Cần thiết có Tòa chuyên biệt nhưng không thành lập tràn lan

Đó là khẳng định của Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình tại phiên thảo luận của Quốc hội về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).

Ngày 28/5, tại phiên thảo luận của Quốc hội về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã giải trình trước Quốc hội về những vấn đề đại biểu quan tâm, còn ý kiến khác nhau.

Theo Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình, về việc thành lập Tòa chuyên biệt, tất cả các ý kiến đều ủng hộ, để tăng tính chuyên nghiệp. Tòa chuyên biệt thành lập thế nào, ông Bình khẳng định việc này do Quốc hội quyết định, nhưng chắc chắn không có việc thành lập tràn lan.

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, TAND Tối cao dự kiến chỉ thành lập 1 Tòa sở hữu trí tuệ, 2 Tòa phá sản và các Tòa hành chính chuyên biệt ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM và đang cân nhắc thêm một số nơi.

 Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình giải trình làm rõ một số vấn đề Đại biểu Quốc hội quan tâm.

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình giải trình làm rõ một số vấn đề Đại biểu Quốc hội quan tâm.

Đối với Tòa sở hữu trí tuệ, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho rằng, chúng ta đang đối mặt với thực tế gạo ST25, Cà phê Trung Nguyên, bưởi Năm Roi, nước mắm Phú Quốc đang bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ở nước ngoài. Do vậy, rất cần bảo vệ những doanh nghiệp này, khi chúng ta phải đối mặt với việc kiện tụng về quyền sở hữu trí tuệ…

Về đổi mới tòa án theo thẩm quyền xét xử, ông Nguyễn Hòa Bình cho hay, TAND Tối cao vẫn giữ quan điểm phải tổ chức Tòa án theo thẩm quyền xét xử. “Chúng ta có hai cấp xét xử thôi. Bản thân Luật này cũng quy định nhiệm vụ của cấp xét xử sơ thẩm, cấp xét xử phúc thẩm, không nêu nhiệm vụ của tòa án cấp huyện, tòa án cấp tỉnh. Tương tự, các luật tố tụng cũng quy định như vậy”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói.

Đối với vấn đề mở rộng nguồn bổ nhiệm Thẩm phán TAND Tối cao, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao gồm 17 người. “Phải có hai đại diện, tức là không quá 15% là những thành viên bên ngoài hệ thống Tòa án, bao gồm điều tra viên, kiểm sát viên, Giáo sư Luật, luật sư…”, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình phân tích.

Giám đốc thẩm, tái thẩm là thủ tục tố tụng đặc biệt, không có luật sư, không có bị cáo… Do vậy, cần có hai thành viên ngoài hệ thống tòa án để tăng tính phản biện. Đây là vấn đề khoa học.

 Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).

Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).

Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói: “Nếu 17 ông là thẩm phán thì người ta quan ngại rằng cùng một thói quen, cùng một nếp nghĩ… Đã lựa chọn mô hình tranh tụng thì ngay trong tòa án cũng phải tôn trọng nguyên tắc này, vì tranh tụng chính là con đường dẫn đến công lý”.

Về việc thông tin tại tòa án, Chánh án Nguyễn Hòa Bình khẳng định, Điều 141 dự thảo luật không quy định về quyền truyền thông. “Chúng tôi chỉ điều chỉnh hoạt động này trong phòng xét xử, ra ngoài phòng xử, các nhà báo phỏng vấn ai, quay phim ai, chúng tôi không có quyền can thiệp”, ông Bình cho rằng quy định như dự thảo nhằm “nâng cao hiệu quả, duy trì trật tự”.

Về việc quy định ghi âm, ghi hình tại phiên tòa, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đề nghị “giữ nguyên như dự thảo”, và cho rằng: “Đại biểu có nói câu chuyện chỉ cần một bên đồng ý là có quyền ghi âm, ghi hình. Nhưng xin chia sẻ với đại biểu, bên này đồng ý nhưng bên kia không đồng ý cũng ảnh hưởng đến quyền con người”.

 Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình.

Về vấn đề thu thập chứng cứ, ông Nguyễn Hòa Bình cho biết dự thảo đã được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng Tòa án hướng dẫn, hỗ trợ các bên thu thập chứng cứ. “Cụ thể thế nào sau này sẽ có hướng dẫn”, ông Bình thông tin.

Dẫn lại ý kiến đại biểu quốc hội cho rằng 80% các vụ án không có luật sư, tòa phải có trách nhiệm đi thu thập chứng cứ cho người dân, ông Nguyễn Hòa Bình khẳng định “Không có nước nào quy định như chúng ta cả”.

“Khi khởi kiện, anh phải có chứng cứ để bảo đảm anh thắng, chứ không phải anh xách đơn đến, tòa phục vụ nhân dân nên tòa phải đi thu thập chứng cứ. Nguyên đơn cũng là nhân dân, bị đơn cũng là nhân dân. Nếu tòa phục vụ nhân dân là nguyên đơn đi thu thập chứng cứ, rồi tòa lại phục vụ bị đơn tiếp tục đi thu thập chứng cứ thì sẽ sinh ra một vụ án kỳ cục”.

“Phục vụ nhân dân là phải bảo đảm công lý, phán xử cho đúng, tuân thủ đúng pháp luật chứ không phải là tòa đi thu thập chứng cứ”, ông Bình khẳng định.

Về việc Thẩm phán thông tin về quan điểm của vụ án trước khi xét xử, ông Nguyễn Hòa Bình khẳng định, đây là điều nghiêm cấm từ trước đến nay, cũng như từ nay về sau.

“Bản án chỉ được tuyên sau khi Tòa án kiểm tra chứng cứ công khai tại phiên tòa và qua tranh tụng. Trước khi tuyên, Thẩm phán nói về quan điểm xử lý vụ án, tội này, tội kia, ông này thắng, ông kia thua… Chưa xử làm sao Tòa biết được!”, ông Bình nói.

N.Hường

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/can-thiet-co-toa-chuyen-biet-nhung-khong-thanh-lap-tran-lan-post297203.html