Cần sớm gỡ khó cho học sinh vùng cam Đăng Hà

Phân loại vùng theo mức độ nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 đã tác động đến việc đưa ra phương án học tập trong năm học 2021-2022 của mỗi khu vực trên địa bàn tỉnh. Xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng giáp ranh với 2 tỉnh Lâm Đồng và Đồng Nai, được xác định có mức độ nguy cơ lây nhiễm khá cao nên đã bị đưa vào vùng cam. Vì thế, Phòng GĐ-ĐT và Ban giám hiệu Trường tiểu học Đăng Hà phải triển khai phương án dạy và học trực tuyến để đảm bảo phòng, chống dịch.

Học online đang là xu thế cần phải thích nghi trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên tính khả thi, hiệu quả còn phụ thuộc vào khu vực và độ tuổi của đối tượng học. Tại xã Đăng Hà, dù xét theo tiêu chí nào thì việc triển khai học online còn vướng nhiều khó khăn.

“6 CÁI KHÓ…”

Có khoảng cách địa lý rộng trong khi đường truyền internet chưa bao phủ hết. Phương tiện, thiết bị phục vụ dạy và học trực tuyến của trường cũng như học sinh còn thiếu thốn. Trình độ, kỹ năng sử dụng công nghệ của một số giáo viên còn thấp. Xã có đông thành phần dân tộc thiểu số, đời sống kinh tế người dân còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều. Với những khó khăn này, việc áp dụng phương án học trực tuyến đối với vùng cam - xã Đăng Hà có khả thi hay không là bài toán cần được tháo gỡ kịp thời khi năm học mới đã cận kề.

Sợ con không theo kịp khi học online, chị Nông Thị Cươm phải cho con ôn lại các mặt chữ trước khi bước vào năm học mới

Sợ con không theo kịp khi học online, chị Nông Thị Cươm phải cho con ôn lại các mặt chữ trước khi bước vào năm học mới

Ngày tựu trường sắp đến nhưng năm nay em Trần Thành Đạt không được đến trường như mọi năm mà phải học online. Với em, phương pháp học mới còn lạ lẫm vì chưa trải nghiệm bao giờ.

“Em không biết học online là gì? Nhà em không có điện thoại thông minh và máy tính. Ước muốn của em là được đến lớp học thầy cô và thi đua với bạn”.

Em TRẦN THÀNH ĐẠT, lớp 5, điểm lẻ thôn 4, Trường tiểu học Đăng Hà

Trái với sự bỡ ngỡ của học sinh, phụ huynh chất chứa nỗi lo năm học mới với phương án học trực tuyến. Một mình phải chăm lo cho 3 cháu đi học, bà Nguyễn Thị Thoa, tổ 1, thôn 4, xã Đăng Hà lo lắng vì nhà không có nổi 1 chiếc điện thoại thông minh. “Hiện một mình tôi phải lo cho 3 cháu đi học, nuôi chồng và con trai - cả hai đều bị bệnh tâm thần, nhà không có điện thoại thông minh, việc học của các cháu không biết xoay xở thế nào?” - bà Thoa buồn bã nói.

Khá giả hơn nhà bà Thoa, gia đình chị Nông Thị Cươm, ấp 3, xã Đăng Hà đủ điều kiện đáp ứng việc học trực tuyến. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là con gái còn quá nhỏ để tiếp cận và làm quen với hình thức học này. “Gia đình tôi đủ điều kiện để trang bị đầy đủ thiết bị cho con học online, tuy nhiên con tôi năng động, chưa nhận thức được chữ cái, chữ số, các phép tính cộng, trừ, nhân, chia nên rất là khó khi học online” - chị Cươm lo lắng chia sẻ.

Trường tiểu học Đăng Hà đã vận động nhà hảo tâm hỗ trợ 2 máy photo để phục vụ photo phiếu học tập cho học sinh không có thiết bị học online

Trường tiểu học Đăng Hà đã vận động nhà hảo tâm hỗ trợ 2 máy photo để phục vụ photo phiếu học tập cho học sinh không có thiết bị học online

Không chỉ phụ huynh mà giáo viên cũng có nhiều lo lắng, vì phương pháp dạy học trực tuyến còn mới mẻ. Họ vừa tự trang bị thiết bị phục vụ dạy học và kỹ năng về phương pháp dạy học trực tuyến. Bởi nhiều năm nay, những giáo viên vùng sâu, vùng xa Đăng Hà đã quen với bảng đen, phấn trắng.

CôNguyễn Thị Phương Lan, giáo viên Trường tiểu học Đăng Hà cho biết: Khi có quyết định chọn phương án học online, chúng tôi đã được tập huấn kỹ năng cũng như phương pháp dạy học online. Tuy nhiên, đây là phương pháp dạy học mới mẻ với giáo viên vùng sâu, vùng xa và không phải giáo viên nào cũng thích ứng kịp. Tôi đang cố gắng trang bị thêm kiến thức về phương pháp dạy học mới này để mang lại hiệu quả cao nhất.

Việc học online vẫn là khái niệm còn mới mẻ với nhiều phụ huynh, học sinh và giáo viên ở xã Đăng Hà. Tuy nhiên, điều lo lắng nhất vẫn là những khó khăn đến từ phía phụ huynh, học sinh về điều kiện kinh tế để trang bị thiết bị phục vụ việc học và kỹ năng sử dụng cũng như năng lực để tham gia hình thức học này.

“Trong lớp tôi phụ trách có một số học sinh ở xa trung tâm nên mạng internet chưa được trang bị tốt, nhiều gia đình không có điện thoại thông minh, máy tính. Thậm chí mỗi gia đình chỉ có 1 điện thoại nhưng có đông con cùng học online nên rất khó phân chia lịch học” - côNguyễn Thị Phương Lan cho biết thêm.

GỠ “NÚT THẮT”

Để phương án học trực tuyến được triển khai hiệu quả tại vùng cam xã Đăng Hà, Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Bù Đăng Nguyễn Tiến Thông cho biết: Phòng GD&ĐT đã chỉ đạo các trường trên địa bàn xã Đăng Hà chuẩn bị tốt đường truyền internet; các thiết bị, nền tảng ứng dụng dạy học trực tuyến cũng phải đảm bảo. Nhà trường phải phối hợp với phụ huynh vận động họ tạo điều kiện cho học sinh có thiết bị để phục vụ học online và giám sát, hỗ trợ con em mình trong quá trình học tập. Đối các em không có điều kiện học online phải có phương án hỗ trợ tại nhà thông qua các phiếu giao bài tập hằng ngày.

Mặc dù đã có phương án học online nhưng Ban giám hiệu Trường tiểu học Đăng Hà vẫn đưa ra các phương án hỗ trợ khác đảm bảo tất cả học sinh đều theo kịp chương trình

Mặc dù đã có phương án học online nhưng Ban giám hiệu Trường tiểu học Đăng Hà vẫn đưa ra các phương án hỗ trợ khác đảm bảo tất cả học sinh đều theo kịp chương trình

Năm nay, Trường tiểu học Đăng Hà cũng tạo điều kiện tiếp nhận các em học sinh do bị dịch Covid-19 phải lưu trú tại địa phương có điều kiện học tập tại trường. Đồng thời, đón các giáo viên của trường nhưng thường trú tại 2 tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai trở lại trường công tác và đảm bảo cách ly theo quy định trước khi bắt đầu vào giảng dạy năm học mới.

Tuy nhiên, những gì có thể khắc phục được nhà trường và huyện đã thực hiện. Đối với những lý do khách quan ngoài khả năng đã trở thành nút thắt lớn nhất đối với năm học này.

Năm học 2021-2022, Trường tiểu học Đăng Hà dự kiến có 435 học sinh với 21 lớp tại điểm trường chính và 2 điểm lẻ. Trong đó, có khoảng 60% học sinh đủ điều kiện học trực tuyến. 40% học sinh còn lại do gia đình khó khăn không có thiết bị điện tử, nơi ở chưa được phủ sóng internet. Mong muốn của trường là được sự hỗ trợ của chính quyền, ngành giáo dục và mạnh thường quân để giúp 40% học sinh thiếu các điều kiện thiết yếu phục vụ việc học online như: phương tiện học tập, hỗ trợ gói dịch vụ 3G. Có như vậy, nhà trường mới thực hiện tốt mục tiêu kép vừa tổ chức dạy học vừa chống dịch thành công.

Hiệu trưởng Trường tiểu học Đăng Hà PHAN CÔNG HIẾU

Mong muốn có đủ thiết bị dạy và học, phủ sóng internet giúp học sinh có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận phương pháp học mới là ước mơ của mỗi học sinh, phụ huynh, nhà trường ở vùng cam Đăng Hà. Tháo gỡ những khó khăn này sẽ giải được bài toán nan giải về dạy và học online ở nơi đây, đồng thời giúp tất cả học sinh có cơ hội học tập công bằng về lâu dài.

Ngọc Bích

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/72/126614/can-som-go-kho-cho-hoc-sinh-vung-cam-dang-ha