Góc nhìn

Theo 'Từ điển tiếng Việt' thì: 'Góc nhìn là chỗ đứng để nhìn nhận, đánh giá sự vật, sự việc. Thí dụ: Xem xét vấn đề từ góc nhìn của người lao động. Dưới góc nhìn đó. Góc nhìn cùng nghĩa với quan điểm'. 'Quan điểm là: 1/Điểm xuất phát quy định phương pháp suy nghĩ, cách xem xét và hiểu các hiện tượng, các vấn đề. Thí dụ: Quan điểm giai cấp. Các quan điểm đúng đắn. 2/Cách nhìn, cách suy nghĩ. Thí dụ: Trình bày quan điểm về vấn đề nêu ra. 3/Ý kiến riêng'.

Tại sao trong một xã hội, trong một cộng đồng dân cư lại cần phải có những góc nhìn khác nhau, phải có những quan điểm khác nhau thì mới là có xu hướng tích cực? Vì đây là cách suy nghĩ dương tính mang tính chất phản biện, trái chiều. Nếu cùng nhau bàn bạc, thảo luận, công khai, dân chủ thì sẽ có một đầu ra hợp lý, tránh được những định kiến hoặc hẹp hòi, hoặc chưa có tính thuyết phục.

Đông phương cổ học Tinh hoa từ hàng ngàn năm về trước đã xác định rất rõ là; “Nhân vô thập toàn, sự vô hoàn mỹ” (tạm dịch: Sống ở trên đời, không có ai là người hoàn hảo, không có sự việc nào mà mọi phần đều tốt đẹp). Chính vì lý do này mà trên thực tế đã xảy ra rất nhiều góc nhìn khác nhau, rất nhiều quan điểm khác nhau và từ đó đã nảy sinh ra nhiều sự bất hòa, nhiều mâu thuẫn cần phải thảo luận, tranh luận để tìm ra lối thoát, tìm ra giải pháp hợp lý nhất, ít bị tổn thương nhất. Đông phương cổ học Tinh hoa cũng đã dạy: “Ngô sinh dã hữu nhai, nhi trí dã vô nhai” (tạm dịch: Đời ta thì có bờ bến, cái hiểu biết thì không có bờ bến). Như thế, nếu ngoài góc nhìn hết sức hạn chế của mỗi người, ai tiếp thu thêm được những góc nhìn thông minh hơn, giỏi hơn nhiều người khác thì cuộc đời người đó thật may mắn. Sau đây là một vài câu chuyện về góc nhìn đã thay đổi tùy theo biến động của không gian, của thời gian, của hoàn cảnh xã hội và cảm xúc bản thân của từng con người cụ thể:

Cô Xuân, năm 25 tuổi, đã tốt nghiệp Đại học Sư phạm và làm giáo viên ở một trường Phổ thông Trung học. Khi đó cô Xuân nói: “Nếu bây giờ tôi lấy được người chồng tốt nữa là hạnh phúc trọn vẹn”. Rồi cô lấy được chồng, nhưng cuộc sống gia đình luôn bất hòa, tình cảm vợ chồng rạn nứt, quan hệ với mẹ chồng, với em chồng rất căng thẳng. Đến năm 28 tuổi cô Xuân ly hôn chồng. Sau khi ly hôn cô Xuân nói: “Bỏ được chồng rồi, nhẹ cả người, từ nay tôi mới có được hạnh phúc thực sự, để yên tâm làm cô giáo tốt”. Như thế, theo cô Xuân, lấy được chồng và ly hôn được chồng đều mang lại hạnh phúc. Góc nhìn đã thay đổi theo thời gian và hoàn cảnh.

Từ các góc nhìn khác nhau, nhờ phương pháp thảo luận, tranh luận mà sự việc dần dần được sáng tỏ, nhiều chi tiết được cụ thể hóa để giải quyết chứ không còn nói chung chung, đại khái, thiếu biện chứng, thiếu phản biện, thiếu thực tế. Có tác giả gọi đây là đạo đức, là sự tử tế, sự đúng đắn hợp tình hợp lý trong mọi tranh luận, phản biện vấn đề.

Nhờ có phương pháp tư duy phản biện dựa trên các góc nhìn khác nhau này mà xã hội ngày càng phát triển và tiến bộ một cách vững chắc.

Nhà triết học cổ đại danh tiếng Rufus (khoảng năm thứ 2 sau Công nguyên) đã dạy bảo rất chi tiết khi ta đứng ở các góc nhìn khác nhau mà thảo luận thì nên giữ gìn chuẩn mực gì, đạo lý gì là cần thiết nhất, là quan trọng nhất? Rufus đã viết: “Những lời nói mỉa mai, những cách nói cạnh, nói khóe đều không xứng đáng được coi là sự tranh luận có đạo đức”. Thật đáng trân trọng lời dạy bảo của các bậc tiền bối. Vì cũng như nhiều phương pháp dùng trong triết học, tranh luận mà mang tính thô lỗ, thiếu văn hóa, nặng lời, ít suy nghĩ thì chỉ dẫn đến tổn hại cho cộng đồng. Những người phát ngôn ra các ý kiến châm chọc, mỉa mai, làm tổn thương đến người khác thì sẽ gặp ngay một “nhân quả báo ứng” của cộng đồng. Đó là sự thất bại và chỉ nhận được sự chê cười của xã hội đối với bản thân người đó. Vì thế phải hết sức thận trọng, phải biết “uốn lưỡi 7 lần trước khi nói” như một ngạn ngữ cổ của Pháp đã dạy, như thế mới hoàn thành được một góc nhìn, một ý kiến phản biện mà mình muốn bảo vệ, muốn thể hiện.

Trong thực tế cuộc sống, cùng một việc xảy ra, người thì cho là đúng, người cho là sai, người bảo là dại, người lại cho là khôn. Một thí dụ cụ thể: Nghe tin ông A, một cán bộ cao cấp bị đi tù, người thì bảo ông A dại quá, người thì bảo ông ấy khôn quá nên mới sa vào vòng lao lý. Nhận xét là dại hay khôn còn tùy theo góc nhìn, tùy theo trình độ học vấn của từng người mà suy nghĩ, mà đánh giá chứ quyết không thể có tiếng nói chung được. Trong trường hợp này, cần phải mượn đến “Triết học bình dân” để lý giải “khôn, dại” mới thật thú vị và dễ nhớ. Một câu thơ dân gian: “Đố ai cân được linh hồn/ Để tôi bàn chuyện dại, khôn ở đời”. Thật tuyệt vời, linh hồn đã khó bàn thì dại, khôn biết thế nào là đúng, sai được. Lại một câu cửa miệng dân gian: “Khôn cũng chết, dại cũng chết, biết thì sống”. Nói thế tức là nói tất cả và cũng là không nói gì cả. Đó là sức mạnh thật sự của “Triết học bình dân”, mãi mãi để ngỏ mọi vấn đề và việc giải đáp vấn đề thì tùy ý.

Nhà triết học danh tiếng Oscar Wilde (1856 – 1900) đã dạy chúng ta một bài học thận trọng để đời khi bảo vệ một góc nhìn, khi tranh cãi cho một góc nhìn, Wilde viết: “Khi người ta đồng ý với tôi, tôi luôn luôn cảm thấy tôi là người sai lầm”. Câu danh ngôn này rất đáng giá và phải có nhiều kinh nghiệm thực tế mới hiểu đúng được. Ta hãy đặt câu hỏi: “Vì sao họ không phản bác lại, không chống lại, mà lại đồng ý với mình? Liệu họ có ẩn ý gì không? Có phải là cái bẫy gì chăng? Có phải “viên đạn bọc đường” không?”. Phải là người có tính thận trọng được rèn luyện qua nhiều thử thách, phải là người đã nếm trải cay đắng của cuộc sống gian nan mới có đủ bản lĩnh để nhận ra “cảm thấy tôi là người sai lầm”.

Rõ ràng từ Triết học cao cấp, uyên bác đến Triết học bình dân, các tác giả chỉ muốn giúp đỡ con người một phương pháp suy luận tích cực và đúng đắn để tìm ra lẽ phải, tìm ra sự thật, tìm ra chân lý. Cái gì cũng phải có thời gian, có suy đi thì phải có nghĩ lại mới sáng tỏ vấn đề. Câu trả lời khôn khéo nhất và hợp lý nhất khi tranh luận là: “Xin cho tôi thời gian suy nghĩ thêm, chưa dám quyết định ngay được” hoặc: “Tôi suy nghĩ chậm chạp, xin cho thêm thời gian để suy nghĩ vấn đề”.

Để nhấn mạnh về “Góc nhìn”, nên nhớ mãi câu dặn dò của bậc thầy về Triết học và Văn chương của nhân loại, ông Victor Hugo (1802 – 1885): “Những lời nói mạnh mẽ chua cay chỉ chứng tỏ một lý lẽ yếu đuối”.

TRẦN HỮU THĂNG

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/goc-nhin-10291972.html