngặt quy định, quy trình, quy phạm về lắp dựng, vận hành, bảo trì cần trục tháp, các quy định về an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình; Áp dụng các biện pháp cụ thể, chủ động ngăn ngừa vật rơi; Phổ biến cụ thể, chính xác cho công nhân vận hành, người làm việc trên công trường: giới hạn vùng nguy hiểm vật rơi do việc lắp dựng, nâng hạ, vận hành cần trục tháp; Phạm vi di chuyển của tay cần, đối trọng và vùng nguy hiểm vật rơi khi cần trục hoạt động…

Cần cẩu của một dự án xây dựng tại ngõ 219 Trung Kính (quận Cầu Giấy) đua hẳn ra ngoài đường. (Hình ảnh ghi nhận ngày 24/8)

Cần cẩu của một dự án xây dựng tại ngõ 219 Trung Kính (quận Cầu Giấy) đua hẳn ra ngoài đường. (Hình ảnh ghi nhận ngày 24/8)

Tuy nhiên, thời gian gần đây, trên địa bàn TP Hà Nội đã xảy ra những sự cố nghiêm trọng gây mất an toàn trong quá trình sử dụng cần trục tháp như đứt cáp, rơi mã hàng đang cẩu, đổ cần trục tháp… gây thiệt hại về người và tài sản. Mới đây nhất là sự cố đứt cáp cẩu trục tại Dự án The Sun trên đường Mễ Trì (phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm) ngày 20/8 đã khiến một người nhập viện cấp cứu.

Ngoài ra, theo ghi nhận của phóng viên, tại một số dự án đang triển khai xây dựng trên địa bàn TP Hà Nội, vẫn còn nhiều cần trục tháp đua hẳn ra ngoài đường và trên nóc nhà những hộ dân xung quanh đã tạo cảm giác bất an, lo lắng cho những người tham gia giao thông và cư dân sinh sống gần đó.

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng, chủ đầu tư, nhà thầu thi công và tư vấn giám sát cần quản lý chặt chẽ việc vận hành cần trục tháp trong thi công xây dựng và có biện pháp tích cực để đảm bảo tốt nhất các điều kiện về an toàn lao động, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Mai Quý

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/can-siet-chat-quan-ly-viec-van-hanh-can-truc-thap-trong-thi-cong-xay-dung-79007.html