Cần tăng biên chế cán bộ Công đoàn để chăm lo tốt hơn cho người lao động

Ngày 8/10, tại tỉnh Thái Nguyên, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam đã tổ chức gặp mặt báo chí thông tin về tình hình công nhân, Công đoàn và dự án Luật Công đoàn (sửa đổi).

Dự Hội nghị có ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, bà Vũ Thị Giáng Hương - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Tuyên giáo Tổng LĐLĐ Việt Nam, bà Hoàng Thu Hằng - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thái Nguyên cùng các phóng viên của gần 40 cơ quan thông tấn, báo chí.

Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu đã cung cấp thông tin về bối cảnh tình hình mới và định hướng tuyên truyền đối với công tác công nhân, Công đoàn.

Trong xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đã đặt ra những yêu cầu cao hơn đối với người lao động Việt Nam, đòi hỏi nguồn nhân lực phải có nhiều kỹ năng khác ngoài kiến thức chuyên môn. Bên cạnh đó, lực lượng này cũng phải tuân thủ các tiêu chuẩn lao động quốc tế. Các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động cũng phải tôn trọng quyền lao động, cũng như tuân thủ việc thành lập tổ chức của người lao động tại đơn vị.

Ông Ngọ Duy Hiểu cũng trao đổi về các vấn đề việc làm, thu nhập, đời sống của một bộ phận người lao động khó khăn; các hệ thống chính sách pháp luật còn nhiều bất cập và tính tuân thủ chưa nghiêm của một bộ phận người sử dụng lao động; tình hình địa chính trị thế giới và những tác động đối với chuỗi cung ứng...

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cung cấp thông tin về công tác công nhân, Công đoàn.

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cung cấp thông tin về công tác công nhân, Công đoàn.

Liên quan đến dự án Luật Công đoàn (sửa đổi), ông Ngọ Duy Hiểu cho biết thêm, trên cơ sở kế thừa Luật Công đoàn 2012, dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) hiện được xây dựng có bố cục gồm 6 chương, 36 điều.

So với Luật Công đoàn 2012, dự thảo Luật có một số nội dung thay đổi nhằm hoàn thiện quy định về tổ chức bộ máy Công đoàn, cơ chế quản lý cán bộ Công đoàn và tăng cường vai trò của Công đoàn Việt Nam trong bối cảnh mới.

Nhằm thể chế hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng và để giảm thiểu những bất cập trong quá trình thi hành Luật Công đoàn 2012, bảo đảm tuân thủ nguyên tắc Đảng lãnh đạo về công tác tổ chức, cán bộ, dự thảo Luật đã bổ sung thêm nguyên tắc tổ chức và hoạt động công đoàn - đó là “hợp tác, phối hợp với người sử dụng lao động, đồng thời bảo đảm tính độc lập của tổ chức mình”.

Đồng thời, trao quyền chủ động hơn cho tổ chức Công đoàn trong công tác cán bộ theo hướng “Tổng LĐLĐ Việt Nam xây dựng định mức, khung tiêu chí xác định số lượng cán bộ công đoàn chuyên trách là cán bộ, công chức, viên chức trên cơ sở số lượng tổ chức Công đoàn, đoàn viên công đoàn, người lao động theo địa bàn và yêu cầu nhiệm vụ hoạt động công đoàn để trình cơ quan có thẩm quyền quyết định”.

Đồng thời cho phép “Tổng LĐLĐ Việt Nam quyết định số lượng cán bộ Công đoàn chuyên trách là người làm việc theo hợp đồng lao động trong các cơ quan chuyên trách của Công đoàn và Công đoàn cơ sở theo từng giai đoạn, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, số lượng đoàn viên công đoàn, người lao động và khả năng tài chính của Công đoàn”.

Dây chuyền sản xuất tại Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên.

Dây chuyền sản xuất tại Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên.

Ông Ngọ Duy Hiểu thông tin, tính đến tháng 3/2024, tổng số biên chế Công đoàn địa phương được các Tỉnh ủy, Thành ủy giao năm 2024 là 5.119 biên chế. Hiện nay, cơ chế cấp ủy địa phương giao biên chế cho tổ chức Công đoàn địa phương trong gói biên chế được cấp trên giao cho khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội, dẫn đến sự không đồng bộ về biên chế trong cùng một cấp Công đoàn; không đồng bộ giữa công tác cán bộ với việc bảo đảm nguồn tài chính; tình trạng không điều tiết được từ nơi thừa sang nơi thiếu cũng đang là vấn đề bất cập trong quản lý biên chế cán bộ Công đoàn.

Trong bối cảnh đẩy mạnh hội nhập quốc tế và sự phát triển nhanh về số lượng doanh nghiệp, người lao động, đoàn viên công đoàn, nhiệm vụ của Công đoàn đặc thù ngày càng nặng nề nhưng biên chế Công đoàn lại rất thấp so với các tổ chức chính trị - xã hội khác...

Do vậy, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất ở những doanh nghiệp có từ 1.000 lao động trở lên cần bố trí cán bộ Công đoàn chuyên trách do Công đoàn trả lương. Đối tượng này nên là hợp đồng lao động để thuận lợi xử lý các vấn đề về cán bộ và trả lương, phù hợp với mặt bằng tiền lương trong doanh nghiệp.

Phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí thực tế tại Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên.

Phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí thực tế tại Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng hoàn thiện cơ chế tài chính Công đoàn trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và sự ra đời tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp ngoài hệ thống Công đoàn Việt Nam; hoàn thiện các quy định của pháp luật Công đoàn, đảm bảo Công đoàn Việt Nam thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong bối cảnh mới...

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu mong muốn các phóng viên thường xuyên liên hệ, trao đổi với Tổng LĐLĐ Việt Nam để nắm bắt thông tin; chủ động tiếp cận với các bộ, ngành để phản ánh các chính sách; đi thâm nhập cơ sở để hiểu đời sống công nhân lao động. Đặc biệt phải "thổi bùng ngọn lửa nhiệt huyết, vui niềm vui của người lao động, lo mối lo người lao động đang đối mặt".

Cũng tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã trả lời một số câu hỏi của báo chí về những vấn đề liên quan đến đời sống công nhân, vấn đề nhà ở xã hội, giảm giờ làm, phương hướng, kế hoạch nhằm nâng cao cuộc sống người lao động, các nội dung liên quan đến dự án Luật Công đoàn (sửa đổi)...

Trước đó, ngày 7/10, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tổ chức cho phóng viên của gần 40 cơ quan báo chí đi thực tế tại Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên, tham quan dây chuyền sản xuất thép phôi và một số thiết chế văn hóa, mô hình Nhà ăn ca tự chọn phục vụ công nhân lao động... của Công ty. Đồng thời, thăm, tìm hiểu đời sống công nhân tại một số khu nhà trọ công nhân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

P.Thảo

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/can-tang-bien-che-can-bo-cong-doan-de-cham-lo-tot-hon-cho-nguoi-lao-dong-178816.html