Cần tạo không gian giao thông cho người dân, du khách đi bộ an toàn

Trong lĩnh vực du lịch, để thu hút, giữ chân du khách tại một điểm đến nào đó, ngoài phong cảnh đẹp, giá cả, giao thông thuận lợi, món ăn ngon, người dân hiền hòa hiếu khách thì không thể không nhắc đến yếu tố an toàn. Trong đó, có an toàn về an ninh trật tự, ATGT - một vấn đề mà rất nhiều du khách nước ngoài thường quan tâm mỗi khi trải nghiệm ở Việt Nam, đặc biệt là tại các đô thị, trong đó có TP. Đà Nẵng.

Du khách đi bộ qua đường sau khi tham quan khu di tích Hải Vân Quan trên đỉnh đèo Hải Vân

Du khách đi bộ qua đường sau khi tham quan khu di tích Hải Vân Quan trên đỉnh đèo Hải Vân

Câu chuyện những bất cập về giao thông đô thị từ vỉa hè đến chuyện lưu thông trên đường, đối với người Việt Nam đôi khi là "chuyện thường ngày", không được chú trọng nhưng thực tế là nó rất phức tạp, nhất là đối với du khách đến từ các quốc gia phát triển.

Đơn cử như ở TP. Đà Nẵng, muốn đón được khách du lịch đến nhiều hơn nữa thì cơ bản phải có chỗ đi bộ trên vỉa hè cho du khách. Thực tế không khó nhận ra là, khách nước ngoài khi đến Việt Nam đại đa số đều tìm cách đi trên vỉa hè cho dù vỉa hè bị lấn chiếm, tuy là dành cho người đi bộ nhưng nhiều nơi luôn bị chiếm chỗ bởi các vật dụng do người dân bỏ ra, những hàng quán vỉa hè, chậu cây, các bảng quảng cáo, thậm chí là cả những đống rác…

Chỉ nói riêng về các bảng quảng cáo đang để trên vỉa hè, thành phố nên có quy định treo bảng hiệu dọc gắn lên tường như nhiều nước đã làm (có quy định về kích thước, độ cao để không vướng tầm của người đi bộ).

Về vấn đề "đường thông hè thoáng", đơn cử như các bảng quảng cáo di động, mặc dù mỗi phường đều có xe của đội Quy tắc đô thị kiểm tra, nhắc nhở, xử lý tình trạng lấn chiếm vỉa hè nhưng rồi đâu lại vào đấy, vì các hộ kinh doanh, khi có "Quy tắc" đi qua thì đem bảng cất vào nhà, xe đi rồi lại kéo ra. Không những thế, cố làm sao để bảng của mình phải được nhìn rõ nhất. Bảng quảng cáo thì khá "đa dạng và phong phú", kích thước to có, nhỏ có đủ cả, có cái chiều ngang gần sải tay, có cái thì cao quá đầu người…

Chuyện "sang đường" cũng là một vấn đề quan tâm của du khách nước ngoài. Nhiều du khách đến Việt Nam hiện nay không giấu giếm chuyện đến Việt Nam, sợ nhất là giao thông. Nhiều người không dám qua đường và cũng rất khó tìm được chỗ để qua đường cho an toàn.

Trong khi đó, hệ thống đèn giao thông dành cho người đi bộ khi qua đường tại những tuyến đường được xem như "đường du lịch" như đường ven biển Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp, hai con đường chính dẫn xuống biển như Nguyễn Văn Thoại, Võ Văn Kiệt chưa được lắp đặt đầy đủ, không nói là rất thiếu. Trong khi lượng phương tiện lưu thông ở những con đường này có lưu lượng rất cao, nhưng vẫn chưa có trụ đèn giao thông nào được lắp đặt trên 2 tuyến đường này để phục vụ cho việc sang đường của người dân, đặc biệt là du khách.

Du khách đi bộ qua đường Bạch Đằng sau khi tham quan chợ Hàn

Du khách đi bộ qua đường Bạch Đằng sau khi tham quan chợ Hàn

Những bất cập nêu trên ở Đà Nẵng đã được cơ quan chức năng và chính quyền thành phố nắm bắt và quan tâm chỉ đạo từng bước khắc phục thời gian qua. Cụ thể là thành phố đã tăng thêm các khu vực được kẻ vạch để xe và người đi bộ thuận lợi hơn trên một số tuyến đường trọng yếu về du lịch; tiến hành cải tạo, làm lại vỉa các tuyến đường; ở khu vực chợ Hàn, một địa điểm thu hút đông đảo du khách đến mua sắm, thành phố đã chỉ đạo tổ chức lại giao thông và đang làm hệ thống tín hiệu cho người đi bộ... Và mới nhất là ngày 18/10/2024, UBND thành phố đã ban hành Công văn số 5833/UBND-SGTVT về việc xử lý các khó khăn, vướng mắc liên quan đến giao thông đô thị gắn với hoạt động du lịch. Theo đó, chỉ đạo các sở, ban ngành, địa phương liên quan khẩn trương triển khai một số nội dung thiết thực nhằm phát huy các tiện ích, hạ tầng giao thông phục vụ hiệu quả hơn cho phát triển du lịch, một lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của thành phố.

Vấn đề giao thông đô thị là một vấn đề rất đáng quan tâm và khi đề cập đến mối quan hệ của lĩnh vực này với lĩnh vực du lịch thì tầm quan trọng của nó càng được thể hiện rất điển hình. Những việc tưởng đơn giản, bình thường nêu trên nhưng để kêu gọi thực hiện nhằm làm đẹp thành phố, đảm bảo ATGT và cho người đi bộ. Muốn du lịch phát triển thì không chỉ dừng lại ở việc quảng bá hình ảnh, kích cầu, giảm giá… mà còn phải đầu tư từ cái nhỏ như câu chuyện về vỉa hè, chuyện đi qua đường nêu trên, phải đi lên từ hạ tầng giao thông thì mới phát triển bền vững và lâu dài được.

Dân Hùng

Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/can-tao-khong-gian-giao-thong-cho-nguoi-dan-du-khach-di-bo-an-toan-183241021194625134.htm