Cận Tết, vé tàu xe 'nhảy múa'...
Còn gần chục ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Thời điểm này, nhiều người đã rục rịch chuẩn bị về quê đón Tết cùng gia đình, thế nhưng giá vé tàu, xe, máy bay tăng chóng mặt khiến không ít người băn khoăn ở hay về.
Mặc dù đã có quy định các đơn vị vận tải liên tỉnh được phụ thu đối với chiều rỗng khách, nhưng các công ty vận tải liên tỉnh đang thu cao gấp 2-3 lần giá bình thường ngay cả chiều đông khách.
* Giá vé máy bay, xe khách tăng cao
Trong các phương tiện vận chuyển công cộng hiện nay là xe khách, tàu lửa và máy bay thì xe khách vẫn là phương tiện đi lại phổ biến nhất với nhiều người, vì giá vé thường thấp hơn 2 phương tiện còn lại. Tuy nhiên, gần Tết thì giá vé máy bay, tàu, xe đều tăng cao, khiến không ít người lao động xa xứ lo lắng khi phải chi một khoản lớn tiền đi lại, nhất là trong điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay.
Theo ghi nhận của phóng viên tại Bến xe Biên Hòa, nhà xe chạy các tuyến đi miền Trung như: Bình Tâm, Hoàng Huy, Tuấn Tú, Thanh Thủy, Thuận Tâm, Phú Quý… đã mở bán vé xe tết từ một tháng trước.
Ngày 25-1, Sở GT-VT đã có Công văn số 512/SGTVT-QLVTPTNL về thực hiện bình ổn giá cước trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Theo đó, các tuyến vận tải khách cố định liên tỉnh bị mất cân đối cung cầu vận tải (một chiều có khách, một chiều không có khách), các đơn vị vận tải phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước thực hiện công tác bình ổn giá, chỉ được phụ thu giá cước cho chiều xe chạy rỗng không quá 40% theo cự ly tuyến. Thế nhưng, ngay cả chiều có khách, hiện giá vé cũng đã tăng gấp 2-3 lần ngày thường.
Theo khảo sát chặng Biên Hòa đi các tỉnh miền Trung từ ngày 3 đến 8-2 (tức từ ngày 24 đến 29 tháng Chạp), loại xe khách 44 giường có giá vé từ hơn 1 triệu đến 1,4 triệu đồng; xe khách Limousine loại 22 giường giá vé từ 1,3-1,5 triệu đồng/vé. Trước đó, những tuyến này chỉ từ 600-800 ngàn đồng/vé.
Chúng tôi cũng khảo sát các website bán vé máy bay thì chặng từ TP.HCM - Hà Nội bay từ 27 tháng Chạp đến mùng 5 tháng Giêng có giá khoảng 7 triệu đồng/vé khứ hồi nếu bay của Vietnam Airline; khoảng 6,4 triệu đồng/vé khứ hồi của Vietravel Airline và 5,8 triệu đồng/vé khứ hồi khi bay với Vietjet Air và hơn 7 triệu đồng/vé khứ hồi khi bay với Bamboo. Phần lớn các giờ bay được rao trên website thường vào các giờ sáng sớm, tối muộn.
Tương tự, các chặng bay từ TP.HCM đi các tỉnh miền Trung cũng đang neo ở mức giá cao hơn nhiều so với ngày thường. Theo Cục Hàng không Việt Nam, tới thời điểm hiện tại, các chuyến bay đến các tỉnh phía Bắc cũng đã được đặt chỗ với tỷ lệ 50%, còn chiều ngược lại chỉ có 10%
Về vận tải đường sắt, Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn Thái Văn Truyền cho biết, sau 1,5 tháng mở bán vé, đến nay số lượng vé bán ra chiếm khoảng 65% trong tổng số 200 ngàn vé cung cấp ra thị trường. Hiện vẫn còn khoảng 75 ngàn vé ở tất cả các tuyến. Riêng các chuyến từ ngày 3 đến 6-2, giường nằm gần như đã kín, chỉ còn ghế mềm và ghế phụ.
Ông Truyền cho biết thêm, do chi phí nguyên liệu và một số chi phí khác tăng nên giá vé tàu Tết Giáp Thìn 2024 cũng tăng từ 1- 4% (tùy loại vé, loại tàu, thời gian đi tàu đối với chiều cao điểm). Giá vé cao nhất cũng xấp xỉ 3 triệu đồng/vé chặng Sài Gòn - Hà Nội, thấp nhất chặng là 1,9 triệu đồng/vé. Giá vé tàu thấp điểm chiều Hà Nội - Sài Gòn sẽ giảm từ 1-8%.
* Thấp thỏm khi giá vé tăng
Đồng Nai là tỉnh công nghiệp, người lao động nhập cư đông nên mỗi dịp Tết, lượng người về quê ở các tỉnh miền Bắc, miền Trung và miền Tây rất lớn. Và cũng như đến hẹn lại lên, tình trạng vé tàu, xe, máy bay tăng cao dịp Tết khiến nhiều người thấp thỏm khi theo dõi “biểu đồ” giá vé đi lại ở các loại hình, phương tiện.
Để tránh tình trạng các công ty vận tải tăng giá vé vượt quy định, ông Tống Thanh Hải, Tổng giám đốc Công ty CP Bến xe và dịch vụ vận tải Đồng Nai cho biết từ tháng 12-2023, công ty đã chỉ đạo cho bến xe, trạm xe làm việc với các đơn vị vận tải để đăng ký giá vé xe phục vụ Tết của các tuyến cố định; đồng thời yêu cầu Bến xe Biên Hòa thường xuyên cập nhật thông tin giá vé, điều chỉnh kịp thời niêm yết công khai cho người dân đi lại được rõ. Giá vé xe tết hiện tăng trung bình từ 20-40%.
Trong khi đó, trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều người lao động có thu nhập giảm sút, có người vài năm chưa về quê thăm gia đình cũng bởi giá tàu, xe tăng quá cao dịp Tết Nguyên đán.
Anh Hồ Văn Liêm (ở trọ tại P.Bình Đa, TP.Biên Hòa) đang làm việc tại một công ty gia công chi tiết máy ở Khu công nghiệp Long Bình cho biết, quê anh ở tỉnh Quảng Ngãi, giá vé ngày thường về Quảng Ngãi chỉ khoảng 700 ngàn đồng, nhưng ngày 15 tháng Chạp, anh gọi điện đến một nhà xe đặt chỗ và biết giá đã lên đến 1,1 triệu đồng/vé. Nhân viên nhà xe còn cho biết, nếu để gần Tết thì có thể lên đến 1,5 triệu đồng/vé.
“Công ty tôi làm việc đến 27 tháng Chạp mới được nghỉ. Nếu đúng như nhân viên nhà xe nói thì gia đình tôi phải cân nhắc nên về cả nhà 5 người, hay chỉ về 1-2 người. “Cày” cả năm mà cũng không lo đủ một chuyến về quê đón Tết với gia đình, rất buồn” - anh Liêm ngậm ngùi cho biết.
Còn với gia đình anh Nguyễn Văn Khang (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa), năm nay anh dự định đưa các con về Nam Định đón Tết, bởi đây cũng là dịp giỗ đầu mẹ anh. Dù đã đặt vé máy bay trước cả tháng nhưng cũng ở mức giá cao 5,8 triệu đồng/vé khứ hồi khi bay với Hãng Vietjet Air. Tính cả tiền ô tô từ TP.Biên Hòa đến sân bay, tiền vé máy bay rồi ô tô đưa về tỉnh Nam Định, nếu đi cả 5 người sẽ hết khoảng 35 triệu đồng. Rồi tiền lễ, tiền quà cho người thân trong gia đình, nên tính ngót nghét chuyến về quê đón Tết cũng phải tốn từ 50-70 triệu đồng.
Anh Khang cho hay: “Ngày Tết, nhu cầu người dân đi lại cao, Nhà nước nên có chính sách bình ổn giá tàu, xe, máy bay để giảm căng thẳng giá vé, hỗ trợ người dân. Chứ cứ Tết lại tăng vé tàu, xe thì người lao động xa xứ nghèo càng thêm vất vả khi tìm cho mình một tấm vé về quê sum họp với gia đình”.
Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/ban-doc/202402/can-tet-ve-tau-xe-nhay-mua-9ef5b53/