Cẩn trọng bệnh chốc lở ở trẻ em

Thời gian gần đây, Bệnh viện chuyên khoa Sản Nhi tỉnh Sóc Trăng tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhi đến khám do bị chốc lở.

Em N.M.T. với các dấu hiệu của bệnh chốc ở trẻ

Em N.M.T. với các dấu hiệu của bệnh chốc ở trẻ

Nhiều trẻ đến viện với tình trạng chốc lở lan rộng khắp nơi, thậm chí bị bội nhiễm, do phụ huynh chủ quan hoặc tự điều trị bằng các phương pháp, bài thuốc dân gian.

Điển hình là bé H.N.G. (10 tuổi, ngụ thị trấn Mỹ Xuyên) được đưa đến Bệnh viện chuyên khoa Sản Nhi trong tình trạng một vùng lớn trên cánh tay phải bị bội nhiễm.

Được biết, cánh tay bé xuất hiện mụn nước trước đó, nhưng người nhà nhầm tưởng là giời leo nên nghe lời khuyên truyền miệng bôi thuốc và đắp thuốc nam, lá cây... dẫn đến vùng da bị lở loét ngày càng lan rộng, rỉ dịch, đóng mày dày, tổn thương ngày càng nặng hơn. Khi nhận thấy mức độ nghiêm trọng, người nhà mới dẫn bé vào bệnh viện để khám và điều trị.

Một trường hợp khác là bé N.M.T. (11 tuổi, ngụ phường 4, TP Sóc Trăng) được mẹ đưa đi khám vì 2 bàn tay và chân bị sẩn mụn mủ, rỉ dịch vàng, trợt da, ngứa cào gãi, khó chịu.

Mẹ bé cho biết, cách đó khoảng một tuần, tay bé thường bị ngứa và nổi một số mụn nước. Tự tìm hiểu các bài thuốc dân gian trên mạng, mẹ bé có cho bé tắm nước lá me, lá khế nhưng không thuyên giảm; nhiều mụn nước vỡ, lan dần ra vùng cánh tay và xuất hiện thêm ở chân.

Sau vài ngày, mẹ bé ra tiệm thuốc tây mua thuốc uống và bôi, nhưng tình trạng bé vẫn không cải thiện, nên quyết định đưa đến Bệnh viện chuyên khoa Sản Nhi.

Chốc lở là bệnh nhiễm trùng ngoài da, do vi khuẩn gây ra. Bệnh dễ lây lan trực tiếp từ vùng da bệnh đến vùng da lành và lây sang người khác khi có tiếp xúc với chất dịch rỉ ra từ các vết trợt da. Chốc lở có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến hơn với độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo do môi trường đông đúc, sinh hoạt và dùng chung các vật dụng.

BSCKI. Nguyễn Thị Yến Thi - Chuyên gia da liễu, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện chuyên khoa Sản Nhi tỉnh Sóc Trăng, chia sẻ: “Phụ huynh thường nhầm lẫn bệnh chốc với một số bệnh ngoài da khác và tự ý điều trị bằng các phương pháp dân gian hay dùng thuốc không theo chỉ định. Việc này có thể làm bệnh lan nhanh và nặng hơn. Do đó, khi thấy trẻ bị chốc hoặc có bất thường trên da cần đưa đến cơ sở y tế có chuyên khoa da liễu để được thăm khám, tư vấn, điều trị kịp thời, phòng ngừa lây lan và biến chứng có thể xảy ra”.

TUẤN QUANG

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/can-trong-benh-choc-lo-o-tre-em-post117819.html