Cần xử lý nghiêm minh vụ việc 9 cá nhân bỏ trốn bất hợp pháp tại Hàn Quốc!
Cần minh bạch, xử lý nghiêm minh vụ việc 9 người đi theo đoàn Quốc hội bỏ trốn bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Phải điểm mặt chỉ tên những ai đã lợi dụng quyền lực trong việc sắp xếp, bố trí nhân sự tham gia các hoạt động đối ngoại hay xúc tiến thương mại để đưa người 'vượt biên hợp pháp' bằng đường công cán hòng trục lợi, chà đạp lên danh dự quốc gia, bôi nhọ quốc thể.
Sự việc xảy ra hồi tháng 12 năm ngoái nhưng đến bây giờ dư luận mới hay.
Đó là chuyện 9 người đi theo đoàn Quốc hội Việt Nam bỏ trốn ở lại Hàn Quốc đang thu hút sự quan tâm của truyền thông và dư luận trong những ngày qua.
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, từ ngày 4 đến 7-12-2018, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu đoàn cấp cao Quốc hội nước ta thăm chính thức Hàn Quốc theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Moon Hee Sang.[1]
Cùng thời điểm đó, diễn đàn Đầu tư và thương mại Việt Nam - Hàn Quốc được tổ chức với sự tham gia của khoảng 300 doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc.
Văn phòng Quốc hội thông tin, ngày 23-9-2019 vừa qua, các cơ quan báo chí của Hàn Quốc đưa thông tin về việc có 9 người trong số các thành viên đi cùng phái đoàn công tác của Quốc hội Việt Nam vào tháng 12-2018 đã bỏ trốn ở lại.
Ngày 23-9-2019, Đài truyền hình MBC (Hàn Quốc) đưa tin về việc 9 người trong phái đoàn kinh tế đi theo đoàn Quốc hội Việt Nam bỏ trốn để ở lại bất hợp pháp tại Hàn Quốc, 2 trong số đó đã bị trục xuất.
Số người bỏ trốn nêu trên thuộc thành phần của đoàn tham gia sự kiện diễn đàn Đầu tư và thương mại Việt Nam - Hàn Quốc, không thuộc thành phần đoàn ngoại giao của Quốc hội Việt Nam.
Trả lời báo chí về vụ việc này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói: "Bộ KH&ĐT (cơ quan chịu trách nhiệm tổ chức các đoàn tham gia diễn đàn) đã làm hết trách nhiệm, chặt chẽ lắm. Các cơ quan chọn lọc nhưng họ cố tình lợi dụng, bỏ cả hộ chiếu để trốn. Bộ vẫn giữ hộ chiếu đây".[2]
“Chúng tôi đã tổ chức hàng trăm cuộc như thế, chẳng may có một cuộc có một số trường hợp trốn lại rất là đáng tiếc. Chúng tôi cũng buồn lắm”, Bộ trưởng KH&ĐT trần tình.
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thì cho rằng, những người bỏ trốn chỉ đi nhờ máy bay chở Chủ tịch QH.
Sự việc được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng khiến dư luận không khỏi ngạc nhiên bởi nhiều lý do.
Thứ nhất, an ninh hàng không vốn rất nghiêm ngặt huống chi đây là chuyên cơ chở Chủ tịch Quốc hội. Do đó, chắc chắn không có chuyện hành khách lên xuống máy bay một cách tùy tiện theo kiểu “đi nhờ”.
Lỗ hổng an ninh này là vô cùng nguy hiểm. Giả sử đó là nhóm khủng bố mạo danh lên máy bay, thì hậu quả sẽ như thế nào?
"Đoàn này không thuộc thành phần đoàn công tác của QH Việt Nam mà là đoàn của diễn đàn đề nghị đi nhờ chuyên cơ, sang bên kia toàn bộ sinh hoạt đi lại, ăn ở khách sạn đều do Bộ KH&ĐT lo. Khi về thì họ đi nhờ về", ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký QH khẳng định.
Thứ hai, việc bỏ trốn không chỉ một mà lên đến 9 người. Do đó chuyện bỏ trốn không thể là ngẫu nhiên mà đã có ý đồ, có kế hoạch từ trước như Bộ trưởng KH&ĐT khẳng định.
Những người bỏ trốn không thể là quan chức hay doanh nhân bởi họ chẳng dại gì đánh đổi vị thế xã hội và cuộc sống tốt đẹp đang có để chấp nhận cảnh chui lủi nơi đất khách quê người.
Do đó, vấn đề dư luận quan tâm hiện nay là có hay không chuyện ai đó lợi dụng các hoạt động đối ngoại ở cấp cao nhất để tổ chức đường dây đưa người sang nước bạn một cách “hợp pháp” bằng con đường ngoại giao? Có hay không chuyện “bán ghế” trên những chuyến bay đặc biệt như thế để đưa người đi dưới danh nghĩa doanh nghiệp tháp tùng?
Thứ ba, tại sao vụ việc xảy ra gần một năm nay, cơ quan chức năng không xử lý một cách công khai, minh bạch mà phải đợi đến khi Đài truyền hình MBC (Hàn Quốc) đưa tin mới lên tiếng thanh minh, rằng Bộ đã chọn lọc rất kỹ càng, đã phối hợp với công an làm các thủ tục rất chặt chẽ, đã xét duyệt, xem xét từng trường hợp tham gia; rằng “đây là những nhân vật có ý đồ, cố tình, là sự việc đáng tiếc"; rằng những người bỏ trốn chỉ đi nhờ máy bay chở Chủ tịch QH?
Những lời biện minh nói trên không làm yên lòng dư luận, trái lại càng tạo cớ để các “thế lực thù địch” lợi dụng chống phá.
Thứ tư, liệu đây có phải chỉ là “chẳng may có một cuộc có một số trường hợp trốn lại” trong số hàng trăm cuộc như thế do Bộ KH&ĐT tổ chức để rồi “đáng tiếc” và “buồn lắm” như Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ?
Vụ việc rõ ràng không dừng lại ở chuyện các cá nhân bỏ trốn ở lại bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Nó đã thành chuyện tầm quốc gia. Việc xử lý cần minh bạch, nghiêm minh.
Phải điểm mặt chỉ tên những ai đã lợi dụng quyền lực trong việc sắp xếp, bố trí nhân sự tham gia các hoạt động đối ngoại hay xúc tiến thương mại để đưa người vượt biên hợp pháp bằng đường công cán hòng trục lợi, chà đạp lên danh dự quốc gia, bôi nhọ quốc thể.
Nguồn tham khảo:
[1]. https://tuoitre.vn/9-nguoi-bo-tron-o-lai-han-quoc-chi-di-nho-may-bay-cho-chu-tich-quoc-hoi-20190925134331649.htm
[2]. https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/9-nguoi-tron-o-lai-han-quoc-la-rat-dang-tiec-chung-toi-buon-lam-571116.html#inner-article.