Cần sớm tháo gỡ vướng mắc dự án BOT sân bay Phan Thiết

Do điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không (CHK) Phan Thiết từ cấp 4C lên cấp 4E nên tỉnh Bình Thuận phải thẩm định lại năng lực nhà đầu tư.

Dự án Cảng hàng không Phan Thiết (sân bay Phan Thiết) được Bộ GTVT phê duyệt quy hoạch ngày 16/10/2013 là sân bay lưỡng dụng quân sự và dân dụng.

Tháng 1/2015, dự án sân bay Phan Thiết đã được UBND tỉnh Bình Thuận khởi công với quy mô là sân bay lưỡng dụng cấp 3C, đón được máy bay cỡ nhỏ như ATR72, công suất 1 triệu lượt hành khách/năm.

Quá trình triển khai dự án, UBND tỉnh Bình Thuận và Bộ Quốc phòng đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ thống nhất chủ trương nâng cấp sân bay từ cấp 4C lên cấp 4E, kéo dài đường cất hạ cánh từ 2.400m lên 3.050m, nhà ga hành khách có công suất thiết kế 2 triệu hành khách/năm.

Mô hình CHK Phan Thiết. (Ảnh minh họa)

Mô hình CHK Phan Thiết. (Ảnh minh họa)

Hiện nay, tỉnh Bình Thuận đã hoàn thành toàn bộ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng sân bay (543 ha) và đài dẫn đường (2,56 ha). Hiện tại, dự án các hạng mục sân bay quân sự đang triển khai thi công xây dựng,

Về tiến độ triển khai dự án ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Bình Thuận cho biết, đối với hạng mục hàng không dân dụng theo hình thức hợp đồng BOT, do điều chỉnh quy mô từ cấp 4C lên cấp 4E nên phải điều chỉnh chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

“Sở đang phối hợp Sở GTVT rà soát, đánh giá lại kinh nghiệm, năng lực của nhà đầu tư, từ đó xác định nhà đầu tư là Tập đoàn Rạng Đông hay một doanh nghiệp khác”, ông Tuấn thông tin.

Ông Nguyễn Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết thêm, nguyên nhân các hạng mục sân bay dân dụng chưa triển khai do điều chỉnh quy mô, tổng mức đầu tư dự án đối với hạng mục dân dụng (BOT) tăng từ 1.693 tỷ đồng lên hơn 4.812 tỷ đồng.

Do đó, Hội đồng thẩm định Trung ương đã yêu cầu tỉnh Bình Thuận thẩm định lại năng lực của nhà đầu tư (Tập đoàn Rạng Đông), kèm theo đó là kinh nghiệm làm dự án sân bay của doanh nghiệp.

“Trên thực tế, kinh nghiệm làm BOT sân bay ở nước ta chỉ có đơn vị từng xây dựng sân bay quốc tế Vân Đồn ở Quảng Ninh. Tuy nhiên vướng mắc cần tháo gỡ đó là trước đây nhà đầu tư (tập đoàn Rạng Đông - PV) đã bỏ vốn ra đầu tư một số hạng mục ở sân bay Phan Thiết, bây giờ giải quyết như thế nào?.

Với tiến độ hiện tại, hạng mục hàng không dân dụng sẽ chậm hơn so phần quân sự chưa thể đưa vào vận hành ráp nối cùng lúc với hạng mục quân sự”, ông Minh cho biết.

Cuối tháng 9/2022, Văn phòng Chính phủ ban hành thông báo số 298/TB-VPCP, truyền đạt ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại cuộc họp về quy hoạch, huy động vốn đầu tư một số cảng hàng không, sân bay. Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Bình Thuận khẩn trương giải trình ý kiến của Hội đồng thẩm định liên ngành về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án sân bay Phan Thiết, hạng mục hàng không dân dụng. Đồng thời rà soát năng lực của nhà đầu tư. Trong trường hợp cần thiết, tỉnh Bình Thuận xem xét lựa chọn nhà đầu tư khác có đủ năng lực để thay thế, khởi công dự án vào đầu năm 2023 để bảo đảm sớm hoàn thành đồng bộ với hạng mục đường cất hạ cánh của cảng hàng không do Bộ Quốc phòng thực hiện.

Vĩnh Phú

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/can-som-thao-go-vuong-mac-du-an-bot-san-bay-phan-thiet-d578649.html