Cẩn trọng trào lưu self-help trên mạng xã hội TikTok

Những trào lưu độc hại, phản cảm trên mạng xã hội TikTok ngày càng nở rộ và phát triển gây ra nhiều hậu quả khó lường đối với chính người dùng và xã hội. Nếu không cẩn trọng, người sử dụng mạng dễ bị dẫn dắt, lôi cuốn vào các nội dung xấu độc, trào lưu nguy hiểm.

Mạng xã hội TikTok trở thành nền tảng nổi bật

Mạng xã hội TikTok đang trở thành một nền tảng nổi bật và phát triển nhanh chóng, phổ biến rộng rãi, đặc biệt là trong giới trẻ. Đến nay, TikTok đã trở thành một trong những mạng xã hội được sử dụng nhiều nhất trên toàn thế giới.

Mạng xã hội TikTok ở Việt Nam được sử dụng cũng tăng nhanh. Với đặc điểm là những video được đăng tải có nội dung ngắn gọn, dễ xem, dễ nhớ, TikTok trở thành một công cụ hiệu quả để lan tỏa những thông điệp tích cực đến cộng đồng.

Khác với Facebook và Youtube, người dùng TikTok không mất thời gian truy cập trang và gõ tìm kiếm. Thay vào đó những nội dung trên TikTok sẽ tự động tìm đến người dùng.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, TikTok cũng đã và đang bộc lộ nhiều tiêu cực. Nếu không cẩn trọng, người sử dụng mạng xã hội TikTok dễ bị dẫn dắt, lôi cuốn vào các nội dung xấu độc, trào lưu nguy hiểm.

Mạng xã hội TikTok đang trở thành một nền tảng nổi bật và phát triển nhanh chóng, phổ biến rộng rãi.

Mạng xã hội TikTok đang trở thành một nền tảng nổi bật và phát triển nhanh chóng, phổ biến rộng rãi.

Sự độc hại của trào lưu self-help trên mạng xã hội TikTok

Zing dẫn nguồn từ Hull Live cho thấy, trên TikTok có đầy rẫy những mẹo cải thiện bản thân, giúp chúng ta tìm ra phương pháp mới để làm việc năng suất, hiệu quả và toàn diện hơn.

Các hashtag chủ đề "self-help" (tự lực) ngày càng phổ biến, như #WorkOnYourself có 119,5 triệu lượt xem, #GetYourLifeTogether có hơn 40 triệu lượt và #SelfLoveLifestyle có gần 3 triệu.

Khi mở ứng dụng, có thể thấy dường như mọi người đều đang nỗ lực cải thiện bản thân và người xem cũng có thể dễ dàng làm được điều đó với vô số video có sẵn. Tuy nhiên, trào lưu này khiến người xem quá tải vì áp lực phải luôn luôn tốt hơn.

Self-help là gì? Self-help là những nội dung được tạo ra với mục đích giúp người xem có cái nhìn lạc quan hơn về cuộc sống, giúp họ cải thiện bản thân, giúp họ cảm thấy thoải mái hơn và tinh thần luôn phấn khởi. Thay vì tìm vấn đề ở bên ngoài, nó hướng con người tự nhìn lại bản thân để tự khắc phục những khuyết điểm. Vì nếu không thể thay đổi thế giới, thì ít ra bạn có thể thay đổi chính mình.

Mục đích của self-help nằm trong chính cái tên của nó, self là bản thân và help là sự tự lực. Nghĩa là nó muốn cải thiện bạn trở thành phiên bản tốt hơn so với trước đây.

Ví dụ: Nếu bạn là một người ngại phát biểu trước đám đông, thì hãy tập nói từ từ. Đừng tự khóa mình trong căn phòng cô lập nào đó, mà hãy tham gia các hội nhóm để giao lưu. Từ đó, bạn sẽ có áp lực để nói chuyện với người khác. Rồi từng bước một, sự nhút nhát sẽ biến thành tự tin.

Hay như muốn phê bình bài của một đồng nghiệp, thay vì chê thẳng thì người tích cực sẽ góp ý để cải thiện, bằng lời lẽ mềm mại như: "Mình thích ý tưởng của bạn quá. Nhưng có mình góp ý này chút"…

Tuy nhiên, thực tế nhiều TikToker dù không có chuyên môn đang thể hiện như mình là một chuyên gia và trình bày kiến thức theo cách hạn hẹp. Mỗi ngày, có hàng nghìn video ngắn bảo chúng ta rằng nên làm điều gì đó khác biệt, chúng thật khó hiểu và không bền vững.

Gillian McMichael (nữ tác giả sách và người sáng lập Full Circle Global) nói rằng, hầu hết chúng ta thường mong muốn tìm kiếm một giải pháp tốt hơn để làm mọi thứ. Chúng ta đang ở trong thời đại quá tải mạng xã hội, luôn so sánh, đối chiếu mình với người khác và muốn thứ họ có.

Trào lưu self-help trên TikTok khiến người sử dụng mạng dễ bị dẫn dắt, lôi cuốn vào các nội dung xấu độc, trào lưu nguy hiểm. Ảnh minh họa

Trào lưu self-help trên TikTok khiến người sử dụng mạng dễ bị dẫn dắt, lôi cuốn vào các nội dung xấu độc, trào lưu nguy hiểm. Ảnh minh họa

"Các nền tảng truyền thông xã hội gợi ý cách ta có thể đạt được mục tiêu, thay đổi cuộc sống và cải thiện bản thân. Nhưng chỉ với những clip ngắn 30 giây, rõ ràng rất khó để một người hiểu áp dụng được đúng cách. Tôi cho rằng trào lưu này chỉ tạo ra thêm áp lực và có thể mang đến kỳ vọng sai lầm", McMichael bày tỏ.

Bà Gillian cho biết thêm, mỗi người nên cải thiện các khía cạnh cá nhân với lý do chính đáng và tìm cách bền vững, thay vì chạy theo hình tượng bất kỳ. Nếu muốn thay đổi bản thân, hãy tìm một huấn luyện viên hay chuyên gia hướng dẫn, thay vì nghe theo một người nào đó không có trình độ trên TikTok.

Cần làm gì để tránh tác hại của mạng xã hội TikTok?

Người sử dụng mạng xã hội TikTok cần phải cẩn trọng, có ý thức tự bảo vệ thông qua việc tự tạo một "bộ lọc" phù hợp cho bản thân.

Với những người sáng tạo nội dung trên TikTok cần phải lưu ý xây dựng những nội dung tuân thủ theo pháp luật, phù hợp với tiêu chuẩn đạo đức.

Với đối tượng trẻ em, thanh thiếu niên, gia đình và nhà trường cần phối hợp giáo dục nâng cao nhận thức của các em khi sử dụng mạng xã hội. Ðứng trước "ma trận" những trào lưu trên nền tảng TikTok, nếu không được trang bị những kiến thức cần thiết và các biện pháp sử dụng nền tảng một cách an toàn, đối tượng thanh thiếu niên rất dễ bị đầu độc bởi những nội dung xấu, thậm chí vô tình trở thành nạn nhân của những trào lưu độc hại.

L.Vũ (th)

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/can-trong-trao-luu-self-help-tren-mang-xa-hoi-tiktok-172221205104722507.htm