Cẩn trọng khi xử lý thực bì gần rừng
* Tăng cường các biện pháp bảo vệ, cây trồng vật nuôiTheo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, từ ngày 9 đến 19-3, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp tục nắng khô với nhiệt độ phổ biến cao nhất trong ngày 29-350C, có nơi có nắng nóng, riêng miền Đông Nam Bộ từ ngày 12 đến 14-3 có nắng nóng, độ ẩm trong không khí thấp.
* Tăng cường các biện pháp bảo vệ, cây trồng vật nuôi
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, từ ngày 9 đến 19-3, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp tục nắng khô với nhiệt độ phổ biến cao nhất trong ngày 29-350C, có nơi có nắng nóng, riêng miền Đông Nam Bộ từ ngày 12 đến 14-3 có nắng nóng, độ ẩm trong không khí thấp.
Đây đang là thời điểm mùa rụng lá ở nhiều cánh rừng. Trời nóng khô khiến các lớp thực bì khô giòn. Thời gian này, người dân cũng đang đốt nương làm rẫy. Nương rẫy gần rừng và đốt thực bì không bảo đảm khoảng cách có thể khiến tàn lửa dễ bay xa bén vào rừng gây cháy.
Cục Kiểm lâm khuyến cáo, người dân nên nắm rõ quy trình xử lý thực bì ở nương rẫy, trước khi đốt phải thực hiện các biện pháp an toàn phòng cháy; phải báo cho lực lượng kiểm lâm và chính quyền sở tại về thời gian, địa điểm phát, đốt rẫy; chỉ được đốt rẫy vào sáng sớm hoặc chiều tối khi có gió nhẹ và phải đốt ngược hướng gió... để phòng tránh cháy rừng.
* Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai có hơn 100 ha rừng tự nhiên, rừng trồng và mặt nước, với 1.400 loài thực vật, hơn 1.700 động vật hoang dã, trong đó có rất nhiều loài quý hiếm, cần bảo tồn nghiêm ngặt. Để phòng, chống cháy rừng tỉnh đã thi công đường băng cản lửa, kiện toàn lực lượng bảo vệ tại 14 chòi canh và 66 điểm gác rừng cố định, thực hiện công tác tuyên truyền và ký cam kết phòng, chống cháy rừng với hơn 400 người dân trong vùng.
* Các tháng 3 và 4 hằng năm là giai đoạn cao điểm mùa khô, dự báo cháy rừng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp ở cấp nguy hiểm có khả năng cháy lớn và lan tràn nhanh, nhất là tại các khu vực rừng phòng hộ. Tỉnh đã chỉ đạo các lực lượng chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng, phân công trực 24/24 giờ để tiếp nhận thông tin về tình hình phòng cháy, chữa cháy rừng, khi xảy ra cháy huy động lực lượng, phương tiện, thiết bị chi viện kịp thời.
* Do nhu cầu về diện tích làm nương rẫy với phương thức canh tác luân canh lạc hậu... gần 1 ha rừng tái sinh giáp ranh giữa bản Huổi Sang (xã Nà Hỳ) và bản Nậm Ngà (xã Nậm Chua) trên địa bàn huyện Nậm Pồ (Điện Biên) đã bị tàn phá. Tỉnh đang chỉ đạo các ngành chức năng điều tra, xử lý vụ việc.
* Ngày 9-3, UBND huyện Ea Kar (Đắk Lắk) cho biết, để xây dựng hồ chứa nước Krông Pách Thượng ở huyện M’Đrắk, huyện đang phối hợp các đơn vị liên quan lên phương án đón tiếp hơn 700 hộ dân, với hơn 3.300 nhân khẩu từ lòng hồ về sinh sống ở hai khu tái định cư mới tại huyện Ea Kar. Đây là cuộc di dân quy mô lớn từ huyện này sang huyện khác ở Đắk Lắk. Vì vậy, cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng để bảo đảm an toàn, sớm ổn định cuộc sống cho người dân. Dự kiến, ngày 12-3, tỉnh Đắk Lắk sẽ bắt đầu tổ chức di dời các hộ dân.
* Nhiều vườn dừa tỉnh Bến Tre đang bị sâu đầu đen tấn công gây thiệt hại lớn cho nông dân. Đến nay có hơn 60 ha dừa bị sâu đầu đen cắn phá lá, một số diện tích cây chết, người dân phải đốn bỏ. Ngành nông nghiệp tỉnh đang hướng dẫn nông dân các biện pháp tiêu diệt sâu đầu đen để tránh lây lan...
* Mùa khô 2021, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống thiên tai, bảo vệ các vùng sản xuất trọng điểm. Huyện đã đầu tư hơn 40,4 tỷ đồng xây dựng các công trình phòng, chống hạn mặn; trong đó, tập trung thi công nạo vét 28 tuyến kênh mương bị bồi lắng có tổng chiều dài hơn 56.000 m và khối lượng đất đào đắp hơn 191.000 m3 bảo đảm nguồn nước tưới tiêu ngăn mặn và trữ ngọt, phục vụ sản xuất.
* Trước diễn biến phức tạp của bệnh viêm da nổi cục xuất hiện trên đàn trâu, bò từ cuối tháng 2 đến nay, tỉnh Thái Bình triển khai nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, giảm thiệt hại cho người chăn nuôi địa phương. Đến nay, tỉnh có 29 hộ chăn nuôi tại 8/8 huyện, thành phố có bò bị mắc bệnh, số bò ốm là 44 con, chưa có bò bị chết. Hiện số bò bị nhiễm bệnh vẫn tiếp tục được nuôi nhốt, chăm sóc và điều trị triệu chứng theo hướng dẫn của cơ quan thú y.
* Ngày 9-3, văn phòng UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có quyết định giao nhiệm vụ "Đánh giá nguyên nhân ngập lụt kéo dài do lũ và định hướng giải pháp vùng Lệ Thủy, Quảng Ninh" cho Trường đại học Thủy Lợi thực hiện. Được biết, vùng lũ Lệ Thủy, Quảng Ninh năm nào cũng xảy ra mưa lũ gây ngập nhiều ngày, khiến cuộc sống hàng trăm hộ gia đình điêu đứng do chỉ có cửa thoát lũ duy nhất là cửa sông Nhật Lệ. Theo đó, nếu mở kênh thoát lũ ra biển giữa hai huyện sẽ tạo thêm cửa thoát lũ mới, lũ sẽ rút nhanh hơn.
* Hơn 20 hộ dân bên bờ sông Hồng thuộc khu Hiền Đa, xã Hùng Việt, Cẩm Khê (Phú Thọ) đang sống không an toàn khi hai bên bờ sông bị sạt lở, có nơi lấn vào sát nhà dân. Chính quyền địa phương đang cố gắng trong năm 2021 sẽ cho xây bờ kè và đề xuất tỉnh có khu tái định cư, di dời cho các hộ dân bị ảnh hưởng đến nơi ở mới, yên tâm lao động sản xuất.
* Huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi) đang hoàn tất các thủ tục để xây dựng nhà ở an toàn phòng, chống bão cho các hộ dân trên đảo tiền tiêu. Theo đó, 10 hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được lựa chọn để hỗ trợ 4.200 USD mỗi gia đình để xây dựng nhà ở. Tổng kinh phí hỗ trợ đợt này là gần một tỷ đồng, trích từ nguồn quỹ của Dự án xây nhà ở an toàn phòng, chống bão tại Lý Sơn do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tài trợ.
* Dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn xã Lâm Trung Thủy, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) đang diễn biến phức tạp, hiện đã có 47 con lợn, tổng trọng lượng hơn 1.600 kg bị chết, phải tiêu hủy. Cơ quan chức năng đã lấy mẫu bệnh phẩm gửi Chi cục Thú y vùng 3 (Nghệ An) để xét nghiệm. Kết quả cho thấy, các mẫu bệnh phẩm đều dương tính với dịch tả lợn châu Phi.
Tìm kiếm ngư dân bị rơi xuống biển
Ngày 9-3, lãnh đạo phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn (Thanh Hóa) cho biết, bốn tàu cùng lao động phường Quảng Tiến vẫn bám ngư trường tìm kiếm một ngư dân rơi xuống biển mất tích. Trước đó, vào khoảng 17 giờ ngày 6-3, tàu cá TH-90142-TS của ông Nguyễn Duy Bảo, ở phố Toàn Thắng, phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn chở 12 lao động đang đánh bắt hải sản tại tọa độ 19008"N-107009"E thuộc ngư trường nam Vịnh Bắc Bộ thì phát hiện thuyền viên Nguyễn Duy Côi, làm việc phía đuôi tàu đã rơi xuống biển.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/can-trong-khi-xu-ly-thuc-bi-gan-rung-637953/