Cần xây dựng các chuẩn doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ
Đó là nhấn mạnh của ông Nguyễn Văn Thành, đại diện Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ tại 'Hội thảo Giải pháp và chính sách đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam vượt khó khăn và đẩy mạnh khai thác giao thương' vừa diễn ra.
Ngày 16/12, Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) phối hợp với Cục Ứng dụng và phát triển công nghệ (SATI) – Bộ KH&CN và NC Network Việt Nam đã tổ chức “Hội thảo Giải pháp và chính sách đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam vượt khó khăn và đẩy mạnh khai thác giao thương”.
Tại đây, bà Bùi Thị Hồng Hạnh, đại diện VASI cho biết, năm 2023 dự báo sẽ là năm rất rất khó khăn đối với doanh nghiệp, nhiều đơn vị đã báo động vào tình trạng ngủ đông. Ngoài sự nỗ lực của chính bản thân doanh nghiệp, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Sati) cùng Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Việt Nam hy vọng tạo ra được diễn đàn để doanh nghiệp chia sẻ khó khăn và các cơ hội hợp tác vượt khó khăn, cơ quan ban ngành lắng nghe, đưa ra phương án hỗ trợ tháo gỡ.
Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Thiết kế, chế tạo và thử nghiệm, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ Khoa học và công nghệ cho biết, tính đến năm 2020, cả nước có khoảng 4.840 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, cung cấp nguyên vật liệu, phụ tùng, linh kiện cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cuối cùng trong các ngành ô tô, điện tử, cơ khí, dệt may, da giày.
Có khoảng 2.000 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện nhưng trong đó chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng đa quốc gia.
Đánh giá về hiện trạng công nghệ của doanh nghiệp hiện nay, ông Thành nhấn mạnh, Việt Nam hiện đang thiếu những doanh nghiệp thực hiện một số công đoạn do công nghệ phức tạp và khó hoàn vốn, dẫn đến không thực hiện được đơn hàng hoặc thực hiện với giá thành cao.
Ngoài ra, trình độ kỹ thuật sản xuất của nhiều doanh nghiệp còn lạc hậu, không đáp ứng được nhu cầu của sản phẩm. Các doanh nghiệp có quan tâm đến vấn đề công nghệ và phát triển sản phẩm mới nhưng thực sự chưa coi trọng đúng mức đến các vấn đề kỹ thuật công nghệ.
Chính vì thế, doanh nghiệp cần hỗ trợ để đáp ứng các công đoạn công nghệ phức tạp, đòi hỏi đầu tư cao.
Bên cạnh đó, cần xây dựng các chuẩn doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ để tập trung bồi dưỡng các doanh nghiệp tránh hỗ trợ tràn lan, kém hiệu quả.
Một trong những nội dung được các doanh nghiệp quan tâm nhất trong hội thảo lần này đó là: Chương trình hỗ trợ của Nhà nước đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.
Ông Nguyễn Văn Thành, cho biết, chương trình hỗ trợ của Nhà nước đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ giai đoạn năm 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2023, chú trọng các mục tiêu đó là đưa Hà Nội trở thành thành phố có nền công nghiệp hiện đại, công nghệ cao, công nghiệp xanh.
Trong năm 2023 và các năm tiếp theo, tiếp tục đẩy mạnh, triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành CNHT như hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp CNHT; tạo mặt bằng phát triển các khu, cụm công nghiệp để các doanh nghiệp phát triển, sản xuất kinh doanh, thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước vào đầu tư.
Bên cạnh đó, kết nối doanh nghiệp tham gia các chuỗi sản xuất, kinh doanh, cung ứng trong nước và quốc tế, hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tiếp nhận, chuyển giao công nghệ tiên tiến vào trong sản xuất…